Lãi suất cao nhất trên thị trường tiền gửi hiện nay là 8,2%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên tại OCB, gửi kỳ hạn 13 tháng. Ngoài ra, một số ngân hàng có lãi suất từ 7%/năm trở lên như MSB, Techcombank, ACB, song chỉ áp dụng cho khoản tiền gửi từ hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.
Đối với các khoản tiền gửi giá trị nhỏ từ 1 tỷ đồng trở xuống, lãi suất cao nhất hiện nay là 6,9%/năm.
Cụ thể, VietABank là ngân hàng có lãi suất cao nhất 6,9%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 15 tháng trở lên. Đối với kỳ hạn 12-15 tháng, lãi suất của ngân hàng cũng thuộc hàng cao trên thị trường với 6,5-6,6%/năm.
Tiếp đến là SCB đang niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,8%/năm, áp dụng cho cả hình thức gửi tiền online và tại quầy. Ngoài ra, mức 6,8%/năm còn có tại NCB, áp dụng cho kỳ hạn từ 18 tháng trở lên.
Khá nhiều ngân hàng có lãi suất 6,7-6,75%/năm. Chẳng hạn, Kienlongbank cũng đang niêm yết lãi suất 6,75%/năm cho kỳ hạn từ 18 tháng - 36 tháng. Lãi suất kỳ hạn 15-18 tháng tại Kienlongbank cũng ở mức cao so với thị trường, đạt 6,7%/năm.
NCB cũng áp dụng lãi suất 6,7-6,75%/năm cho kỳ hạn 13 tháng, 15 tháng. Ngoài ra, NamABank cũng có lãi suất tiền gửi 6,7%/năm cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi online, khi gửi tại quầy là 6,2%/năm.
BacABank có lãi suất cao nhất 6,7%/năm áp dụng cho tiền gửi từ 15 tháng trở lên.
Có thể thấy, để được hưởng lãi khoảng 6,7%/năm, người gửi tiền sẽ phải gửi tiết kiệm kỳ hạn khá dài, ít nhất từ 1 năm trở lên.
Trong khi đó, ở kỳ hạn ngắn 9 tháng, lãi suất cao nhất hiện nay chỉ khoảng 6,5-6,6%/năm (tại SCB, CBBank, NamABank) khi gửi online và đối với hình thức tại quầy cao nhất là 6,4%/năm (tại NCB).
Đối với kỳ hạn 6 tháng, khách hàng có thể chọn các ngân hàng như SCB, CBBank, NamABank để được áp dụng lãi suất từ 6,3-6,45%/năm (gửi online) và 6,25%/năm tại NCB, CBBank (gửi tại quầy).
Kỳ hạn từ 6 tháng trở xuống, lãi suất cao nhất hiện nay phải tuân thủ quy định của NHNN, không vượt quá 4%/năm. Hiện chỉ có GPBank, VietBank đang niêm yết mức tối đa này khi gửi tại quầy và đối với online thì có thêm NCB, SCB, PGBank, SHB.
Các ngân hàng lớn tiếp tục có lãi suất thấp nhất trên thị trường. Tuy nhiên, giữa những ngân hàng này cũng có sự chênh lệch đáng kể.
Hiện Agribank, BIDV, VietinBank có biểu lãi suất khá tương đương nhau, cao nhất là 5,6%/năm áp dụng cho tiền gửi từ 12 tháng trở lên.
Vietcombank niêm yết lãi suất thấp hơn so với 3 ngân hàng trên, hiện cao nhất chỉ 5,5%năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Tại Techcombank, lãi suất tiền gửi dưới 1 tỷ đồng cao nhất hiện nay 5,3%/năm khi gửi kỳ hạn 36 tháng.
ACB thì có lãi suất cao nhất 5,9%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng khi gửi online lẫn tại quầy.
MB có lãi suất cao nhất là 6,2%/năm cho tiền gửi từ 36 tháng trở lên, cao hơn khá nhiều so với những ngân hàng lớn khác. Tuy nhiên, ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất của MB chỉ 5,1%/năm, lại thuộc nhóm thấp nhất thị trường.
Có thể thấy, so với tháng 7, lãi suất đầu tháng 8 không có nhiều thay đổi. Theo dự báo của nhiều chuyên gia, lãi suất huy động thời gian tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang do diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Các ngân hàng chưa gặp phải áp lực huy động khi cầu tín dụng được dự báo sẽ chậm lại do đợt bùng phát dịch Covid-19 vài tháng gần đây.
Tại nhiều địa phương đang áp dụng biện pháp giãn cách xã hội, các ngân hàng khuyến nghị khách hàng có thể chọn gửi tiền online để vừa được hưởng lãi suất cao hơn so với gửi tại quầy, đồng thời đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh. Như đề cập ở trên, hiện một số nhà băng cộng thêm 0,1 tới 0,5 điểm phần trăm khi khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến.