Trong những tháng đầu năm, giá dầu thế giới đã có sự hồi phục mạnh, kể từ năm 2014. Trong tháng 5/2018, có thời điểm giá dầu Brent cán mốc 80 USD/thùng, lần đầu sau 4 năm. Đến thời điểm hiện tại, giá dầu tuy có giảm nhẹ nhưng vẫn đang ở mức cao, 76,44 USD/thùng (ngày 26/5).
Giá dầu thô đang tăng trở lại khiến cho nhiều người đặt câu hỏi, liệu Việt Nam có tính toán đến một kịch bản tăng sản lượng dầu thô, giúp tăng trưởng GDP, trong trường hợp những tháng còn lại của năm 2018 nếu nền kinh tế gặp khó khăn?
Câu hỏi này là dựa trên tiền lệ. Kỳ họp Quốc hội hồi giữa năm 2015, chuyện tính tới tăng khai thác thêm dầu để đảm bảo tăng trưởng cho nền kinh tế đã được đặt ta. Kết quả, GDP của Việt Nam tăng trưởng ở mức cao nhất trong vòng nửa thập kỷ.
Hay cũng tại thời điểm này năm ngoái, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XIV, do tăng trưởng quý I rất thấp, 5,1%, thấp nhất trong 3 năm qua trong khi mục tiêu của Chính phủ phải đạt GDP là 6,7%, Chính phủ đã đề xuất tăng khai thác lên 1 triệu tấn dầu.
Theo tính toán, cứ một triệu tấn dầu khai thác thêm, GDP Việt Nam sẽ tăng thêm khoảng 0,3%.
"Kịch bản năm nay không đề cập đến việc "móc dầu" lên bán để bù đắp tăng trưởng", ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch Đầu tư khẳng định với Trí Thức Trẻ.
Ông cho biết trong các phương án báo cáo lên Chính phủ đều đặt giả định giá dầu ổn định và không đặt vấn đề tăng khai thác. Nghĩa là giữ nguyên giá dầu của năm 2018 và xây dựng kịch bản tăng trưởng trên cơ sở phát triển các mô hình, đặc biệt là công nghiệp chế biến – chế tạo, nông nghiệp, dịch vụ và du lịch.
"Kịch bản tăng trưởng được xây dựng và phấn đấu theo hướng đó", ông Phương lặp lại. Tuy nhiên, vị Vụ trưởng Vụ Tổng hợp này cho biết việc khai thác dầu khí hoàn toàn phụ thuộc vào 3 yếu tố, gồm: kế hoạch kinh doanh, năng lực của doanh nghiệp và thị trường.
"Nếu 3 yếu tố này thuận lợi thì chả nhẽ cấm doanh nghiệp khai thác. Khai thác lên nếu lợi quá thì vẫn có thể điều chỉnh được kế hoạch", ông nói thêm.
Thực tế, tại Nghị trường trong những ngày 25 - 26/5 vừa qua, "tăng trưởng nhờ dầu thô, khai khoáng" là cụm từ "nóng", được nhiều đại biểu tranh luận gay gắt.
Cuộc tranh luận được "châm ngòi" bởi đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) khi ông nhận định nếu không dựa vào 1,29 triệu tấn dầu thô vượt kế hoạch thì tăng trưởng năm 2017 không thể đạt được. Nghĩa là mức tăng 6,81% phải trừ đi 0,3% tăng thêm nhờ 1 triệu tấn dầu.
"Như vậy tăng trưởng dù đạt mục tiêu nhưng tăng trưởng ở các khu vực kinh tế không được như kỳ vọng. Đây là khoảng lặng tăng trưởng 2017", ông nói.
Ngay sau đó, nhiều đại biểu đã giơ biển tranh luận lại với ông Hàm. Cụ thể, đại biểu Trần Quang Chiểu (Nam Định) khẳng định không có chuyện tăng trưởng 2017 dựa vào dầu thô và các tài nguyên khác thuộc lĩnh vực khai khoáng. Theo ông, chỉ tiêu khai thác dầu thô năm 2016 là 15,2 triệu tấn nhưng thực tế khai thác hơn 13,5 triệu tấn, nghĩa là hụt đi 1,6 triệu tấn. Như vậy là dầu thô đã tăng trưởng âm.
Ông Chiểu dẫn chứng thêm: "Khai khoáng than 2017 năm ngoái 38,7 triệu tấn, kế hoạch năm 2018 là 40,2 triệu tấn, nhưng Chính phủ chỉ cho khai thác hơn 38,2 triệu tấn, như vậy so với kế hoạch hụt hơn gần 2 triệu tấn, tương ứng gần 0,28%.
Đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) cũng tham gia tranh biện. Vị này nhận xét rằng dầu thô tăng đóng góp vào phần tăng trưởng kinh tế nhưng không phải tăng trưởng kinh tế dựa chủ yếu vào dầu thô.
"Mà báo cáo của Chính phủ là chính xác, tăng chủ yếu từ thu nội địa, tăng 41.880 tỉ đồng, chiếm hơn 54,75% trong con số tổng thu ngân sách năm 2017", theo đại biểu.
Trước đó, sáng ngày 22/5, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trong phiên thảo luận tại tổ cũng "phản biện" ý kiến của báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế Quốc hội khi đơn vị này nhận xét tăng trưởng năm 2017 phụ thuộc vào dầu thô, than đá.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, trong mấy năm vừa qua, gần nhất là các năm 2016, 2017, công nghiệp than đá và dầu thô đều tăng trưởng âm.
"Như vậy chúng ta đánh giá là tăng trưởng phụ thuộc dầu thô, than đá thì có đúng không?", Phó Thủ tướng nói.