Phía sau câu chuyện xây thêm 4 tầng
Như chúng tôi đã thông tin trong những ngày qua về câu chuyện tranh chấp giữa chủ đầu tư dự án Panorama Nha Trang và Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) - tổng nhà thầu thi công và thiết kế dự án. Theo đó, tranh chấp nổ ra khi đầu tháng 10 vừa qua, khi công trình đang xây dựng thô phần thân đến tầng 26, Coteccons đã gửi công văn số 2991/2017/CV-TGĐ tới Công ty VNT, Cục Giám định thuộc Bộ Xây dựng, Sở Công an, Sở Xây dựng Khánh Hòa tố cáo chủ đầu tư đã có hành động chấm dứt hợp đồng trái luật định.
Ông Trần Quang Quân - Phó Tổng giám đốc Coteccons cho rằng thực ra bản chất của những mâu thuẫn này xuất phát từ nguyên nhân nhà thầu không chấp thuận bất kỳ lời đề nghị nào từ chủ đầu tư về việc họ muốn xây thêm 4 tầng tại dự án Panorama Nha Trang để làm phòng khách sạn, nhà hàng. Tuy nhiên, chủ đầu tư viện dẫn lý do CTD không tháo dỡ 2 cẩu tháp bị gãy sập do cơn bão số 12 vừa qua để "lèo lái" dư luận hiểu vấn đề sang một chuyện khác.
Khi được hỏi về việc bằng chứng nào cho thấy VNT đã "ép" nhà thầu thay đổi thiết kế dự án, ông Quân cho rằng thông qua chủ đầu tư, đơn vị Tư vấn Artelia đã gửi nhiều văn bản đề xuất như trên, không những thế, chủ đầu tư còn muốn thay đổi chủng loại vật liệu xây dựng nhưng không đưa ra bất kỳ một giấy tờ hợp pháp nào.
"Chúng tôi là tổng thầu thi công và thiết kế nên nhận thấy đề xuất này là bất khả kháng mặc dù hai bên đã có một số văn bản trao đổi, giải thích vấn đề qua lại. Chủ đầu tư cũng nói rằng họ sẽ tiến hành các thủ tục xin giấy phép điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh thiết kế một khi chúng tôi đồng ý phối hợp với họ thực hiện kế hoạch này, nhưng chúng tôi là đơn vị thiết kế nên hiểu rõ điều này sẽ gây tác động rất lớn đến cả công trình và buộc phải từ chối", ông Quân nói thêm.
Khi được hỏi về việc hai bên vừa xây thêm tầng vừa hoàn thiện thủ tục để không làm chậm tiến độ dự án như đề nghị của VNT, vị đại diện của Coteccons cho biết trừ khi CTD chỉ là đơn vị thi công hoặc là chủ đầu tư đưa ra những giấy tờ hợp pháp của các cơ quan có thẩm quyền cho phép thay đổi thiết kế và một bản thiết kế dự án mới thì CTD sẽ tiến hành theo các phụ lục hợp đồng phát sinh.
"Ở đây, chúng tôi là đơn vị thiết kế, nếu mọi thay đổi của dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt trước khi tiến hành thì nhà thầu phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh. Dự án này được thiết kế trên cơ sở hệ thống cọc khoan nhồi có sẵn đã được thi công bởi nhiều nhà thầu khác nhau, nếu nâng tầng sẽ làm giảm sự an toàn và ổn định của công trình", ông Quân nhấn mạnh.
Giải thích về các văn bản đính chính gửi đến các cơ quan chức năng của tỉnh Khánh Hòa ông Nam cho biết thêm khi CTD có những bất đồng về việc không thực hiện kế hoạch nâng thêm tầng do chủ đầu tư đưa ra, nhà thầu có gửi văn bản đến Cục Giám định thuộc Bộ Xây dựng, Sở Công an, Sở Xây dựng Khánh Hòa... nêu lên các sai phạm của chủ đầu tư.
Tuy nhiên, trong cuộc họp hai bên ngay sau đó, chủ đầu tư vì muốn đảm bảo uy tín của mình, không muốn làm lớn chuyện và để tiếp tục bán được sản phẩm, cả hai cùng cam kết gửi văn bản đính chính nội dung thông tin đã phát hành trước đây nhằm mục tiêu giải quyết nội bộ.
"Thế nhưng, khi chúng tôi gửi văn bản này đi thì chủ đầu tư đã dùng đó làm cớ buộc chúng tôi có lỗi và vi phạm hợp đồng. Từ đó, Coteccons có nghĩa vụ thông báo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi phát hiện hành vi vi phạm nội dung hợp đồng, nhằm ngăn chặn các nguy cơ và hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra đối với dự án và người sử dụng, theo quy định của pháp luật tại Điều 22 Luật Hình sự 1999 và Điều 5 Luật Tố tụng hình sự 2015", ông Đặng Hoài Nam - Trưởng Ban pháp chế CTD cho biết.
