Từ sau Tết Nguyên đán, thị trường bất động sản tại nhiều khu vực vẫn diễn biến sôi động, giá đất tại một số nơi đã có biến động lớn. Đặc biệt, các vùng ven đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM,...
Các chuyên gia bất động sản chỉ ra việc "sốt đất" không chỉ có ở riêng Hà Nội, TP. HCM mà còn lan rộng ra tại nhiều địa phương trên cả nước như: Bình Dương, Đồng Nai trước đây đã lan rộng ra Bình Phước, Tây Ninh, một số khu vực như Bến Lức, Đức Hòa (Long An)... Hiện, khu vực như Bảo Lộc, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Buôn Mê Thuột... hoặc một số tỉnh miền Bắc, miền Trung cũng đều xuất hiện tình trạng sốt đất.
Tại các địa phương khác cũng được Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) chỉ ra, bất chấp ảnh hưởng kéo dài của đại dịch trong năm 2021, nhiều thị trường bất động giáp Hà Nội như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Nguyên vẫn tăng giá từ 20-50%.
Trong đó, giá đất nền tại Bắc Ninh tăng giá gần 100% so với năm 2020, nhờ việc đón sóng hạ tầng, từ thông tin quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư, tuyến đường,…
Ở thị trường phía Nam, Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Phước là các thị trường ghi nhận làn sóng mua bán bất động sản sôi động hơn cả, nhất là với loại hình đất dự án và đất thổ cư tự do.
Thị trường đất ngoại thành Hà Nội thuộc trục đường Hoà Lạc khu vực huyện Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Sơn Tây, Ba Vì đang tăng cao so với thời điểm trước Tết Nguyên đán. Nếu như trước Tết Nguyên giá đất khu vực này giao động từ 10 – 12 triệu đồng/m2, thì hiện nay, giá đất thổ cư đang được các sale bất động sản rao bán trong khoảng 17 triệu - 20 triệu/m2 tuỳ vào khu vực.
Đơn cử, khu vực xã Đông Dư (huyện Gia Lâm), lô đất thổ cư nằm ở mặt đường của thôn có diện tích 50 m2, trước Tết được rao bán ở mức 2 tỷ đồng, tương đương 40 triệu đồng/m2, thì nay đã tăng lên 2,5 tỷ đồng, tương đương 50 triệu đồng/m2.
Khảo sát giá thị trường khu vực tuyến phố Thạch Cầu (quận Long Biên) đang có dấu hiệu tăng "nóng", chênh khoảng 20 - 50 triệu đồng/m2 so với hồi cuối năm 2021, đây là giá tùy thuộc vào khu vực và diện tích từng mảnh đất.
Khu vực các huyện ngoại thành như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất, Ba Vì, Gia Lâm,... cũng đã xuất hiện số lượng văn phòng môi giới, giao dịch nhà, đất cũng xuất hiện thêm rất nhiều, so với hồi cuối năm 2021.
Anh Huy Khải - môi giới bất động sản tại Hà Nội cho biết, hiện nay, nhiều nhà đầu tư muốn "đổ" tiền vào đất nền tại các huyện ngoại thành Hà Nội với những mảnh đất ở khoảng giá 1,5 tỷ đồng đến 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, để tìm được những mảnh đất vào khoảng giá này rất khó, vì so với trước Tết Nguyên đán, giá đất đã tăng lên 5 – 6 giá, cùng đó giá những khu vực này nay đã lên cao.
Anh Nguyễn Văn Hải - nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho biết: "So với thời điểm trước Tết, hiện nay thị trường đất nền vùng ven một số thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM bắt đầu tăng cả giao dịch, về thanh khoản, lẫn giá bán, nhất là các khu vực chuẩn bị có dự án hạ tầng".
Anh Hải lấy dẫn chứng tại Hà Nội, ngay sau khi có thông tin Ban cán sự Đảng UBND TP. Hà Nội có tờ trình, về việc đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy xem xét cho chủ trương chỉ đạo trước khi phê duyệt 2 đồ án quy hoạch bao gồm: Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000 (đoạn cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở) và Quy hoạch phân khu đô thị sông Đuống tỷ lệ 1/5.000) từ Bắc Cầu đến cầu Phù Đổng), giá đất ở các khu vực sắp quy hoạch đã có sự tăng giá đáng kể.
Bên cạnh đó, khi dự án đường vành đai 4 thủ đô được phê duyệt và chuẩn bị triển khai giá đất các huyện ngoại thành được tạo "sóng" đẩy giá lên cao so với trước đây.
Anh Hải cảnh báo: "Hiện nay, giá đất nền ngoại thành đã đạt đỉnh, vì vậy, nhà đầu tư cần thận trọng khi "đổ" tiền vào những khu vực này, vì những thông tin về quy hoạch đã được công khai rõ ràng "cò đất" tạo ra những cơn "sốt" nhà đầu tư không tỉnh táo có thể gặp rủi ro".
Thực tế, đã cho thấy rất nhiều nhà đầu tư mua đất nền bị "vùi lấp" vốn, thậm chí lỗ lớn vì tình trạng đầu tư "ăn theo" hạ tầng. Trước khi đầu tư bất động sản "ăn theo" sóng hạ tầng, nhà đầu tư cần phải tìm hiểu thật kĩ thông tin quy hoạch, pháp lý, tính kết nối hạ tầng giao thông, hạ tầng xã hội, khả năng thanh khoản,... để tránh bị "vùi lấp vốn".