Ngày 22/11 tới đây, tại Sở GDCK Hà Nội (HNX), Tổng công ty kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ bán ra 254,9 triệu cổ phiếu của Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex - mã chứng khoán: VCG), tương ứng 57,71% vốn. Với giá khởi điểm là 21.300 đồng/cổ phiếu, dự kiến giá trị tối thiểu của đợt thoái vốn này lên tới 5.430 tỷ đồng.
Cũng trong ngày 22/11, Tập đoàn Công Nghiệp - Viễn Thông Quân Đội (Viettel) sẽ bán đấu giá 1 lô gồm 94.010.175 cổ phần, tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% vốn điều lệ tại Vinaconex với mức giá khởi điểm 2.002.416.727.500 đồng/lô, tương đương 21.300 đồng/cổ phần. Như vậy, tổng quy mô đợt thoái vốn của SCIC và Viettel tại Vinaconex vào ngày 23/11 tối thiểu là hơn 7.400 tỷ đồng và tham gia vào đấu giá cổ phiếu VCG, quả là người chịu chơi?
Năm 2018, Vinaconex đặt mục tiêu tổng doanh thu tăng thêm 9,3% so với năm trước. Theo đó, tổng doanh thu Vinaconex kỳ vọng là 19.440,7 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 1.335,8 tỷ đồng. Đối với Công ty Mẹ, do năm 2017 có khoản lợi nhuận đột biến từ việc thoái vốn ở Công ty Cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) 760 tỷ đồng, nên nếu chỉ so sánh về số liệu thuần túy thì kế hoạch năm 2018 thấp hơn so với kết quả thực hiện năm 2017.
Dự kiến nếu SCIC và Viettel bán vốn tại Vinaconex thành công, sẽ thu cho Nhà nước ít nhất 7.400 tỷ đồng
Những ai chịu chơi?
Theo công bố từ HNX, đến thời điểm này, có 4 nhà đầu tư lớn đăng ký tham gia mua toàn bộ lô cổ phiếu của SCIC muốn bán bao gồm: Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC, Công ty TNHH An Quý Hưng và 1 cá nhân là ông Nguyễn Văn Đông. Với quy định đấu giá, nhà đầu tư muốn tham gia phải đặt cọc 10%, tương ứng 543 tỷ đồng.
4 nhà đầu tư đăng ký mua VCG lần này là ai, họ có gì đặc biệt? Đầu tiên kể đến là ông Nguyễn Văn Đông. Theo đơn đăng ký mua cổ phần khối lượng lớn trong đấu giá, ông Đông sinh năm 1980 tại Thừa Thiên Huế. Ông Đông đăng ký mua vào toàn bộ lô cổ phiếu của SCIC bán với giá trị tối thiểu 5.430 tỷ đồng với mục đích đầu tư lâu dài. Việc một cá nhân chưa hề có tên trên thị trường tài chính dám chịu chơi bỏ ra một khoản tiền khổng lồ khiến giới đầu tư hoàn toàn bất ngờ và “ngóng” xem vị đại gia đó thực sự là ai?
Tiếp đến, nhà đầu tư Công ty TNHH Đầu tư Star Invest. Công ty này “mới toanh” chỉ vừa được thành lập ngày 9/11 vừa qua với ngành nghề đăng ký kinh doanh bất động sản, xây dựng nhà ở. Doanh nghiệp có vốn điều lệ 200 tỷ đồng này có giám đốc Đặng Anh Đức sinh năm 1985 và là đại diện pháp luật của công ty. Star Invest cho biết đang thu xếp đủ nguồn tài chính phục vụ kế hoạch tham gia đấu giá lô cổ phần Vinaconex đảm bảo việc tham gia đấu giá và thanh toán tiền trúng đấu giá đúng thời gian quy định.
Nhà đầu tư thứ ba là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Thăng Long TJC được thành lập năm 2008 với mức vốn điều lệ 250 tỷ đồng. Ba cổ đông góp vốn là ông Nguyễn Duy Dũng và Trần Đức Thọ sở hữu 45%, Nguyễn Việt Hưng sở hữu 10%.