"Đây không phải là một công trình lớn của CTD và cũng không giúp doanh nghiệp tăng thêm nhiều doanh thu bởi chúng tôi còn rất nhiều dự án quy mô khá lớn khác. Tuy nhiên, nếu chủ đầu tư tiếp tục thực hiện những hành động không đúng với các nội dung trong hợp đồng, chắc chắn chúng tôi phải nhờ đến tòa án phán xử", ông Nam nói thêm.
Nói về nguyên nhân trên, ông Lê Anh Đức - Chủ tịch HĐQT công ty Vịnh Nha Trang khẳng định rằng đây mới chỉ là ý định chứ nhà đầu tư chưa hề ban hành một văn bản có tính quyết định chính thức nào. Theo lý giải của nhà đầu tư, để thực hiện được kế hoạch nâng tầng thì buộc phải có sự hợp tác của tổng thầu CTD, từ đó mới tiến hành các bước nghiên cứu, báo cáo thay đổi thiết kế, lập hồ sơ xin phép các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, ngay lập tức công ty CTD đã từ chối những đề xuất này và dẫn đến việc hai bên chấm dứt hợp đồng, làm bùng nổ các cuộc tranh chấp liên quan.
Vì sao VNT cắt gói thầu cơ điện, giao cho nhà thầu khác?
Ngày 11/10/2017, Coteccons có Công văn số 2991/2017/CV-TGĐ gửi Công ty Vịnh Nha Trang, Cục Giám định (Bộ Xây dựng); Công an tỉnh Khánh Hòa; Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa để thông báo việc Chủ đầu tư vi phạm các quy định trong hợp đồng như: Đơn phương thay đổi phạm vi công việc của nhà thầu. Theo đó, VNT đã giao hạng mục hoàn thiện và cơ điện cho nhà thầu khác mà không thỏa thuận với Coteccons... Và theo thư thông báo trúng thầu vào ngày 01/06/2017, REE M&E sẽ cung cấp và thi công trọn gói hệ thống cơ điện cho dự án Panorama Nha Trang do công ty Vịnh Nha Trang làm chủ đầu tư.
Về cáo buộc của Coteccons cho rằng VNT tự ý thay đổi phạm vi công việc của nhà thầu, phía Công ty VNT cũng đáp trả rằng, do Cottecons đã không hoàn thành được các cam kết của mình theo hợp đồng như tại gói thầu hoàn thiện và cơ điện, về danh mục sản phẩm, Coteccons đã không đáp ứng được yêu cầu đã cam kết; không đáp ứng yêu cầu giải trình, làm rõ các nội dung liên quan...
"Sau khi rà soát lại toàn bộ các văn bản liên quan, chúng tôi đã phải lựa chọn 2 nhà thầu rất lớn khác để thay thế CTD. Trong đó, riêng nhà thầu cơ điện chúng tôi đã chọn công ty REE, mặc dù đơn vị này đưa ra mức giá chào thầu cao nhất trong nhiều nhà thầu khác. Chúng tôi còn bằng chứng (bằng văn bản) cho thấy Coteccons đã đề nghị chủ đầu tư sớm đưa nhà thầu cơ điện của dự án vào để triển khai thi công các hạng mục liên quan", ông Đức cho biết thêm.
Cũng theo vị này, phía CTD cũng không có ý kiến gì sau khi chủ đầu tư chọn được nhà thầu thực hiện gói cơ điện cho dự án.
Tuy nhiên, phản bác lại ý kiến trên, ông Nam khẳng định rằng chủ đầu tư đã hiểu sai về mặt ngôn ngữ trong văn bản mà CTD đưa ra. Theo đó, căn cứ vào nội dung hợp đồng tổng thầu thì CTD được thi công trọn gói toàn bộ công trình, thực hiện hàng loạt gói thầu liên quan. Nếu phát sinh tới đâu hai bên sẽ thương lượng và ký các phụ lục hợp đồng, trong khi các bên chưa chốt lại cụ thể nội dung công việc thì đã xuất hiện các nhà thầu mới thay thế tổng thầu.
"Ở đây, chúng tôi muốn nói là chủ đầu tư sớm giải quyết các công việc liên quan để thực hiện sớm gói thầu cơ điện, chứ không phải đề nghị họ đi chọn một nhà thầu khác thay thế chúng tôi. Chuyện chào thầu được ví như chúng ta đi mua một cái xe máy, chỗ này có một giá nhưng chỗ khác cũng có một giá khác nên không thể nói gói thầu chúng tôi hay của doanh nghiệp khác cao hay thấp", ông Nam cho biết thêm.