Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) đang áp dụng mức lãi suất kỳ hạn 6 tháng khi gửi tiền qua hình thức trực tuyến cao nhất toàn hệ thống với 6,65%/năm. Đầu tháng 4, ngân hàng Nam Á Bank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm đối với tiền gửi online lên mức 6,5%/năm. Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, ngân hàng này vẫn duy trì mức lãi suất 5,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng từ đợt cập nhật lãi suất gần nhất.
CBBank là ngân hàng đứng vị trí Top 3 khi lãi suất ngân hàng áp dụng cho hình thức gửi tại quầy và gửi online trong 6 tháng lần lượt là 6,25%/năm và 6,36%/năm. Bắc Á Bank và Việt Á Bank cùng chào mức lãi suất 6,2%/năm đối với khách hàng gửi tiền kỳ hạn 6 tháng qua kênh trực tuyến.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) vẫn duy trì mức lãi suất từ 4%-4,6%/năm với kỳ hạn 6 tháng tùy theo phân khúc khách hàng. Cụ thể, với đối tượng khách hàng ưu tiên, có lượng tiền gửi trên 3 tỷ thì sẽ được áp dụng mức lãi suất cao nhất là 4,6%/năm cho kỳ hạn 6 tháng.
Một số ngân hàng khác cũng có lãi suất huy động tương đối cao như VietCapitalBank, BaoVietBank, PVCombank, KienlongBank, MSB, SHB… khi lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 6 tháng của các ngân hàng này đều dao động trong khoảng từ 5,4-5,9%.
Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) cũng ghi nhận mức tăng lãi suất lên 4,25%/năm áp dụng cho tiền gửi kỳ hạn 6 tháng, trước đó, mức lãi suất được áp dụng là 3,92%/năm (hình thức trả lãi trước). Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn nằm trong top các ngân hàng có lãi suất tiền gửi thấp trong toàn hệ thống.
Với nhóm Big4 bao gồm 4 ngân hàng: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) và ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), lãi suất tiết kiệm vẫn giữ ổn định. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng của cả 4 ngân hàng này đều duy trì ở mức 4%/năm như hồi tháng 3.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động từ kênh tiền gửi của các ngân hàng đã được nâng lên sau một thời gian dài duy trì ở mức thấp. Điều này cũng đã kích thích sự tăng trưởng số dư tiền gửi của dân cư tại các ngân hàng. Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tiền gửi dân cư tại các ngân hàng tính đến cuối tháng 1 đã đạt hơn 5,4 triệu tỷ đồng, tăng 1,95% so với cuối năm 2021. Chỉ trong một tháng, người dân mang gửi thêm vào ngân hàng hơn 103.000 tỷ đồng và theo đó đây là mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 tháng, tính từ tháng 2/2021.
Đánh giá xu hướng lãi suất trong năm 2022, Công ty chứng khoán SSI cho biết nhiều khả năng mặt bằng lãi suất đang được thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với bình quân năm 2021. Các chuyên gia dự báo lãi suất tăng nhẹ trong nửa cuối năm thêm từ 0,2-0,25%. Chênh lệch số dư tiền gửi ngân hàng của người dân và các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vì thế cũng sẽ được cải thiện.
Công ty Chứng khoán BVSC thì nhận định rằng, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy và tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) lại dự báo lãi suất huy động năm nay có thể đi ngang, mức tăng nhẹ nếu có chỉ cục bộ. Tuy nhiên, áp lực lãi suất huy động có thể xuất hiện vào cuối năm, khi ngân hàng thường đẩy mạnh cho vay. Mặc dù vậy, VCBS nhận định áp lực này sẽ không quá lớn.