Bloomberg vừa đưa tin CTCP VNG, kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam đang cân nhắc việc niêm yết tại Mỹ thông qua sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Nguồn tin cho biết, giao dịch có thể định giá VNG ở mức từ 2 – 3 tỷ USD. Đây là con số có thể khiến nhiều người theo dõi công ty này phải thất vọng.
Đầu năm 2019, VNG đã bán ra 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu. Bên mua là Temasek của chính phủ Singapore. Giao dịch này tương ứng mức định giá của VNG khoảng 2,2 tỷ USD, tính trên tổng số cổ phiếu lưu hành. Thậm chí giá trị của VNG thời điểm đó còn gần gấp đôi so với CTCP FPT (27.600 tỷ đồng ~ 1,2 tỷ USD).
Sau hai năm rưỡi, rất nhiều thứ thay đổi, nhất là đối với lĩnh vực công nghệ. Mốc tham chiếu của VNG là FPT hiện có giá trị thị trường 85.120 tỷ đồng (3,7 tỷ USD), tức gấp 3 lần. Điều này khiến cho mức định giá tối đa ở mức 3 tỷ USD đối với kỳ lân công nghệ bị đặt dấu hỏi.
VNG khởi đầu năm 2004 là một công ty trò chơi trực tuyến, hiện tại sở hữu mạng lưới gồm nền tảng Zalo (có lượng người dùng hoạt động thuộc hàng lớn nhất Việt Nam), ví điện tử ZaloPay, kinh doanh mảng truyền thông, dịch vụ đám mây. Ngoài ra, VNG cũng đầu tư vào nhiều công ty công nghệ khác như Tiki, Ecotruck, FPT Online…
Diễn biến giá cổ phiếu Sea Limited kể từ khi niêm yết trên NYSE
Mô hình của VNG có nhiều nét tương đồng với Sea Limited của Singapore, công ty mẹ của Garena, Shopee và Seamoney.
Tháng 10/2017, Sea niêm yết trên sàn New York với mức giá 15 USD/cp. Đến thời điểm hiện tại, thị giá cổ phiếu Sea đạt gần 306 USD, tức gấp 20 lần. Định giá của công ty công nghệ Singapore trên 160 tỷ USD, là công ty giá trị nhất Đông Nam Á.
Nhưng giá trị của Sea chỉ thực sự bùng nổ sau thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát. Tính riêng giai đoạn từ cuối tháng 3/2020, cổ phiếu SE tăng từ mức 40 USD lên hơn 300 USD (gấp hơn 7 lần).
Hay nói cách khác, giai đoạn hậu làn sóng COVID-19 đầu tiên là thời của cổ phiếu các công ty công nghệ.
Quay trở lại với VNG, doanh thu của công ty này tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây và vượt mức 6.000 tỷ đồng năm 2020. Nguồn thu chính của VNG đến từ game và quảng cáo đều cho thấy được tính hiệu quả và đóng góp và mức tăng trưởng chung.
Tuy nhiên, VNG hiện đang tham gia vào hai cuộc chơi được đánh giá là có tính mạo hiểm cao.
Một là khoản đầu tư vào CTCP Ti Ki – vận hành sàn thương mại điện tử Tiki. Trên thực tế, VNG đầu tư vào Tiki hơn 500 tỷ và đã lỗ hết vốn từ năm ngoái, không đầu tư thêm. Sàn thương mại điện tử Tiki hiện đang vấp phải sự cạnh tranh quyết liệt từ hai ông lớn tầm khu vực là Shopee (thuộc Sea) và Lazada (thuộc Alibaba), cả hai đều có nguồn lực tài chính, công nghệ và nhân lực vững mạnh. Trong những năm gần đây, Tiki phải xoay sở với việc gọi vốn và hiện đã chuyển phần lớn cổ phần sang công ty holding tại Singpore để thực hiện kế hoạch của mình.
Trong khi đó, ZaloPay của CTCP Zion tham gia vào thị trường ví điện tử cũng ngày càng lỗ nặng. Năm ngoái, Zion lỗ xấp xỉ 667 tỷ đồng và được dự báo tiếp tục tăng cao trong năm nay. Riêng 6 tháng đầu năm, Zion ước lỗ khoảng 535 tỷ đồng.
Trong nửa cuối năm 2021, VNG sẽ thực hiện việc bán ra hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho các nhà đầu tư trong nước. Đây là lượng cổ phiếu quỹ được công ty mua vào cách đây 10 năm. Đặc biệt, cổ đông ngoại Tencent vẫn đang sở hữu quyền mua 1,033 triệu cổ phiếu phổ thông của VNG (tương ứng 2,88% vốn cổ phần) cho đến hết năm 2021.
Giao dịch bán cổ phiếu quỹ tới đây có thể cung cấp thêm thông tin về mức định giá của VNG, bao gồm cả việc số cổ phiếu lưu hành tăng lên hơn 35,8 triệu đơn vị.