Đại biểu chất vấn về kế hoạch hoá xã hội sân bay, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết sẽ tiếp tục xã hội hóa đầu tư vào các sân bay nhưng theo hình thức khác, tại phiên chất vấn Thường vụ Quốc hội ngày 15/8. Các sân bay tư nhân sẽ do nhà đầu tư thực hiện từ đầu, giống mô hình của sân bay Vân Đồn, chấp nhận có hạng mục sinh lời, hạng mục không.
Trong số 22 sân bay của cả nước, chỉ có sân bay Vân Đồn là tư nhân đầu tư toàn bộ. Ông Thể cho hay, hiện nay khi thực hiện xã hội hóa, các nhà đầu tư chủ yếu mong muốn đầu tư vào các cảng, các hạng mục sinh lợi cao. Tuy nhiên, chỉ 8 trong số 21 sân bay mà Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) quản lý mang lại lợi nhuận, số còn lại thu không đủ chi. "Nếu cho doanh nghiệp làm sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu của ACV, không đủ nguồn vốn cho 21 cảng hàng không", ông Thể nói.
Sân bay Vân Đồn. Ảnh: Thanh Niên.
Hiện sân bay Sa Pa (Lào Cai) đã kêu gọi đầu tư theo hình thức xã hội hóa thành công. Theo một số tài liệu Lào Cai gửi Chính phủ, nhà đầu tư thực hiện sân bay Vân Đồn tham gia xây dựng một số hạng mục và khai thác tại sân bay này. Một sân bay khác được đồng ý nâng cấp theo hình thức xã hội hóa là sân bay Chu Lai. Ông Thể cho hay sân bay này đã được lập lại quy hoạch chi tiết, lấy ý kiến các bộ, ngành. Từ nay đến cuối năm, Bộ Giao thông vận tải thành lập hội đồng thẩm định dự án, đầu năm 2020 sẽ trình Chính phủ Quy hoạch chi tiết sân bay Chu Lai.
Trao đổi với tư lệnh ngành giao thông, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu đẩy mạnh xã hội hóa ngành hàng không từ thành công sân bay Vân Đồn. Thu hút đầu tư tư nhân không chỉ ở Chu Lai, Lào Cai. Với các cảng hàng không thu không đủ chi, Bộ phải tính toán các phương án, chia ra hạng mục nào nhà nước đầu tư, hạng mục nào cho tư nhân.