Các ngân hàng đồng loạt báo lãi lớn ngay trong quý I và đưa ra kế hoạch tăng trưởng mạnh trong năm 2021.
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam - Vietcombank (VCB) vừa cho biết, trong quý I/2021, ngân hàng này đạt lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều so với con số ước tính 7.000 tỷ đồng.
Đây là con số chỉ báo cho thấy Vietcombank sẽ đạt và vượt kế hoạch lợi nhuận cả năm 2021.
Trước đó, lợi nhuận trước thuế năm 2020 Vietcombank đạt hơn 23 nghìn tỷ đồng, tương đương năm 2019 và đạt 116,3% kế hoạch cổ đông giao. Quy mô vốn hoá đến cuối năm 2020 đạt 15,7 tỷ USD và đến ngày 22/4 đạt hơn 16,4 tỷ USD - dẫn đầu toàn ngành.
Dự kiến, năm 2021, ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất tăng 11% (ước đạt 25.585 tỷ đồng), lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 25.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản được đặt mục tiêu tăng 5%, huy động vốn từ nền kinh tế tăng 7%, tín dụng tăng 10,5%, tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Ngoài ra, ngân hàng cũng dự kiến trả cổ tức 2021 với tỷ lệ 8%.
Ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch Vietcombank cho biết ngân hàng đã đưa ra mục tiêu chiến lược là lợi nhuận 2 tỷ USD vào năm 2025, trong đó mảng bán lẻ sẽ đóng góp 50%, bất chấp đại dịch Covid-19 ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung.
Vietcombank cũng có kế hoạch tăng vốn thêm hơn 13 nghìn tỷ lên trên 50 nghìn tỷ đồng thông qua việc phát cổ phiếu để chi trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019 và phát hành cổ phiếu riêng lẻ với quy mô 6,5% vốn điều lệ cho tối đa 99 nhà đầu tư. Đối tác chiến lược Ngân hàng Mizuho sẽ mua thêm khoảng 46,1 triệu cổ phần để giữ tỷ lệ sở hữu tối thiểu 15%.
Ngân hàng tiếp tục lãi lớn. |
Hiện Vietcombank là ngân hàng có tín dụng cho vay mới cao nhất hệ thống. Do vậy, nếu không tăng được vốn, Vietcombank sẽ không đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn theo quy định và điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế của ngân hàng, ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động.
Trong 2021, VCB kỳ vọng tăng trưởng chỉ tiêu tổng tài sản cả năm sẽ đạt 5%, huy động vốn tăng 7% và tăng trưởng tín dụng đạt 10,5%.
Trong quý I/2021, nhiều ngân hàng ghi nhận kết quả lợi nhuận tăng cao và cũng đặt mục tiêu cao cho cả năm.
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) lợi nhuận trước thuế quý I tăng 68% lên hơn 1,8 nghìn tỷ đồng nhờ sự tăng trưởng quy mô và chất lượng của bảng tổng kết tài sản, song song với việc đa dạng hóa nguồn thu nhập phi tín dụng. ROE đạt 31%, cao nhất trong ngành.
Cũng trong quý I, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM – HDBank (HDB) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt trên 2,1 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng 88% so với cùng kỳ năm trước.
Trong mùa đại hội năm nay, nhiều ngân hàng đề ra kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận rất ấn tượng.
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) của ông Đỗ Minh Phú dự kiến tăng trưởng 32% lợi nhuận trước thuế trong năm nay so với năm 2020, tương đương lên khoảng 5.800 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Hà Nội (SHB) của ông Đỗ Quang Hiển thông qua kế hoạch lợi nhuận 2021 cao nhất tăng 88% lên 6.100 tỷ đồng nếu ngân hàng hoàn thành tăng vốn trong quý III. Ngân hàng TMCP Bản Việt - Viet Capital Bank (BVB) đặt mục tiêu tăng trưởng 44% lợi nhuận trong năm 2021 nhờ chiến lược đẩy mạnh bán lẻ, tăng thu hồi nợ xấu, mở rộng mạng lưới hoạt động...
Trên thi trường chứng khoán, cổ phiếu NH vẫn đã tăng mạnh. Tính từ đầu năm nay đến thời điểm cuối tuần thứ 3 của tháng 4/2021, nhiều cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đã có mức tăng trưởng rất cao, trên 50%. Mức tăng giá cổ phiếu bình quân của ngành ngân hàng là 15%, cao hơn mức tăng 10% của số VN-Index. Sự vượt trội của giá cổ phiếu ngân hàng đang thúc đẩy toàn bộ thị trường chứng khoán.
Dự báo lợi nhuận của các ngân hàng niêm yết sẽ tăng trưởng 25-30% năm nay sẽ là động lực chính thúc đẩy cổ phiếu NH sôi động hơn.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), VN-Index hồi phục lên sát ngưỡng 1.250 điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 23/4, chỉ số VN-Index tăng 20,71 điểm lên 1.248,53 điểm; HNX-Index giảm 3,4 điểm xuống 283,634 điểm. Upcom-Index tăng 0,65 điểm lên 80,4 điểm. Thanh khoản đạt 23,3 nghìn tỷ đồng.
V. Hà