Còn nhà đầu tư đăng ký thứ tư lô cổ phiếu của SCIC muốn bán là Công ty TNHH An Quý Hưng (Chương Mỹ, Hà Nội) có vốn điều lệ 360 tỷ đồng, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng công trình công nghiệp, dân dụng, giao thông, thủy lợi… Công ty có hai cổ đông là ông Nguyễn Xuân Đông năm 70%, Đỗ Thị Thanh nắm 30%. Trong 4 nhà đầu tư, An Quý Hưng được giới đầu tư đánh giá cao nhất vì có vốn điều lệ suýt soát ngàn tỷ với lợi nhuận hơn 64 tỷ năm vừa qua.
Với 1 lô cổ phiếu VCG do Viettel bán ra cùng ngày 13/11 tương đương với phần vốn góp hơn 940 tỷ đồng (theo mệnh giá), chiếm 21,28% với mức giá khởi điểm tương đương 21.300 đồng/cổ phần đến giờ này 2 đơn vị đăng ký mua gồm: Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam và Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ là hai đơn vị đăng ký tham gia mua.
Công ty Cổ phần Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị Thăng Long Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2010 do ông Trịnh Cần Chính là Giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Ông Trịnh Cần Chính là con trai của nhà tư sản nổi tiếng Trịnh Văn Bô.
Còn Công ty Cường Vũ lại là lính mới vừa thành lập cuối năm 2017 với vốn điều lệ chỉ 20 tỷ đồng. Có thông tin cho rằng, doanh nghiệp này thực chất sẽ là đại diện cho một đại gia bất động sản giấu mặt muốn sở hữu VCG.
VCG có gì hấp dẫn?
Vinaconex có gì hấp dẫn? Như trong thông tin Tiền phong đã từng cập nhật trước (bài: Thoái vốn Vinaconex thành công, Nhà nước sẽ thu được bao nhiêu tiền ngày ra ngày 1/11/2018) thì Vinaconex đang quản lý và sở hữu 3,2 triệu m2 đất, bao gồm 131,786 m2 được giao tại 9 công trình và 3 triệu m2 đất thuê đang thực hiện đầu tư tại 7 dự án khác. Quỹ đất của Vinaconex phân bổ nhiều nơi nhưng tập trung phần lớn ở Hà Nội.
Vinaconex cũng đang thực hiện hai dự án cải tạo chung cư cũ tại 93 - 97 - 99 Láng Hạ với tổng vốn đầu tư hơn 1.550 tỷ đồng. Đồng thời, công ty đang triển khai dự án chung cư cao 33 tầng tại 25 Nguyễn Huy Tưởng (đầu tư 637,5 tỷ đồng) và Vinata Towers (đầu tư 618,7 tỷ đồng). Ngoài ra, Vinaconex còn sở hữu lô đất 24.000m2 hiện là Trường trung học - tiểu học - mầm non Lý Thái Tổ (Hà Nội), 8.500m2 ở Sóc Sơn (Hà Nội), 33.000m2 đất tại trạm bơm xăng tăng áp…
Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có công văn thông báo về tỷ lệ sở hữu nước ngoài của Vinaconex. Theo đó, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa tại Vinaconex theo quy định pháp luật là 0%. Như vậy, với tỷ lệ room ngoại là 0%, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ không được tham gia mua cổ phần tại hai đợt thoái vốn lớn sắp tới tại Vinaconex. Tuần qua, khối ngoại cũng bắt đầu bán ròng VCG trên sàn chứng khoán.
Là tổng công ty nhà nước đầu tiên thí điểm cổ phần hóa vào năm 2006, Vinaconex đã đưa cổ phiếu lên sàn HNX vào năm 2008. Với số vốn điều lệ ban đầu năm 2006 là 1.499,8 tỷ đồng, qua 3 lần tăng vốn, hiện nay vốn điều lệ của Tổng công ty đạt 4.417,1 tỷ đồng với 3 cổ đông lớn gồm: SCIC sở hữu 57,71% vốn cổ phần, Viettel sở hữu 21,28% và quỹ PYN Elite Fund (Non-Ucits) sở hữu 7,54%. Chốt phiên giao dịch ngày 15/11, VCG có giá 17.200 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể giá 21.300 đồng/cổ phiếu trong đợt đấu giá tới.