Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt "Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu Việt Nam gia nhập nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI). Các lĩnh vực được ưu tiên thực hiện trong chương trình này đã đạt được kết quả như thế nào trong năm 2020?
Thành tựu nổi bật trong chuyển đổi số một vài ngành, lĩnh vực được ưu tiên
Một trong những thành tựu nổi bật phải kể đến trong ứng dụng CNTT vào Y tế đó là năm 2020, ngành Y tế xây dựng hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và chính thức khánh thành 1.000 cơ sở y tế khám chữa bệnh từ xa Telehealth vào ngày 25/9/2020.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực xây dựng hồ sơ sức khỏe điện tử, nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã bước đầu triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử quản lý sức khỏe người dân liên tục, suốt đời như Phú Thọ, Bình Dương…
Hiện, ngành Y tế đang triển khai nhiều hệ thống thông tin lớn như mạng kết nối y tế Việt Nam (yte.gov.vn), hệ thống PACS cloud, ứng dụng đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến và nhiều ứng dụng thiết thực khác, triển khai Hệ thống cơ sở dữ liệu Dược Quốc gia, kết nối liên thông cơ sở dữ liệu cung ứng thuốc trên toàn quốc; triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia.
Giáo dục cũng là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên hàng đầu trong triển khai thực hiện duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia.
Một trong những thành tựu chuyển đổi số được đánh giá cao của ngành Giáo dục chính là việc thích ứng nhanh chóng phương pháp dạy học trực tuyến.
Cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục đã có thông tin của 53.000 trường học, 1,4 triệu giáo viên, 23 triệu học sinh. 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến trong giai đoạn cao điểm của đại dịch Covid-19, cao hơn mức trung bình của các nước là 67,15%.
Tiếp theo, phải kể đến xu hướng số hóa lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Dưới tác động của Covid-19, các giao dịch ngân hàng trực tuyến trở nên quan trọng và tăng đột biến. Trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng khách hàng thực tế sử dụng các dịch vụ ngân hàng trực tuyến, đặc biệt là internet banking, mobile banking tăng rất cao so với cùng kỳ năm 2019, từ 1,4 đến 2,6 lần, chiếm trên 40% tổng số giao dịch.
Đặc biệt, trong cơ cấu giao dịch, thanh toán không dùng tiền mặt đã có sự dịch chuyển rất mạn. Theo số liệu của Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia (NAPAS), giao dịch chuyển mạch của khách hàng qua NAPAS từ chỗ chủ yếu là giao dịch rút tiền mặt từ ATM (chiếm gần 90% tổng số giao dịch) năm 2015 đã giảm xuống chỉ còn 26,6% trong năm 2020. Trong khi đó, số lượng giao dịch chuyển tiền nhanh 24/7 đã tăng từ chỗ chỉ chiếm 1,1% năm 2015.
Make in Vietnam – lời giải cho các bài toán chuyển đổi số quốc gia
Một chiến lược không thể không kể đến của năm 2020 đó chính là "Make in Vietnam" – chiến lược khơi dậy khát vọng của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.
Make in Vietnam đó là thiết kế tại Việt Nam, làm ra sản phẩm tại Việt Nam. Kêu gọi chuyển từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm Việt Nam, bởi "không làm sản phẩm thì Việt Nam không hùng cường, thịnh vượng được".
Ngày 17/1/2020, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội Viettel đã cho ra mắt thiết bị thu phát sóng gNodeB 5G tự nghiên cứu và sản xuất, bao gồm cả thiết bị phần cứng và phần mềm. Theo đó, cuộc gọi video đầu tiên sử dụng đường truyền dẫn dữ liệu kết nối 5G đã được thực hiện.
Từ đầu năm 2020, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, có ít nhất 100.000 doanh nghiệp công nghệ số. Hiện nay, tỷ lệ lấp đầy của các khu CNTT tập trung đang hoạt động trên cả nước đạt trên 95%.
Cũng trong 2020, Bộ TTTT đã chủ trì tổ chức ra mắt 38 nền tảng số Make in Vietnam, phục vụ phát triển Chính phủ điện tử và giúp doanh nghiệp, người dân thực hiện chuyển đổi số.
Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Việt Nam là một trong những nước đi tiên phong trong việc sử dụng các ứng dụng CNTT để phòng, chống dịch bệnh trong toàn dân. Bluezone là ứng dụng phát hiện tiếp xúc gần do Bộ TTTT, phối hợp với Bộ Y tế và Công ty BKAV phát triển.
Đồng thời, Bluezone có mã nguồn mở, đây là lần đầu tiên một ứng dụng của Chính quyền được mở mã nguồn để huy động sự tham gia đóng góp, giám sát, chung tay của cộng đồng.
Ngày 24/7/2020, Bộ TTTT cho ra mắt Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov), kết nối 10 doanh nghiệp Trung gian thanh toán, đáp ứng hơn 95% thị phần thanh toán trực tuyến.
Hợp tác và hội nhập quốc tế trong CMCN 4.0
Sau 50 năm tổ chức tại nhiều nước khác nhau, lần đầu tiên Hội nghị và Triển lãm Thế giới số 2020 (ITU Virtual Digital World 2020) được tổ chức trực tuyến theo sang kiến của Việt Nam, trên nền tảng do các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.
Hội nghị và Triển lãm Thế giới số (ITU Digital World) 2020
Một sáng kiến đáng nhớ khác đó là Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị ASEAN 5G, với mục đích đẩy mạnh hợp tác về chính sách và xây dựng Hệ sinh thái 5G trong ASEAN. Đây là hội nghị đầu tiên của ASEAN về phát triển mạng 5G, thể hiện được vai trò đi đầu của Việt Nam trong khu vực.
Ngoài ra, nỗ lực hợp tác xây dựng Trung tâm liên kết Cách mạng công nghiệp 4.0 Việt Nam - WEF (Diễn đàn Kinh tế Thế giới) đã cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng tầm nhìn, chính sách cho cuộc CMCN 4.0.
Việt Nam cũng đã xây dựng các phương án, chủ trì đàm phán về viễn thông, thương mại điện tử tại các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP… góp phần đẩy nhanh tiến trình hội nhập, vừa đảm bảo các lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp trong nước.
Như vậy, đã có thiết bị 5G Việt Nam, có mạng xã hội Việt Nam, có sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam cùng với rất nhiều phần mềm Việt Nam. Đây chính là cơ sở, động lực để giải quyết các bài toán, các vấn đề của đất nước, xã hội trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay.