Theo BCTC hợp nhất năm 2017, DPG ghi nhận doanh thu 1.410 tỷ đồng, tương đương mỗi ngày công ty thu về gần 4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá vốn hàng bán trong kỳ (chủ yếu là giá vốn hợp đồng xây dựng) giảm 30%, đẩy lợi nhuận gộp tăng 36% lên 308,7 tỷ đồng.
Hoạt động tài chính không đóng góp nhiều vào kết quả công ty khi doanh thu và chi phí đều sụt giảm. Mặt khác, chi phí doanh nghiệp tăng nhẹ do DPG tăng chi cho nhân viên và các dịch vụ mua ngoài.
Kết thúc năm, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế hơn 191 tỷ đồng, tăng 40% so với 2016. Trong đó, lợi nhuận ròng của công ty mẹ đạt hơn 157,6 tỷ đồng, tăng trưởng 30%.
DPG đã phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông với tỷ lệ 1:1,53, tăng vốn điều lệ lên từ 18,1 triệu cp lên gần 30 triệu cp. |
EPS đạt 5.277 đồng, tăng 30% so với năm trước. Cũng cần lưu ý là số liệu EPS được tính dựa trên vốn điều lệ mới của DPG vừa tăng vào cuối tháng 2/2018.
Nếu tính trên lượng vốn điều lệ của 2017, EPS của doanh nghiệp này có thể đạt khoảng 13.305 đồng.
Trích BCTC hợp nhất 2017 của DPG
Số liệu đến cuối 2017, Đạt Phương có 3.946,8 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 59% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 43%, ở mức 1.713 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền hơn 692 tỷ đồng, chiếm hơn 40%.
Mặt khác, DPG cũng đang có khoản phải thu hơn 784 tỷ đồng từ một số khách hàng lớn như Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai (hơn 253 tỷ đồng), liên quan đến hợp đồng BT đầu tư xây dựng công trình cầu Km0+317 trên tuyến đường dẫn phía Bắc cầu Cửa Đại, sẽ được hoàn trả bằng quỹ đất theo hình thức đối đất lấy cơ sở hạ tầng.
Lượng quỹ đất hoàn trả chính là diện tích đất mà DPG sẽ phát triển các dự án bất động sản tại Quảng Nam trong thời gian tới, bao gồm dự án Khu độ thị Đồng Nà (Bến Trễ) 6ha, Khu đô thị Võng Nhi 15ha, Khu đô thị Cồn Tiến 30ha, Khu đô thị Nồi Rang 25ha và khu đô thị ven biển xã Bình Dương 230ha. Hiện nay, một số khu đất đang tiến hành đền bù và giải phóng mặt tại như dự án Võng Nhi, Đồng Nà…
Tài sản dài hạn của Đạt Phương ở mức 2.233 tỷ đồng, chiếm 41% cơ cấu, tập trung chủ yếu tại tài sản cổ định và chi phí các dự án đang triển khai. Mặt khác, công ty đang vay nợ tài chính khoảng hơn 2.000 tỷ đồng, chủ yếu là nợ dài hạn (khoảng 1.508 tỷ đồng).
Đạt Phương có vốn chủ sở hữu gần 880,6 tỷ đồng, với gần 429 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và gần 239 tỷ đồng lợi nhuận cổ đông không kiểm soát, cùng hơn 44 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển.
Trong năm nay, DPG dự định chuyển sàn giao dịch từ UPCoM sang HoSE, sau khi được cơ quan chức năng thông qua. Lãnh đạo của công ty chia sẻ, việc chuyển sàn có thể được thực hiện vào đầu quý II.