Israel – đất nước Trung Đông với dân số dưới 9 triệu nhưng sở hữu số lượng công ty lớn thứ hai niêm yết trên Nasdaq, chỉ sau Trung Quốc. Và ngạc nhiên hơn, chính Israel, không phải quốc gia nào khác, có mật độ khởi nghiệp cao nhất tính theo đầu người trên toàn thế giới. Vậy làm thế nào mà quốc gia nhỏ bé này, trong một môi trường địa chính trị khá bất ổn, một lịch sử và nền tảng đất nước trải qua các cuộc lạm phát trì trệ, lại trở thành "một điểm nóng"của đổi mới khởi nghiệp?
Đổi mới công nghệ đã trở thành một phần quan trọng của "thương hiệu Israel". Khoảng 4,3% GDP của đất nước được đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R & D), vượt xa hầu hết các quốc gia khác. Chính phủ nước này tập trung vào phát triển công nghệ cao ở các lĩnh vực thương mại điện tử, game, quảng cáo, bảo mật, công nghệ di động và phát triển ứng dụng. Một ví dụ nổi bật vẫn được giới startup toàn cầu nhắc đến là thương vụ thâu tóm thành công giữa ông lớn công nghệ Intel với Startup Mobileye của Israel sở hữu công nghệ lái xe tự lái trị giá 15,3 tỷ USD năm 2017.
Khuyến khích sự hiện diện của các công ty đa quốc gia
Hầu hết các ông lớn công nghệ trên thế giới đều góp mặt ở Israel - Microsoft, Google, Apple, Siemens, Huawei, Sony, Intel và hơn 300 tập đoàn đa quốc gia khác đã thành lập các trung tâm R & D hoặc tuyển dụng nhân tài ở Isael.
Chính phủ Israel luôn khuyến khích và tạo ra các chính sách để các tập đoàn đa quốc gia đặt chi nhánh hoặc cơ sở ở đây. Chính phủ đã đầu tư hạ tầng nguồn vốn con người, cung cấp nguồn kinh phí bền vững cho nghiên cứu, đưa chính sách thuế khuyến khích các tập đoàn, đầu tư đa quốc gia…Theo dữ liệu của Jerusalem Partners (JVP), các công ty đa quốc gia mở trụ sở ở ngoại thànhTel Aviv có thể chiếm tới 40% tổng tiền lương trả cho nhân viên của các doanh nghiệp tại Israel trong hai năm đầu.
Các công ty đa quốc gia tạo thành một phần quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Israel và họ được tham gia vào các cuộc đối thoại giữa các công ty khởi nghiệp và các quỹ đầu tư mạo hiểm. Điều này nhiều lần dẫn đến việc cùng đầu tư hoặc mua lại, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp tại Israel.
Thi hành nghĩa vụ quân sự bắt buộc với thanh niên
Người Israel tin rằng phần lớn thành công của họ trong kinh doanh xuất phát từ yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với cả nam và nữ trong độ tuổi từ 18 đến 21 tuổi.
Từ góc độ công nghệ, có một số đơn vị tình báo đặc biệt trong quân đội tạo ra các chuyên gia công nghệ hoặc chuyên gia về không gian mạng. Các cuộc xung đột địa chính trị căng thẳng ở Trung Đông đã tạo ra các nhu cầu về việc phải nỗ lực nghiên cứu và phát triển công nghệ liên quan đến quốc phòng, sau này trở thành nền tảng cho nhiều đổi mới phi quốc phòng trong các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, viễn thông, an ninh, giao thông, v.v.
Các kĩ năng và phẩm chất được huấn luyện trong thời gian nghĩa vụ quân sự ở Israel cũng là một nền tảng trong thành công của các startup. Nghĩa vụ quân sự dạy cho người Israel suy nghĩ trên đôi chân của họ và ứng biến để hoàn thành một nhiệm vụ. Cách họ phản ứng với những thay đổi bất ngờ được coi là quan trọng hơn so với việc thực hiện công việc. Thực hành giải quyết vấn đề phát sinh và tăng cường phẩm chất ngoan cường trước những biến động bất ngờ là một công cụ mạnh mẽ cho các doanh nhân và người khởi nghiệp khi bước vào hành trình kinh doanh.
Môi trường đại học và hoạt động thúc đẩy khởi nghiệp
Giống với vị trí của các công ty đa quốc gia, các tổ chức đại học cũng là một yếu tố có giá trị của hệ sinh thái khởi nghiệp. Israel có tám trường đại học được xếp hạng cao trên bình diện thế giới và các trung tâm R & D của họ là những trung tâm ươm tạo tuyệt vời để thúc đẩy sự đổi mới. Một trong số đó là nơi đào tạo ra chủ nhân của 8 giải thưởng Noel, Đại học Habrew University of Jerusalem. Từ rất sớm, năm 1991, chính phủ Isreal đã chi 200 triệu NIS để hỗ trợ chương trình ươm tạo công nghệ từ năm 2001 do Bộ Kinh tế và Công nghệ chủ trì, với mục tiêu tạo dựng 24 vườn ươm công nghệ.
