Từ khuôn mặt, dáng đi con người, diện mạo các vùng đất, ánh sáng các đô thị, phương tiện trên đường phố cho đến vị thế quốc gia trên trường quốc tế... Với những thay đổi lớn lao ấy, để chọn ra đâu là ấn tượng nhất, thì cũng đủ để trở thành một cuộc bàn luận lớn.
Tại một cuộc gặp gỡ các cựu chiến binh nhân dịp Kỷ niệm Ngày thống nhất đất nước, có ý kiến đề nghị bình chọn hình ảnh ấn tượng nhất của sự thay đổi trong thời gian kể từ sau chiến tranh đến nay. Mọi người hưởng ứng và nhiều ý kiến cho rằng đó chính là lĩnh vực giao thông vận tải với hình ảnh những đại lộ, những đường bay, đường biển, đường sắt, được phát triển và kiến tạo để nối liền mọi miền quê trên đất nước ta.
Có người thuyết lý, trong đầu tư, xây dựng hạ tầng, chuẩn bị cho công cuộc phát triển đất nước, bài toán về kết nối giao thông thường được tính đến đầu tiên. Có người hình tượng bằng cái nhìn từ trên cao, trên cánh bay theo rộng dài đất nước để minh chứng cho lựa chọn ấy.
Năm 1975, tôi bắt đầu bước vào tuổi thanh niên, bàn chân đã bắt đầu bén gót với những con đường, và đến bây giờ, tôi vẫn đang thường xuyên đi trên đường. Khi ngồi ô tô vi vu trên những tuyến đường cao tốc, ùa vào giữa cái cảm giác thênh thang, thấy mình giống như là một cánh chim đang được tiếp thêm gió mạnh, chỉ chực bay lên khỏi hiện thực...
Có lẽ, chỉ ở lứa tuổi đã ở trong ngoài hoa giáp, vẫn còn đi nhiều, thì mới cảm nhận được thật sâu sắc cảm giác này. Cả một thời gian dài dằng dặc, chúng tôi đã từng "bò ra" trên khắp các cung đường, và bây giờ thì đang tiếp cận với tốc độ, với giao thông hiện đại, vì thế mà có đủ thấm thía để thấy những gì đang bày ra vun vút trước kính lái thật không dễ dàng...
Ôi, cảnh tàu xe đường xá gian nan trong những năm cuối 70 và 80 của thế kỷ trước. Một chặng hơn trăm cây số Hà Nội về quê tôi ở Thái Bình nhiều khi mất non một ngày. Một cung đường Hà Nội đến Quảng Ninh, ra Móng Cái, Trà Cổ, có khi đến hai, ba ngày. Đường từ Hà Nội lên Sơn La và ngược lại, nhiều lần phải ngủ đêm trên đường. Lên Lào Cai, Sa Pa thì đi tàu hỏa xình xình va đập suốt từ chập tối hôm trước đến sáng hôm sau...
Giờ thì sao? Từ cơ quan, cuối giờ làm, chạy xe về tận làng ở quê, chỉ hơn một giờ đồng hồ, thênh thang mấy lối cao tốc Pháp Vân - Phủ Lý, Hà Nội - Hải Dương, nối vào cao tốc Hà - Thái, ăn bữa tối rồi lên, sáng mai lại đi làm. Từ Hà Nội đi Quảng Ninh, tới Vân Đồn, cũng chưa tới ba tiếng đồng hồ, tuyền lao trên cao tốc. Lên Sơn La, Tây Bắc thì theo cao tốc Láng - Hoà Lạc, nối cao tốc tới Hoà Bình mà lên, chỉ năm, sáu giờ xe đi thong dong. Nay mai, có cao tốc Hoà Bình nối với Mộc Châu, Sơn La, thì còn nhanh hơn nữa. Đi Lào Cai, Sa Pa, giờ cũng toàn đi ô tô chạy trên đường cao tốc...
Sau khi thống nhất, đất nước đã mở lại những con đường, cả đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển... Tiếp đến là công cuộc khai phá những con đường mới. Một con đường Trường Sơn của thời dựng xây hiện ra. Một tuyến đường đại lộ ven biển Đông được hình thành. Cùng với đó, như những mạch máu sung mãn, thêm bao nhiêu con đường hàng tỉnh, hàng huyện, đường liên xã, liên thôn.
