Hết thời sốt nóng, đất vùng ven vắng lặng
Nếu như 5 tháng trước, cứ cuối tuần, anh Nguyễn Lộc (Sóc Sơn, Hà Nội) nhận dẫn 2-3 khách đi khảo sát và tìm kiếm lô đất đẹp. Phần lớn khách của anh Lộc đến từ trong nội thành Hà Nội như Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm... Thậm chí, một lượng khách của anh Lộc còn đến từ các tỉnh lân cận như Hải Dương, Hưng Yên.
Các khách hàng này chủ yếu tìm đất ven và dọc đường Vành đai 4 dự kiến sẽ đi qua. Chỉ số ít nhà đầu tư mua đất nằm rải rác khu vực khác của Sóc Sơn với mục đích chờ đợi 3-5 năm giá tăng trong tâm lý Hà Nội đất chật, người đông, giá vùng ven ắt sẽ tăng.
Theo anh Lộc, nếu như năm 2020, giá đất Sóc Sơn cơ bản tăng gấp đôi so với năm 2018. Đến đầu năm 2022, trung bình giá đất tăng 30-50% so với năm 2020.
Một số lô đất tại Sóc Sơn ghi nhận tình trạng hạ giá nhẹ. (Ảnh: Nhật Minh)
Đơn cử như lô đất nằm ở Thanh Xuân, Sóc Sơn, diện tích 90m2 năm 2018 bán với giá 450 triệu đồng. Đến năm 2020, giá lô đất này lên tới 910 triệu đồng. Và 2022, có nhà đầu tư trả 1,1 tỷ đồng. Tại xã Bắc Sơn, giá đất nông nghiệp kèm một phần thổ cư trước năm 2021 chỉ từ 700.000 đồng/m2-2 triệu đồng/m2 thì đến hiện tại, mức giá này tăng gấp 2 lần. Thậm chí, nhiều lô đất có vị trí đẹp, mức giá dao động ở ngưỡng 6-7 triệu đồng/m2.
"Đầu năm 2022, người mua hỏi nhiều. Dân đầu tư thấy đi lại suốt. Cuối tuần nào cũng gặp mấy chiếc xe ô tô dẫn khách đi xem. Nhưng 2-3 tháng gần đây, vắng hẳn. Giá đất trước đó tăng quá mạnh, tăng ảo. Một số người đang gửi tôi bán nhưng giá có phần hạ thấp", anh Lộc chia sẻ.
Tại khu vực Thạch Thất, nơi từng xảy ra cơn sốt tăng giá chóng mặt cũng ghi nhận tình trạng vắng lặng. Theo Tấn (môi giới khu vực này) tiết lộ, giao dịch hiện tại chỉ túc tắc, không còn nhộn nhịp sôi động như thời điểm đầu năm 2022. Một số nhà đầu tư cần tiền hạ thấp mức kỳ vọng về lợi nhuận. Ví dụ như lô đất 65m2 nằm cách khu công nghệ cao Hoà Lạc 3km, cuối tháng 12/2021 được giao dịch với giá 1.2 tỷ đồng. Đến tháng 8/2022, lô đất này chỉ rao bán với giá tương tự, thậm chí chủ đất còn sẵn sàng gia lộc thêm.
Tai khu vực Hoài Đức, Chương Mỹ, lượng nhà đầu tư đi săn đất thổ cũng giảm rõ rệt. Một môi giới "nằm vùng" nơi đây cho biết, các nhà đầu tư không còn đi khảo sát đất nhiều như trước. Chỉ số ít nhà đầu tư tìm đất nhưng họ đều có điểm chung là tiền mặt nhiều.
Giá bất động sản đang chững lại?
Theo batdongsan.com.vn thị trường bất động sản bắt đầu hạ nhiệt sau giai đoạn sôi nổi vào quý I/2022. Đơn vị này cho rằng, dù làn sóng cắt lỗ chưa mạnh mẽ nhưng ở một số thị trường, một số phân khúc, bắt đầu xuất hiện nhà đầu tư rao bán sản phẩm với mức giá thấp hơn hẳn so với giá thị trường.
Nguyên nhân của sự trầm lắng trên thị trường xuất phát từ thắt chặt nguồn vốn tín dụng ngân hàng khiến nhà đầu tư khó tiệm cận. Mặt khác, mức lãi suất gia tăng cũng là áp lực buộc nhà đầu tư vốn mỏng phải cơ cấu lại tài sản. Theo giới chuyên gia, việc tăng giá quá mạnh trong thời gian dài cũng là lý do khiến thị trường "hết sốt ảo" và đang dần dần điều chỉnh chở về trạng thái cân bằng, bình ổn.
Khu vực vùng ven khác như Chương Mỹ, Hoài Đức không còn cảnh người người tấp nập đi xem đất. (Ảnh: Nhật Minh)
Theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, một số khu vực giá bắt đầu chững lại nguyên nhân trước đó do môi giới nhà đầu tư lợi dung thông tin về hạ tầng, quy hoạch để đẩy giá lên cao. Khi đến hiện tại, hạ tầng chưa triển khai, quy hoạch vẫn như vậy thì mức giá không thể kéo tăng mãi theo kỳ vọng. Ngược lại, mức giá đã tăng ảo buộc phải quay trở lại giá trị thực.
Ông Matthew Powell – Giám đốc Savills Hà Nội cũng đưa ra phân tích, áp lực tăng giá cùng tỷ lệ lạm phát tăng cao trong khi tín dụng bị thắt chặt có thể sẽ khiến hoạt động thị trường bất động sản chậm lại trong ngắn hạn. Song nhìn về dài hạn, vị này dự báo rằng, đà tăng giá bất động sản sẽ khó có thể dừng lại trong bối cảnh chi phí phát triển leo thang cùng với nhu cầu đầu tư nhà đất bùng nổ tại nhiều thị trường.