Có những HTX, khi hỏi lãnh đạo còn ú ớ: “Tôi không biết HTX này và ai làm chủ nhiệm cả. Cái này phải làm việc trực tiếp với cán bộ thống kê”.
Nỗi niềm “bác chủ nhiệm”Xã Bản Qua, huyện Bát Xát, đạt chuẩn NTM cuối năm 2016, đầu năm sau thì chính thức đón bằng công nhận. Bản Qua đất đai trù phú, có những cánh đồng lúa ngát xanh, thẳng cánh cò bay. Ở nơi đó, còn nặng trĩu hình bóng một HTX kiểu cũ và “bác chủ nhiệm” thân thuộc.
Chúng tôi gặp ông Hoàng A Hẩu (SN 1962) – chủ nhiệm HTX dịch vụ tổng hợp Bản Qua trong một buổi sáng mưa lâm thâm. Theo ông Hẩu, HTX lập năm 1998 có tên là HTX DVNN. Đến năm 2005, thay đổi con dấu mới thì thêm hai chữ "tổng hợp", bỏ hai chữ "nông nghiệp". Những năm 90, nhà nhà làm giàu. HTX ra đời đúng nghĩa là “bà đỡ” cho kinh tế nông hộ.
“Bác chủ nhiệm” Hoàng A Hẩu rưng rưng nhìn con dấu cũ
“Ban đầu, HTX làm tất cả từ dịch vụ, buôn bán VTNN, rồi cả thủy lợi. Thời kỳ đó, gần như một tay HTX làm hết, vực dậy kinh tế của cả xã”, ông Hẩu bồi hồi nhớ lại. Theo ông Hẩu, thời kỳ đỉnh cao có trăm xã viên. Tuy nhiên, HTX hoạt động chỉ dựa trên liên kết, giúp đỡ bà con mà không một ai góp vốn, đóng cổ phần.
Xã hội ngày càng tiến lên, mọi thứ đều thay đổi chóng mặt khiến HTX hụt hơi và bị tụt lại. Các cửa hàng phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng… mọc lên như nấm. Và đương nhiên, một HTX kiểu cũ cùng một bác chủ nhiệm già lão bị lép vế. Minh chứng là tới tận năm 2018, toàn bộ con dấu, ban quản trị còn sót lại, mọi thứ vẫn theo mô típ HTX kiểu cũ.
Hơn nữa, theo ông Hẩu, hình như người dân ít mặn mà với ruộng đồng. Diện tích đất dành cho nông nghiệp cứ ngày một teo tóp. Con người ngược lại, sinh sôi nhiều hơn nhưng đi làm việc khác. Cách đây mấy năm, sức khỏe yếu ông Hẩu chuyển HTX về nhà để hoạt động. Cứ thế, HTX dần tan rã.
Tiếc lắm nhưng đànhTrò chuyện với chúng tôi, ông Lý Khánh Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Bản Qua thừa nhận, HTXNN Bản Qua đã dừng hoạt động từ lâu. Trước đây, khi mới thành lập, HTX cũng có trụ sở, phòng làm việc chung với UBND xã. Nhưng chỗ đó nay làm bếp ăn.
Năm 2018, HTX tròn 20 năm, kết thúc một chặng đường
Theo ông Lâm, đến năm 2015, HTX gần như “chết lâm sàng”. Năm 2016, xã lên phương án giải thể. “Xã định đề xuất lên huyện xin giải thể. Sau thì không giải thể nữa vì xã đang phấn đấu đạt chuẩn NTM”, ông Lâm thông tin. Sau khi đón bằng công nhận NTM, năm 2017, xã Bản Qua đã chính thức đề xuất giải thể HTX Bản Qua. Và tới cuối năm 2017, tên HTX đã có trong danh sách buộc phải giải thể của tỉnh.
Ông Lâm chia sẻ, việc giải thể HTX, thực lòng ai cũng tiếc nuối vì dù sao, những con người đó cũng một đời cống hiến, góp sức để Bản Qua đẹp, giàu lên. Người sản xuất không có, ban quản trị thì cao tuổi, định chuyển sang nuôi trồng thủy sản thì thua lỗ…
Đỉnh điểm như năm 2016, qua báo cáo tài chính, HTX không những sinh lời mà còn bị âm khoảng 3 – 4 triệu. Tiền chi ra tổ chức hội thảo, hội nghị còn nhiều hơn thu về. Do số tiền không nhiều, mọi người tự bàn bạc, chia nhau bù lỗ. Giờ việc giải thể HTX chắc chắn phải làm, có thể ngay trong năm 2018.
Ngoài đơn vị này, trên địa bàn HTX Bản Qua còn có 2 HTX làm thổ cẩm và HTX Tân Phát. Theo ông Lâm, HTX thổ cẩm hoạt động cầm chừng, các xã viên chỉ đủ sống. Sản phẩm của HTX thiếu đầu ra trầm trọng, lại làm thủ công, có khi một năm mới dệt xong bộ quần áo, bán được 3 triệu bạc, chết đói.
Người nông dân giờ không còn mặn mà với ruộng đồng
Ông Lâm nói: “Hiện có 10 hộ tham gia nhưng HTX thổ cẩm không thể phát triển được. Năm 2017, HTX báo cáo là có lãi nhưng lãi tí ti. Chúng tôi vẫn đang tìm cách chuyển đổi hoạt động. Cái quan trọng nhất là tìm đầu ra và giảm chi phí, thời gian sản xuất”.
“Việc giải thể HTX, về thủ tục cũng không có gì khó. Tài sản của HTX nay chỉ còn một ít đất và cái ao khoảng 5.000 m2. Diện tích đất 5% trước giao cho HTX quản lý, sau xã sẽ thu hồi về. Con dấu, tài khoản cũng sẽ được thu hồi và hủy theo quy định”, ông Lâm cho biết.
Một tia hy vọng mới sau khi HTX Bản Qua giải thể, là HTX Tân Phát sẽ đổi mới và tiếp nối. Thành lập năm 2014 theo Luật HTX mới, hiện do 3 hộ gia đình và 9 xã viên quản lý. Năm 2017, xã Bản Qua giao HTX 5ha đất trồng rau màu, sau HTX trồng thêm ngô ngọt, khoai lang Nhật, cây dược liệu...
“Từ bài học HTX cũ, chúng tôi sẽ xây dựng một HTX mới, một vùng kinh tế nông nghiệp mạnh hơn, tương xứng với tiềm năng địa phương. Chúng tôi đang vận động người dân vay vốn sản xuất, thay đổi những thói quen, tập quán canh tác lạc hậu”, ông Lâm khẳng định.
Tôi hỏi, bây giờ mà HTX giải thể theo quyết định của tỉnh, bác có điều gì tiếc nuối không, ông Hẩu lấy ra bộ dấu của HTX cầm trên tay, mắt rưng rưng đỏ hoe: “Không làm được thì phải giải thể thôi. HTX không có vướng mắc gì về tài sản chung. HTX không có xã viên. Không có gì tiếc nuối cả”. Nói xong, tay ông vân vê con dấu một cách chậm rãi. Ông Hẩu bảo không có gì tiếc nuối là nói để cho đỡ buồn thôi. Không tiếc sao được khi công sức cả một đời người cống hiến vào đó, nay thì giải thể HTX. |