Cho đến đầu thế kỷ21, Hệ thống đường bộ cao tốc Việt Nam bắt đầu được nghiên cứu và xây dựng...Năm 2008, Chính phủ ban hành Quy hoạch phát triển mạng đường cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2020. Đầu năm 2016, Quy hoạch mạng lưới cao tốc định hướng đến năm 2030 có những điều chỉnh so với quy hoạch trước đó được phê duyệt.
Theo dự báo về nhu cầu giao thông phục vụ công cuộc phát triển đất nước với bốn vùng kinh tế trọng điểm đến năm 2030 thì Quy hoạch này gồm 22 tuyến cao tốc (CT từ 01 - 22) với tổng chiều dài 6.411 km. Trong đó, 2 tuyến xương sống cao tốc Bắc - Nam có tổng chiều dài 3.083 km gồm: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT.01) nối từ Thủ đô Hà Nội đến thành phố Cần Thơ, dài 1.814 km và Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02) nối từ kinh đô cổ thời Vua Hùng ở Phú Thọ đến cuối biển Kiên Giang, dài 1.269 km.
Cùng với đó là các thành phần tiếp nối vào hai tuyến xương sống này gồm: Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Bắc với 14 tuyến hướng tâm kết nối với Thủ đô Hà Nội, tổng chiều dài 1.368 km, với các tuyến: Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng, HàNội - Việt Trì - Lào Cai, Nội Bài - Bắc Ninh - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái, Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, Đồng Đăng - Trà Lĩnh... Hệ thống cao tốc khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 3 tuyến, tổng chiều dài 264 km: Hồng Lĩnh - Hương Sơn, Cam Lộ -Lao Bảo, Quy Nhơn - Pleiku. Hệ thống đường cao tốc khu vực phía Nam gồm 7 tuyến với tổng chiều dài 983km...
Các đường cao tốc này được xây dựng với quy mô từ 4 đến 6 làn, mỗi chiều 2 đến 3 làn và đều được liên kết đến các quốc lộ và các đường cao tốc khác ở nơi mà đường cao tốc đi qua. Tốc độ trên các đường cao tốc được thiết kế tối đa từ 100 - 120 km/h.
Chỉ trong vòng hơn 10 năm đã qua, nhiều tuyến đường cao tốc trong quy hoạch này đã hiện ra đầy thuyết phục trên thực địa. Còn nhiều tuyến đang được xây dựng, đang lập dự án kinh tế kỹ thuật hoặc bắt đầu khởi động... Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT.02) với 14 chặng, đã bắt đầu xây dựng một số chặng.
Đặc biệt, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (CT. 01) với 16 chặng thì đã hiện ra rất rõ hình hài với rất nhiều chặng đã xây dựng xong, đưa vào khai thác. Trong tháng 9/2020, Bộ GTVT đã cùng lúc khởi công đồng loạt ba dự án trên ba chặng của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là các chặng Mai Sơn - Quốc lộ 45 (Ninh Bình - Thanh Hóa), Vĩnh Hảo - Phan Thiết (Bình Thuận) và Phan Thiết - Dầu Giây (Bình Thuận -Đồng Nai). Đây là ba dự án với hình thức đầu tư công, theo kế hoạch, sẽ hoàn thành vào tháng 12/2022, Việt Nam sẽ có thêm 260 km đường cao tốc được đưa vào khai thác. Trong đó có 200 km nối từ Bình Thuận đến đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Hiện nay, trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông còn 5 dự án các chặng đang tổ chức đấu thầu để chọn nhà đầu tư thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong năm 2023, sẽ có thêm hơn 654 km của 11 dự án các chặng thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông từ Ninh Bình đến Hà Tĩnh và từ Nha Trang đến TP. HCM được đưa vào khai thác.
Với những người lái xe, lâu lâu mới trở lại một miền đất nào đó, dễ bất ngờ và ngỡ ngàng khi thấy một con đường cao tốc mới rất hiện đại, đã hiện ra. Các thông tin khái quát, con số và tiến độ các tuyến đường trong mạng lưới đường cao tốc đất nước nêu ra ở đoạn trên sẽ dễ dàng cho chúng ta một cái nhìn toàn cảnh về sự hiện ra ấy.
Từ đây, ta đã thấy đất nước bắt đầu thênh thang trên các đại lộ. Những đại lộ mở ra những bệ phóng cho thông thương và phát triển. Đây thật sự là một kiến tạo vĩ đại của thời vận mới, tạo nền cho những phát triển thần kỳ mới hướng tới mục tiêu xây dựng một đất nước Việt Nam thịnh vượng trong kỷ nguyên mới.