Dầu ăn nguy hại từ Trung Quốc được tuồn sang Triều Tiên?
Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Triều Tiên, các sản phẩm dầu đậu nành cung cấp cho thị trường Triều Tiên thường đến từ Trung Quốc.
Nguồn tin của Daily NK tại Trung Quốc tiết lộ, "các công ty thương mại Triều Tiên nhập khẩu dầu đậu nành có chất lượng tệ hại từ Trung Quốc", và cho biết các sản phẩm dầu nhập khẩu này thực chất "chỉ là dầu đã qua sử dụng bị bỏ đi và được tái xử lý".
Nguồn tin mô tả, "người đứng đầu một công ty thương mại Triều Tiên sẽ tiếp cận một nhà buôn Trung Quốc và đề nghị mua dầu đậu nành tinh chế với hóa chất. Phía Triều Tiên sẽ thuyết phục người bán Trung Quốc đồng ý với thỏa thuận, bằng cách nói rằng người Triều Tiên không quan tâm [chất lượng sản phẩm] vì họ chỉ sử dụng rất ít khi nấu nướng."
Trong khi các công ty Triều Tiên biết dầu đậu nành nhập khẩu có chất lượng kém, họ vẫn giới thiệu đến các công ty thực phẩm trong nước như một mặt hàng tốt.
"Các nhà buôn [Triều Tiên] lúc nào cũng nói rằng họ sẽ không bao giờ ăn bất kỳ thứ gì được làm ra tại Triều Tiên," nguồn tin nói với Daily NK.
Thị trường Triều Tiên cảnh giác trước dầu ăn bẩn từ Trung Quốc
Hình ảnh một cơ sở sản xuất "dầu nước cống" bị phanh phui tại Trung Quốc (Ảnh: Wangyi)
Một nguồn tin khác từ Trung Quốc cho biết đã có những lo ngại từ Triều Tiên liên quan đến vấn đề thực phẩm chất lượng kém ảnh hưởng tới sức khỏe.
Trước đây, khi dầu ăn tái chế trở thành vấn nạn ở Trung Quốc, các chuyên gia an toàn thực phẩm đã khuyến cáo rằng việc sử dụng những sản phẩm này trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều loại bệnh, như ảnh hưởng đến sự phát triển ở trẻ em, các bệnh đường ruột, gan nhiễm mỡ,...
Các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo, "dầu nước cống" chứa nhiều kim loại và chất độc có sức tàn phá cơ thể con người gấp 100 lần Asen - kim loại được cho là một tác nhân nguy hiểm gây ung thư.
Các nguồn tin của Daily NK nói ngày càng có xu hướng mất lòng tin nói chung với các mặt hàng Trung Quốc tại Triều Tiên. Ngoài dầu ăn, nhiều người cho rằng hàng hóa Triều Tiên được sản xuất bằng nguyên liệu thô từ Trung Quốc có chất lượng thấp.
"Tôi cho rằng sản phẩm của Triều Tiên sẽ có chất lượng cao, nhưng khi nguyên liệu thô đều là của Trung Quốc thì thực tế không được như vậy," nguồn tin từ Bình Nhưỡng nói. "Ngày càng có nhiều phụ nữ có con cho biết họ không mua hoặc cho con cái ăn xúc xích làm từ nguyên liệu Trung Quốc."
Nguồn tin này bổ sung, người tiêu dùng ở Bình Nhưỡng hiện nay có xu hướng nghiêng về sử dụng dầu đậu nành từ các nước Đông Nam Á, dù giá cả có đắt hơn nhãn hàng Trung Quốc.
"Giá một can dầu ăn 5 lít của Trung Quốc là 4.5-5 USD, trong khi dầu sản xuất ở Đông Nam Á có giá khoảng 6 USD," nguồn tin nói.
Cảnh sát Trung Quốc kiểm tra một cơ sở chế biến dầu ăn trái phép vào năm 2010 (Ảnh: Getty Images)
Trung Quốc từng chấn động vì vấn nạn "dầu nước cống"
Hồi thập niên 2000, tình trạng dầu ăn bẩn từng khiến dư luận Trung Quốc rúng động. Thành phần của nó bao gồm nước cống và các loại thức ăn thừa, dầu ăn thải được thu gom từ các nhà hàng, nhằm tạo ra "sản phẩm" giá siêu rẻ thay thế cho dầu ăn thông dụng.
Việc chế biến và tiêu thụ bất hợp pháp dầu bẩn tái chế tại các nhà hàng Trung Quốc đã bị phơi bày rộng rãi và lên án gay gắt từ năm 2010.
Tờ Thời báo Hoàn Cầu từng đăng tải loạt ảnh dầu nước cống bị phơi bày, với chú thích của độc giả: "Cần có ba thứ quan trọng để làm ra dầu nước cống: móc ngoặc với nhà hàng, khách sạn để thu gom nước cống, đồ ăn thừa; có cơ sở chế biến và đầu ra tiêu thụ là các đại lý bán lẻ; bước thứ ba là có 'gì đó' với giới chức địa phương."
Giáo sư He Dongping - từ Đại học bách khoa Vũ Hán - nói trên truyền thông Trung Quốc vào năm 2010 rằng thị trường trong nước tiêu thụ khoảng 22.5 triệu tấn dầu ăn hàng năm, trong khi sản lượng cả nước đạt ít hơn 20 triệu tấn. Do đó, ông He ước tính người dân đã bị sử dụng khoảng 2.5 triệu tấn dầu bẩn mỗi năm.
Theo Hoàn Cầu, với tỉ lệ như vậy, cứ 10 bữa ăn ở Trung Quốc thì có 1 bữa mà người dân ăn phải dầu nước cống mà không hay biết.
Theo ước tính của Hoàn Cầu, chi phí sản xuất 1 tấn dầu nước cống chỉ vào khoảng 350 nhân dân tệ (hơn 1 triệu VNĐ).
Các hãng truyền thông và mạng xã hội Trung Quốc giai đoạn đó gọi thẳng vấn nạn dầu nước cống là "quốc nhục" của nước này trong thế kỷ 21 bởi những hậu quả đáng sợ mà nó gây ra, thậm chí được cho là nguy hiểm hơn thời kỳ trong lịch sử mà người Trung Quốc bị chế giễu là "Đông Á bệnh phu".
China News ngày 5/5/2013 đưa tin, Bộ công an Trung Quốc đã đề xuất áp dụng khung án tử hình với những tội danh liên quan tới dầu nước cống cùng thực phẩm bẩn, thực phẩm giả và các tội danh liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm khác.