Phần lớn các nghiên cứu và phát triển đi vào các công nghệ mới được thực hiện trong các viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm. Những công nghệ này sau đó được chuyển từ các tổ chức học thuật sang các công ty phát triển các ứng dụng. Ở Israel, trung gian cho quá trình này là các Tổ chức Chuyển giao Công nghệ (TTO) và họ đóng một vai trò quan trọng trong việc biến khoa học mới thành tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, nhiều trường đại học và cao đẳng của Israel bắt đầu xây dựng các trung tâm có chất lượng cao của riêng họ, tập trung vào nghiên cứu kinh doanh. Technion, một trường đại học nghiên cứu khoa học và công nghệ, yêu cầu mọi sinh viên bắt buộc phải tham gia chương trình doanh nhân nhỏ, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp do sinh viên lãnh đạo.
Cộng đồng đầu tư mạo hiểm phong phú
Chính phủ Israel đã khởi động lại ngành đầu tư mạo hiểm vào năm 1993 bằng cách tạo ra Quỹ Yozma và đưa ra các ưu đãi thuế hấp dẫn cho các khoản đầu tư mạo hiểm nước ngoài ở Israel. Ngày nay, Israel có khoảng 70 quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) đang hoạt động, trong đó có 14 quỹ quốc tế có sự tham gia của Israel.
Một trong những công ty VC thành công nhất của Israel là Jerusalem Venture Partners , được Preqin xếp hạng là một trong 10 công ty VC hoạt động liên tục hàng đầu trên toàn thế giới. Nó đã đầu tư cho hơn 120 công ty và huy động được hơn 1 tỷ USD trên chín quỹ kể từ khi thành lập năm 1993.
Điều quan trọng nhất cần lưu ý về hoạt động đầu tư mạo hiểm của Israel có lẽ là cách tiếp cận đầu tư nhiều giai đoạn. Isreal hiện tài trợ cho tất cả các giai đoạn startup từ vòng hạt giống đến giai đoạn cuối tăng trưởng.
Một tư duy có tính toàn cầu
Một trong những phẩm chất tạo ra sự khác biệt của các công ty khởi nghiệp Israel là thái độ khẩn trương trong kiến tạo và liên tục mở rộng.
Do quy mô của đất nước nhỏ, không có nhiều thị trường để hoạt động. Người Israel đã biến điều này thành một lợi thế bằng cách tạo ra các giải pháp ngay từ đầu với thị trường toàn cầu. Các công ty khởi nghiệp của họ về cơ bản được xây dựng để trở thành một "người chơi" có tầm quốc tế vì tư duy toàn cầu này là một phần trong DNA của họ.
Có thái độ tích cực với sự thất bại
Người ta nói rằng đối với mỗi gia đình Israel, có ít nhất một doanh nhân. Vì vậy, tinh thần kinh doanh là một phần không thể tách rời, được tôn vinh và thậm chí là một phần của văn hóa, kể cả khi kinh doanh thất bại.
Mỗi năm, đất nước này sản sinh ra khoảng 1.000 công ty mới. Và tất nhiên nhiều người trong số họ không thành công. Nhưng ở Israel, thất bại chỉ là một sự kiện, không phải là con người. Vì vậy, các doanh nhân không ngần ngại thành lập một công ty khác và nghĩ đến một ý tưởng mới khi công ty cũ rơi vào ngõ cụt. Mọi hoạt động dường như liên tục được đổi mới không có điểm dừng và không có sự hạn chế. Tinh thần lạc quan và thái độ tích cực giúp mọi người sẵn sàng cho khởi nghiệp và thất bại. Đây được coi như là một phần của văn hóa khởi nghiệp đất nước này.
Tinh thần "Chutzpah"
Yêu cầu người Israel đặt tên cho một đặc điểm cá tính cho sự thành công của họ, có lẽ bạn sẽ nghe thấy từ 'chutzpah' được nhắc đến nhiều lần. Chính tinh thần "chutzpah" – có ý nghĩa tương đương sự tự tin và táo bạo cực độ - thể hiện một cách khái quát nhất về hình ảnh các doanh nhân Israel – những người luôn nghĩ lớn, làm việc nghiêm túc và thách thức với mọi rủi ro, thất bại.
Văn hóa công sở khác biệt – "Quản lý có thách thức"
Không giống như nhiều cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới, người Israel không bị kiểm soát và quản lý bởi hệ thống phân cấp trong một tổ chức và việc một nhân viên cấp dưới tham gia tranh luận với cấp cao trong quá trình ra quyết định là điều phổ biến. Trong thực tế, "quản lý có thách thức" thậm chí còn được khuyến khích.
Người Israel tâm niệm những ý tưởng tốt có thể đến từ bất kỳ ai, và sự nuôi dưỡng triết lý này giúp tạo ra một môi trường làm việc sáng tạo mà ở đó đổi mới sẽ được phát triển mạnh mẽ.
Sự cởi mở trong hợp tác và trao đổi ý tưởng, cùng năng lực sáng tạo của người dân Israel là nền tảng tạo nên sức mạnh cho hệ sinh thái khởi nghiệp thịnh vượng của quốc gia này.