Nhiều kênh đầu tư phổ biến khó sinh lời
Lâu nay, gửi tiết kiệm ngân hàng là kênh được rất nhiều người lựa chọn bởi tâm lý thích sự an toàn dù khả năng sinh lời không quá cao (lãi suất tiền gửi dao động từ 4-8,5%/năm). Tuy vậy việc gần đây liên tiếp xảy ra chuyện khách VIP mất tiền tỉ trong sổ tiết kiệm, thậm chí cán bộ ngân hàng câu kết chiếm đoạt tiền của khách… khiến không ít “thượng đế” lo ngại.
Về vàng thì sao? Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực tại buổi tọa đàm “Kinh tế Hoa Kỳ và kinh tế Việt Nam qua góc nhìn về TTCK” được tổ chức mới đây đã nhận định: “Trong năm nay, đầu tư vàng đã lỗi thời và không còn là kênh đầu tư khả thi, hấp dẫn khi nó hầu như không còn tăng giá”. TS Cấn Văn Lực cũng dự đoán đồng USD năm nay khó mà lên giá được, chưa nói là có thể yếu đi, nên đây cũng không phải là một kênh đầu tư sinh lợi. Thực tế cho thấy trong tuần qua, giá vàng liên tục suy giảm do phản ứng của thị trường và nhà đầu tư trước lo ngại tranh chấp thương mại Trung - Mỹ có thể sẽ bùng phát thành một cuộc chiến. Giới đầu tư trên toàn cầu tỏ ra thận trọng với kênh đầu tư này.
Giá USD cũng đang chững lại “thăm dò” thị trường, thậm chí thị trường USD tự do đang bị nhiễu bởi thông tin chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến đồng USD không đủ hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nhiều người cũng không còn mặn mà với kênh đầu tư chứng khoán (CK) bởi tính từ khi lập đỉnh tại 1.204 điểm trong phiên ngày 9.4 vừa qua, đến nay, VN-Index đã “bốc hơi” gần 300 điểm, giảm 25% so với đỉnh, tương đương mất hơn 30 tỉ USD chỉ trong hơn 2 tháng và trở thành thị trường có diễn biến tệ nhất trên thế giới trong cùng giai đoạn. Không ít quỹ đầu tư có quy mô vốn “cá mập” trên sàn CK cũng nếm “trái đắng” khi thị trường quay đầu giảm điểm quá nhanh.
Đâu là điểm sáng trong năm 2018?
Theo đánh giá của giới chuyên gia, kênh đầu tư BĐS vẫn được coi là “điểm sáng” trong năm 2018 do có nhiều yếu tố hỗ trợ tốt hơn năm 2017. Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2018, ngành kinh doanh BĐS Việt Nam tăng trưởng 4,12%, cao nhất cùng kỳ trong 4 năm trở lại đây.
Có nhiều hình thức để đầu tư vào BĐS vừa ổn định vừa sinh lời cao như bất động sản cho thuê, mua nhà cũ và tân trang lại để bán… Tuy nhiên, không phải phân khúc nào cũng mang lại biên lợi nhuận tốt đồng đều. Trong khi nỗi ám ảnh về cháy nổ chung cư đã làm đứng giá phân khúc BĐS thương mại nội đô, quyết định tạm thời hoãn thông qua Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt của Quốc hội góp phần hạ nhiệt cơn sốt giá “ảo” tại một vài khu kinh tế, thì BĐS nghỉ dưỡng vẫn đang được xem là “ngôi sao sáng” trong các kênh đầu tư. Theo Tổng cục Thống kê, lượng khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 7,89 triệu lượt khách đã góp phần phát triển các dự án BĐS du lịch, nghỉ dưỡng. Hiện thị trường này đang được xem là thị trường tiềm năng nhất khu vực Đông Nam Á với mức cam kết lợi nhuận 8%-12%/năm, cao hơn cả mức cam kết của các thị trường Bali, Phuket.
Tuy nhiên, mức cam kết lợi nhuận 8% - 12%/năm là mức cam kết lợi nhuận bình quân của thị trường, tuy nhiên không phải dự án nào cũng có khả năng sinh lời như vậy, mà còn phụ thuộc vào vị trí địa lý của dự án, thương hiệu, uy tín của chủ đầu tư, phân khúc dự án… Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng để tránh rủi ro, nhà đầu tư cần tìm hiểu, nghiên cứu kỹ thị trường, vị trí địa lý của dự án, uy tín của chủ đầu tư… trước khi quyết định “xuống tiền”. Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khuyên rằng có 3 nguyên tắc đầu tư: Một là mức độ an toàn, hai là khả năng sinh lời, ba là khả năng thanh khoản. Ở phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, trước đây chỉ có vài doanh nghiệp lớn làm, giờ người ta đầu tư tràn lan, cung vượt cầu. Do đó, trước khi đầu tư cần phải xem chủ đầu tư liệu có thực hiện đúng cam kết không, tính pháp lý của dự án và quan trọng hơn cả là phải chốt lời đúng lúc” - ông nói thêm.