Sau thời gian dài bàn thảo, 3 đặc khu kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) chưa bao giờ thành hình rõ nét như bây giờ. Khi dự thảo Luật về đặc khu kinh tế đang gấp rút được hoàn thiện, thì ở những nơi được chọn làm đặc khu, mọi thứ cũng dần đi vào quỹ đạo.
Chuyện của Vân Đồn
Chưa bao giờ, chị Từ Thị Lan ở Vân Đồn, Quảng Ninh lại thấy vùng đất chị sống 30 năm nay sôi động đến vậy. Thay đổi lớn nhất mà chị cảm nhận được là đất đai.
“Cách đây 1 năm, mỗi lô đất ở thị trấn Cái Rồng có giá 150 triệu đồng thì đến nay giá đất đã tăng lên tới cả tỷ đồng. gaapf 8 - 10 lần. Đợt cao điểm, ô tô đỗ hàng dài, sàn bất động sản mọc nhiều vô kể. Những khu đất khác ở Vân Đồn cũng tăng lên đáng kể so với trước. Tôi biết giá đất tăng là vì nhiều người nghe tin Vân Đồn thành đặc khu kinh tế”, chị Từ Thị Lan hồ hởi. “Hy vọng thành đặc khu thì Vân Đồn sẽ khác, nhiều người đến hơn, làm ăn tốt hơn”.
Đường băng sân bay Vân Đồn đang thành hình. |
Nhiều người dân ở Vân Đồn chắc hẳn có chung tâm trạng như chị Lan. Vân Đồn đã chờ đợi ngày thành đặc khu kinh tế từ rất lâu, và đây là lúc Vân Đồn rất gần với mô hình này.
Thực tế, khi chưa thành đặc khu thì Vân Đồn đã thay đổi chóng mặt. Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn 7.500 tỷ - cảng hàng không đầu tiên do tư nhân đầu tư - đang hoàn thành những đường băng đầu tiên. Không có gì thay đổi, đến tháng 8, dự án sẽ khai trương. Đường đến Vân Đồn sẽ không còn quá xa.
“Năm 2018, khi các dự án hoàn thành, từ Vân Đồn nối với các trục kinh tế Bắc Bộ như Hà Nội, Hải Phòng sẽ chỉ còn khoảng 2 giờ xe”, một lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nói.
Trong ba năm xây dựng Đề án thành lập đặc khu kinh tế Vân Đồn (từ 2015-2017), Quảng Ninh đã thu hút khoảng 36.000 tỷ đồng vào chuỗi dự án hạ tầng giao thông quan trọng. Cụ thể là cầu Bạch Đằng; cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, Hạ Long - Vân Đồn và dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái sắp khởi công,...
Nhiều dự án đầu tư lớn, với số vốn lên tới hàng nghìn tỷ, cũng đã cập bến Vân Đồn để đón chờ vận hội mới.
Từ năm 2012 đến nay, tổng số vốn rót vào Vân Đồn là hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó nhiều dự án có mức đầu tư từ 5.000 đến 7.000 tỷ đồng.
Đó là Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino giai đoạn 1 nằm trọn vẹn trong không gian chức năng dịch vụ du lịch thuộc đảo Cái Bầu, xã Vạn Yên, huyện Vân Đồn; Dự án Con đường di sản là sản phẩm dịch vụ - du lịch độc đáo được đầu tư xây dựng tại xã Hạ Long, huyện Vân Đồn,...
Câu trả lời cho tỷ phú Mỹ
Nhưng để Vân Đồn và các đặc khu khác như Phú Quốc, Bắc Vân Phong “cất cánh trên đường băng” thì phải có Luật. Nhiều lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh chắc không thể quên cuộc gặp dự kiến 2 giờ nhưng chỉ diễn ra vỏn vẹn 5 phút, với một loạt câu hỏi của vị tỷ phú Mỹ, trong đó có câu "Luật có chưa"?. Khi không nhận được câu trả lời thì vị tỷ phú cũng lập tức rời đi trước sự ngỡ ngàng của những người có mặt.
Phú Quốc (Kiên Giang) cũng là 1 trong 3 đặc khu được lựa chọn. Ảnh: Zing |
Cuối cùng thì, sau nhiều năm trời “thai nghén”, Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt (gọi tắt là Luật về đặc khu) đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện. Trong quá trình soạn thảo dự luật quan trọng này có nhiều ý kiến trái chiều.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: Luật dự kiến thông qua vào kỳ họp thứ 5 diễn ra trong tháng 5-6/2018. Đây là luật rất khó. Khó ở điểm Việt Nam xây dựng luật khi thế giới đã đi trước chúng ta khá lâu, gần nhất là Trung Quốc cũng đi trước tới 40 năm.
Ông Đông cũng lưu ý sự thành công của các đặc khu trên thế giới cũng rất khác nhau, “tỷ lệ 50-50”. Khá nhiều nước thành công nhưng cũng nhiều quốc gia không thành công như Ấn Độ, Nam Phi, Ukraina,...
“Chúng ta xây dựng một luật và mong muốn tạo ra sân chơi mới với thể chế vượt trội, cạnh tranh thu hút vốn FDI trong khu vực. Khi ấy, cơ chế chúng ta có hơn được không, cạnh tranh vượt trội được không là điều rất khó. Đặc biệt, các nước đi trước luôn đổi mới về định hướng phát triển theo hướng thuận lợi hơn, điều này đặt ra nhiều áp lực cho các cơ quan chủ trì và Chính phủ”, ông Trần Duy Đông chia sẻ.
Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay: Tại kỳ họp thứ 4, khi cho ý kiến lần đầu thì đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao luật mà Chính phủ trình ở 3 nội dung chính:
Một là cơ chế chính sách vượt trội so với đang áp dụng cho các kinh kinh tế, khu kinh tế ven biển, khu công nghệ cao và vẫn cạnh tranh được khi so với các đặc khu đang vận hành ở Thái Lan, Indonesia, Malaysia,...
Hai là về tổ chức chính quyền địa phương với vai trò của Trưởng đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. Đây là mô hình tinh gọn đảm bảo hiệu lực hiệu quả, giải quyết nhanh chóng yêu cầu của các nhà đầu tư và người dân, đảm bảo phân quyền cho trưởng đặc khu với 126 thẩm quyền trên tất cả các lĩnh vực, cùng với đó là cơ chế giám sát để tránh lạm quyền.
Ba là ngay cả cơ quan tư pháp cũng đổi mới, trong đó có cơ chế giải quyết tranh chấp, đảm bảo sự yên tâm cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Từ nay đến khi được Quốc hội thông qua, Luật về đặc khu chắc hẳn tiếp tục nhận được nhiều tranh luận. Nhưng dù thế nào, nếu không có luật thì đặc khu không thể thành hình. Không có luật, các tỉnh có đặc khu sẽ vẫn nợ các nhà đầu tư câu trả lời về tính pháp lý của cơ chế chính sách, không chỉ riêng với vị tỷ phú Mỹ trên.
Và nếu luật không đột phá, vẫn bị bó buộc tư duy thì đặc khu cũng khó tạo ra được điều gì đặc biệt. Nói như ông Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, khi thiết kế hình mẫu về đặc khu kinh tế phải dựa trên những tư tưởng đổi mới, “còn cứ gò vào rất khó phát triển”.
Lương Bằng