Anh đã bắt đầu tiêm chủng đại trà vắc xin Covid-19, trong khi Mỹ có t hể sẽ bắt đầu tiêm ngay từ cuối tuần này. Canada hôm 9/12 cũng đã phê duyệt loại vắc xin Covid-19 đầu tiên được phép tiêm chủng ở nước này và cho biết sẽ bắt đầu những mũi tiêm đầu tiên từ tuần tới.
Giá dầu Brent kết thúc phiên 10/12 tăng 1,39 USD (2,9%) lên 50,25 USD/thùng, là phiên thứ 3 tăng liên tiếp; dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng tăng 1,26 USD (2,8%) lên 46,78 USD/thùng.
Lúc đầu phiên, giá dầu Brent và WTI lần lượt đạt 50,56 USD/thùng và 47,74 USD/thùng, đều là mức cao nhất kể từ tháng 3.
Trong phiên vừa qua, tâm lý lạc quan của nhà đầu tư mạnh mẽ đến mức át đi tác động tiêu cực từ thông tin tồn trữ dầu thô của Mỹ tăng – điều chứng tỏ nguồn cung vẫn rất dồi dào.
Tồn trữ dầu thô của Mỹ trong tuần qua tăng mạnh thêm 15,2 triệu thùng, trái ngược với dự báo của các nhà phân tích là giảm 1,4 triệu thùng.
Bjornar Tonhaugen, người phụ trách thị trường dầu mỏ của công ty Rystad Energy cho biết: "Không phải ngày nào thị trường cũng bỏ qua thông tin về lượng dự trữ dầu thô hàng tuần của Mỹ tăng. Làn sóng tiêm chủng vắc xin Covid-19 đang làm dấy lên hy vọng rằng nhu cầu dầu mỏ sẽ được hưởng lợi sớm nhờ vắc xin, nhất là ở thị trường Bắc Mỹ - nơi có những nước tiêu thụ chính".
Nhà đầu tư cũng chú ý tới việc một mỏ dầu của Iraq bị tấn công, chất nổ đã khiến 2 giếng dầu bị bốc cháy, nhưng tổng sản lượng của mỏ dầu này được đánh giá là không bị ảnh hưởng.
Giá dầu mỏ đã hồi phục nhanh từ mức thấp kỷ lục lịch sử hồi tháng 4/2020, khi đại dịch bắt đầu bùng phát mạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhu cầu dầu mỏ. Đà đi lên của giá dầu là nhờ OPEC+ cắt giảm sản lượng. Nhóm này dự kiến sẽ nới lỏng dần những hạn chế về nguồn cung từ tháng 1 tới bằng cách sẽ bổ sung thêm 500.000 thùng/ngày – con số ít hơn so với dự kiến ban đầu – nhằm hỗ trợ thị trường tiếp tục hồi phục.
Mặc dù giá dầu đang đà tăng, và phiên vừa qua đã đạt một mốc quan trọng, song các chỉ số thị trường cho thấy các nhà đầu tư đã mua quá mức (dấu hiệu cho thấy xu hướng giá sẽ sớm được điều chỉnh).
Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) trong báo cáo Triển vọng năng lượng ngắn hạn tháng 12 công bố hôm 8/12 cảnh báo tình trạng giá dầu lên xuống thất thường trong bối cảnh các biện pháp ứng phó với dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến nhu cầu dầu mỏ. Theo đó, các hoạt động kinh tế sụt giảm do COVID-19 đã làm thay đổi cung cầu về năng lượng trong năm 2020 và sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong tương lai.
Mặc dù vậy, EIA đã nâng dự báo giá dầu trong năm tới dựa trên kỳ vọng rằng nhu cầu dầu của thế giới sẽ tăng trong khi các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác tiếp tục giảm sản lượng. Cụ thể, giá dầu Brent sẽ ở mức trung bình 49 USD/thùng trong năm 2021, tăng so với mức dự báo 43 USD/thùng trong quý IV/2020. EIA nâng dự báo giá dầu
Theo EIA, lượng tiêu thụ xăng dầu và nhiên liệu lỏng toàn cầu trong cả năm 2020 đạt trung bình 92,4 triệu thùng/ngày, giảm 8,8 triệu thùng/ngày so với năm 2019. Dự báo lượng tiêu thụ sẽ tăng thêm 5,8 triệu thùng/ngày trong năm 2021. Với thị trường Mỹ, EIA dự báo sản xuất dầu thô Mỹ sẽ giảm xuống dưới 11 triệu thùng/ngày trong tháng 3/2021 và sẽ tăng trở lại mức 11,4 triệu thùng/ngày vào tháng 12/2021. Tính theo năm, EIA dự báo sản xuất dầu thô ở Mỹ sẽ giảm từ 12,2 triệu thùng/ngày trong năm 2019 xuống còn 11,3 triệu thùng/ngày trong năm 2020 và 11,1 triệu thùng/ngày trong năm 2021.
Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Ihsan Abdul Jabbar Ismaael mới đây cũng lạc quan rằng giá dầu sẽ vượt mốc 50 USD/thùng vào đầu năm tớ, nhờ thỏa thuận của OPEC+, mặc dù thị trường này tiếp tục biến động vì đại dịch Covid-19.
Ông Ismaael cho biết, Baghdad sẽ lập ngân sách năm 2021 dựa trên mức giá dầu 42 USD/thùng.
Hai tháng trước, ông Ismaael đã kỳ vọng giá dầu sẽ bắt đầu phục hồi vào đầu quý II năm sau, giúp ngành công nghiệp dầu mỏ của Iraq có thể cải thiện năng lực sản xuất. Hồi tháng 10, quan chức dầu mỏ Iran dự báo giá dầu thô Brent trung bình trong thời gian từ tháng 1 - 3/2021 là 45 USD/thùng.
Được biết, Iraq là một trong những nền kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào dầu mỏ. Nguồn thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với thu nhập ngân sách của Iraq, nhưng trong những tháng gần đây, nước này đã phải chịu áp lực từ các thành viên OPEC+ buộc họ ngừng việc gian lận về hạn ngạch sản xuất và cuối cùng phải bắt đầu tuân thủ thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Tham khảo: Reuters