Cuộc khủng hoảng Nga – Ukraine leo thang đẩy giá dầu lên mức trên 100 USD/thùng. Tính đến đầu giờ chiều ngày 28/2, giá dầu Brent ở mức 102,61 USD/thùng trong khi dầu WTI ở mức 96,55 USD/thùng.
Các nhà phân tích cho rằng phần bù cho rủi ro địa chính trị có thể ở mức 10 USD/thùng và việc giá dầu chạm ngưỡng 3 con số đều đã được dự báo từ trước.
Mặc dù xung đột giữa Nga và Ukraine là nguyên nhân thúc đẩy giá dầu vượt mốc 100 USD nhưng có một số nguyên tắc cơ bản khác khiến cho giá dầu tăng, ngay cả khi các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga không được thực hiện.
Những yếu tố này đều đã được nêu ra trước đó. Tăng trưởng mạnh mẽ của nhu cầu dầu toàn cầu vượt xa các dự đoán trước đó trong khi tồn kho thương mại ở các quốc gia phát triển đều ở mức thấp nhất trong 7 năm.
Tuy nhiên, vẫn có nhân tố có thể khiến giá dầu giảm. Một thoả thuận hạt nhân với Iran nếu thành công có thể khiến giá dầu giảm xuống mức 90 USD/thùng, thậm chí thấp hơn vì tình trạng thắt chặt thị trường sẽ giảm bớt vào cuối năm nay khi các lệnh trừng phạt của Mỹ với xuất khẩu dầu của Iran được gỡ bỏ.
Gần đây, có nhiều báo cáo chi rằng cuộc đàm phán gián tiếp giữ Mỹ và Iran về việc quay trở lại thoả thuận năm 2015 đang ở giai đoạn cuối và được cho là "sắp vượt qua vạch đích".
Iran có thể mang lại 1,3 triệu thùng dầu/ngày cho nguồn cung toàn cầu mặc dù phải mất thời gian. Ở bất kỳ cấp độ nào, đây sẽ là sự giải toả cho thị trường dầu mỏ đang bị thắt chặt.
Một yếu tố khác có thể khiến giá dầu giảm chính là "biến số" mang tên Covid-19. Nếu một biến chủng khác có thể kháng lại vaccine xuất hiện, các chính phủ có thể buộc phải áp đặt trở lại các lệnh hạn chế. Dự kiến, việc Fed tăng lãi suất cũng có thể gây ra một số tác động làm giảm tốc độ phục hồi kinh tế.
Một thoả thuận với Iran, Fed tăng lãi suất và căng thẳng ở Ukraine giảm nhiệt có thể khiến giá dầu rơi về mức 80 USD trong quý II và khoảng 70-75 USD trong nửa cuối năm 2022, theo Michael Lynch, chuyên gia dầu khí và phân tích chính sách năng lượng dự đoán.
Tuy nhiên, nhu cầu hiện tại vẫn rất mạnh, thị trường thắt chặt và hạn chế được dỡ bỏ ở nhiều nền kinh tế. Nhu cầu dầu dự kiến vượt mức năm 2019 trong quý III và IV năm nay. Cùng với đó, khoảng cách giữa năng lực sản xuất công bố và năng lực cung ứng thực tế ra thị trường của OPEC+ ngày càng lớn.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nếu OPEC+ tiếp tục không đạt được mục tiêu sản xuất dầu trong bối cảnh nhu cầu tăng cao và tồn kho ở mức thấp nhất trong nhiều năm, giá dầu sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng và có nhiều biến động.
Mức chênh giữa sản lượng thực tế và sản lượng dự kiến của OPEC+ đã lên đến 900.000 thùng/ngày vào tháng 1, IEA cho biết trong báo cáo thị trường dầu tháng 2.
Các ngân hàng đầu tư lớn từng dự đoán giá dầu sẽ vượt 100 USD trước cả khi căng thẳng leo thang ở Ukraine. J.P Morgan thậm chí cho biết nếu cuộc khủng hoảng leo thang và các nước phương Tây áp đặt lệnh trừng phạt với mặt hàng dầu của Nga (chiếm 12% nguồn cung toàn cầu), giá dầu thậm chí có thể đạt 150 USD/thùng.
"Bất kỳ sự gián đoạn nào đối với dòng chạy dầu từ Nga trong bối cảnh công suất dự phòng thấp ở các khu vực khác có thể dễ dàng đẩy giá dầu lên trên 120 USD/thùng", Natasha Kaneva – Trưởng bộ phận Chiến lược Hàng hoá Toàn cầu tại J.P Morgan cho biết.
Bank of Ameria thì nói rằng cuộc xung đột của Nga – Ukraine có thể đẩy giá dầu lên cao hơn 20 USD/thùng so với mức hiện tại.
Nhà kinh doanh dầu độc lập lớn nhất thế giới, Vitol, nhận thấy có nhiều khả năng để giá dầu tăng, dựa trên các nguyên tắc cơ bản. Họ tin rằng nhu cầu dầu còn tăng mạnh trong nửa cuối năm 2022.