Theo Bộ Tài chính, hết năm 2017, tổng giá trị bảo lãnh Chính phủ quy đổi là hơn 26 tỉ USD, trong đó bảo lãnh nước ngoài chiếm hơn 84%. Việc xử lý các khoản nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đang rất rắc rối.
Nợ nần bết bát
Bộ Tài chính nêu rõ 8 dự án được Chính phủ bảo lãnh vay đang nằm trong diện khó khăn. Trong đó, 3 dự án nhóm A (nhóm đã phục hồi sản xuất - kinh doanh và đang trả nợ) là giấy Việt Trì, xi-măng Sông Thao, xi-măng Thái Nguyên. Hai dự án nhóm B (nhóm đang tái cơ cấu tài chính và đang phải vay Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ nước ngoài) là xi-măng Hạ Long, xi-măng Đồng Bành. Hai dự án nhóm C (nhóm đã tái cơ cấu nợ vay quỹ tích lũy, nợ vay các ngân hàng (NH) trong nước nhưng vẫn còn khó khăn, rủi ro cao trong việc bảo đảm khả năng trả nợ) là Công ty CP Mía đường Sông Con và Thủy điện Xekaman 3. Một dự án thuộc nhóm D (nhóm "đặc biệt nguy hiểm") là Nhà máy Giấy Phương Nam đang nằm "đắp chiếu" với khoản nợ từ năm 2008 đến nay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay dư nợ vay Quỹ Tích lũy trả nợ để trả nợ được Chính phủ bảo lãnh là 204,6 triệu USD. Trong đó, dự án xi-măng Hạ Long không trả được nợ từ năm 2012-2015 và đã phải vay tạm ứng quỹ để trả nợ nước ngoài với tổng số tiền 52 triệu euro. Dự án này nợ quá hạn hơn 23 triệu euro và đang âm vốn 2.000 tỉ đồng, các chỉ số thanh toán ở mức rất thấp, không có khả năng thanh toán nợ đến hạn.
Nhà nước gánh nợ thay cho Dự án Nhà máy Giấy Phương Nam Ảnh: HOÀNG MINH
"Lĩnh vực xi-măng có dư nợ đến cuối năm 2017 là 180,81 triệu USD; được đánh giá là lĩnh vực có rủi ro bán hàng do ảnh hưởng của thị trường bất động sản, cần được các bộ quản lý theo dõi sát sao" - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Chưa hết, Quỹ Tích lũy trả nợ phải ứng vốn trả nợ cho Tổng Công ty Giấy Việt Nam 8,13 triệu USD. Nguồn thu hồi dự kiến từ việc bán thanh lý tài sản dự án Nhà máy Giấy Phương Nam - 1 trong 12 đại dự án thua lỗ của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, bộ này chưa xử lý xong tài sản dự án buộc phải giải thể của ngành.
Một trong các lĩnh vực có dư nợ bảo lãnh chiếm tỉ trọng lớn là ngành điện (63,82%) và được Bộ Tài chính xếp vào diện cảnh báo bởi "việc tập trung bảo lãnh cho một số ít doanh nghiệp (DN) lớn tạo nên tỉ trọng dư nợ lớn trong danh mục sẽ làm tăng rủi ro nếu DN có vấn đề về tài chính". Bộ này điểm tên dự án gặp khó khăn dài hạn trong quá trình vận hành và trả nợ là thủy điện Xekaman 3 của Công ty CP Điện Việt Lào.
Giải cứu cách nào?
Khẳng định không trả nợ thay toàn bộ các khoản vay bảo lãnh Chính phủ, song đối diện với các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh, Bộ Tài chính vẫn phải đưa ra nhiều phương án ứng cứu cho DN "con cưng" của nhà nước.
Hiện xi-măng Hạ Long đang khó khăn trong bố trí nguồn trả nợ vay lại vốn NH Bắc Âu và nợ vay Quỹ Tích lũy trả nợ. Bộ Tài chính cho rằng cần tái cơ cấu các khoản nợ của đơn vị này. Cụ thể, Bộ Tài chính đề nghị số tiền Tổng Công ty Sông Đà thu xếp trả các khoản nợ sẽ được thanh toán vào nợ gốc trước tiên, thay cho thứ tự ưu tiên là phải trả lãi phạt chậm trả, lãi đến hạn, nợ gốc quá hạn rồi mới đến nợ gốc đến hạn.
Nhà nước gánh nợ thay cho Dự án Nhà máy Giấy Phương Nam Ảnh: HOÀNG MINH
Bộ Tài chính cũng đề nghị khoanh nợ và trả vào kỳ trả nợ cuối cùng với các khoản lãi vay và phí cho vay lại quá hạn tính đến ngày 31-8-2017 với khoản vay NH Bắc Âu; xóa khoản phạt chậm trả gốc, phạt chậm trả lãi và phạt chậm trả phí cho vay lại quá hạn tính đến ngày 31-8-2017 với số tiền hơn 436.000 euro. Bộ cũng đề nghị xóa các khoản phạt chậm trả gốc, phạt chậm trả lãi khoản vay Quỹ Tích lũy trả nợ; phạt chậm trả phí bảo lãnh đến ngày 31-8-2017 với gần 6 triệu euro.
Với các dự án như xi-măng Đồng Bành, xi-măng Sông Thao, thủy điện Xekaman 3, Bộ Tài chính cho biết đã chủ động làm việc với các chủ dự án để xây dựng phương án tái cơ cấu, báo cáo Thủ tướng giải pháp xử lý đối với các khoản nợ Quỹ Tích lũy trả nợ để giảm áp lực dòng tiền trả nợ trong nước, tập trung trả nợ nước ngoài.
Riêng dự án Nhà máy Giấy Phương Nam, cơ quan chủ trì "ngân khố" của quốc gia đã cố gắng làm việc với NH cho vay nước ngoài là Societe Generale nhưng NH này cùng Cơ quan Bảo hiểm tín dụng Áo từ chối hỗ trợ tài chính. Bộ Tài chính chỉ còn cách kiến nghị Bộ Công Thương nhanh chóng xử lý tài chính và tài sản đối với dự án để có nguồn trả một phần nợ nước ngoài.
Đẩy nợ công tăng cao
Nhìn nhận cơ chế bảo lãnh Chính phủ sẽ đẩy nợ công tăng cao, uy hiếp các chỉ số an toàn nợ, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng sau khi dừng cấp bảo lãnh Chính phủ với vay nước ngoài, nhà nước cần có giải pháp giải quyết tốt các món nợ cũ, tránh thất thoát.
Theo TS Lê Đăng Doanh, bất cập của việc Chính phủ bảo lãnh vay nằm ở chỗ các dự án được bảo lãnh phần lớn thuộc DN nhà nước làm ăn thua lỗ, hiệu quả kinh tế thấp. Dù DN không đòi thì Chính phủ vẫn phải gánh áp lực trả nợ trong bối cảnh ngân sách vô cùng khó khăn. Giải pháp hợp lý với những trường hợp này là nhà nước đốc thúc DN tìm phương án phục hồi sản xuất, trả nợ, thay vì lo trả nợ thay.