Trở thành cư dân của khu tập thể (KTT) Kim Liên từ năm 1962, ông Đỗ Văn Yên, Trưởng ban Bảo vệ trật tự trị an phường Kim Liên, nhớ rất rõ lịch sử của khu nhà mình đang ở.
Khu tập thể XHCN đầu tiên
Ông kể, ý định xây dựng KTT xuất phát từ lần Bác Hồ sang thăm Triều Tiên năm 1957.
“Theo tìm hiểu của tôi, lần đó Bác đến thăm một KTT của cán bộ, công nhân viên, đó là một xã hội khép kín với sân chơi, trạm y tế… Mô hình này là một mơ ước từ trước tới nay mà Việt Nam (VN) chưa có. Bác nhớ tới cán bộ kháng chiến khi từ Việt Bắc trở về năm 1954 vẫn phải ở tạm nhà dân, nhiều gia đình cán bộ, công chức, kể cả trung, cao cấp chưa có nhà để ở. Chính vì thế Bác mới đề nghị với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên hỗ trợ VN xây dựng mô hình kiểu này” - ông Yên nói.
Để minh chứng rõ hơn, ông Yên đưa chúng tôi đến thăm Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại phường Kim Liên, đây cũng là nơi lưu giữ nhiều hình ảnh trong những lần về thăm KTT Kim Liên của Bác Hồ.
Là một họa sĩ theo đuổi và thực hiện nhiều đề tài với chủ đề đô thị ở Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cũng là người am hiểu nhiều KTT ở thủ đô. Nói về KTT Kim Liên, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay sau năm 1954 quỹ nhà riêng ở Hà Nội đã cạn kiệt, trong khi đó dòng người đổ về TP ngày càng nhiều. Đó là một trong những tiền đề để hình thành nên các KTT ở miền Bắc, cụ thể là Hà Nội.
“Các KTT mang đặc trưng theo kiểu mô hình của các nước xã hội chủ nghĩa. Nhà vệ sinh đối diện với nhà ở. Mọi cư dân sinh hoạt theo mô hình chủ nghĩa tập thể: Chung nhà vệ sinh, chung bếp. Những người ở nhà tập thể đó thường là những cán bộ, công nhân viên, làm cho cùng một nhà máy, khi về nhà vẫn phải chịu sự quản lý tiếp, thông qua các cuộc họp tổ dân phố. Đây là mô hình quản lý nhau suốt từ nhà máy cho đến tận khi về nhà, gia đình nào nuôi lợn hay tăng gia là bị báo cáo ngay” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn cho hay.
Trong bộ sưu tập của mình, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn vẫn lưu giữ chiếc tem bưu chính với hình minh họa là khu nhà ở Kim Liên và hình ảnh thực những khu nhà ở của Triều Tiên thời bấy giờ. “Y chang nhau kể cả về hình thức lẫn bố trí không gian” - họa sĩ Nguyễn Thế Sơn nói khi đối chiếu hai hình ảnh.
Một góc khu tập thể Kim Liên hiện nay.
Khu tập thể ở Triều Tiên.
Đặc trưng KTT mô hình Triều Tiên
Hồi tưởng về thời kỳ hình thành nên KTT Kim Liên, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến mô tả: “Trước mặt nhiều dãy vẫn còn ao và ruộng lúa, buổi tối mọi người không dám ra ngoài. Khoảng cách giữa hai dãy rất xa nhau tạo ra sân rộng. Ngoài trồng cây lấy bóng mát còn là sân chơi cho trẻ con. Không có sức khỏe không thể bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội nên ban quản lý cho kê bàn bóng bàn bằng granito, xà đơn, xà kép bằng hai ống thép để thanh niên luyện tập”.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến cũng giải thích thêm việc xây hai dãy nhà xa nhau còn một lý do khác. Các chuyên gia xây dựng Triều Tiên tính toán nếu Hà Nội xảy ra động đất thì hai dãy nhà dù có đổ ụp vẫn còn khoảng trống và người dân ở khoảng trống đó sẽ an toàn tính mạng. Các chuyên gia Triều Tiên cũng tính toán cả gia đình miền Bắc sẽ ra ăn tại nhà ăn tập thể, vì thế bốn hộ chỉ cần chung một bếp và bếp này chủ yếu dùng để đun nước uống.
TS - kiến trúc sư (KTS) Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở QH-KT Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, khi đánh giá về đóng góp của Triều Tiên đối với KTT Kim Liên cũng nhìn nhận: Chuyên gia Triều Tiên đã đưa vào đó kỹ thuật mới, cấu trúc căn hộ được chia nhỏ ra. Mỗi hộ gia đình được một phòng ở, cán bộ cấp vụ được cấp nhà 32 m2…
“Mô hình như KTT Kim Liên là mô hình tiểu khu xã hội chủ nghĩa. Trong đó có cả các công trình thương mại, nhà trẻ, trường học và có cả chung cư cho cán bộ, viên chức. KTT Kim Liên có ba khu vực, khu A giáp với Đại Cồ Việt là khu mang đặc trưng của Triều Tiên rõ nét nhất, khu B và C thì do VN tham gia thiết kế và xây dựng là chủ yếu” - ông Nghiêm cho hay.
Sản phẩm đầu tiên của ngành xây dựng
Ở góc độ chuyên môn, KTS Trần Huy Ánh cung cấp thêm, thời điểm đó các KTS của ta chủ yếu học trong trường Pháp nên chưa có kinh nghiệm xây dựng. “Đó là điều mới mẻ với nền kiến trúc nước nhà, kể cả về quy hoạch lẫn thiết kế kiến trúc cũng như kết cấu, xây dựng công trình” - KTS Trần Huy Ánh nói.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, lúc đó Triều Tiên mới thoát ra khỏi chiến tranh, Triều Tiên có phong trào “Thiên lý mã” (một ngày đi một vạn dặm) để phục hồi chiến tranh, hàng loạt TP của Triều Tiên, đặc biệt là Bình Nhưỡng được xây dựng lại nhanh chóng.
Trong quá trình đó họ hình thành nên kinh nghiệm thực tiễn xây dựng các khu nhà ở kiểu mẫu, đó chính là hình mẫu của Hà Nội, dù Hà Nội chậm hơn so với họ bốn, năm năm.
“KTT là sản phẩm đầu tiên của ngành xây dựng VN với sự giúp đỡ của chuyên gia Triều Tiên. Trong quá trình đó Triều Tiên đã chuyển giao rất nhiều tài liệu về quy cách, cấu tạo kiến trúc, ngay trong sách vở giảng dạy trong trường ĐH và viện thiết kế vẫn còn nhiều chi tiết kiến trúc, quy chuẩn, quy phạm lấy hình mẫu từ bản vẽ do chuyên gia Triều Tiên cung cấp” - KTS Trần Huy Ánh thông tin.
Cũng theo KTS Trần Huy Ánh, thời điểm xây dựng KTT Kim Liên Triều Tiên đã đưa sang VN hàng trăm chuyên gia, ban đầu khu nhà đầu tiên hình thành trên nền đất của KTT Kim Liên là khu dành cho chuyên gia là chính. Thời đó, khu nhà ở như là tính biểu tượng ưu việt của CNXH.