Phát biểu tại diễn đàn Đấu thầu qua mạng Việt Nam 2018 diễn ra ngày 8/8, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cho biết, đấu thầu qua mạng góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh minh bạch, tăng tính hiệu quả, tiết kiệm thời gian và chi phí trong công tác đấu thầu.
Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1402/QĐ-TTg ngày 13/7/2016 phê duyệt Kế hoạch tổng thể và lộ trình áp dụng đấu thầu qua mạng giai đoạn 2016 - 2025.
Theo đó, đến năm 2025, 100% các thông tin về đấu thầu phải được đăng tải công khai trên hệ thống; 100% hoạt động mua sắm thường xuyên phải đấu thầu qua mạng và tối thiểu 70% các gói thầu thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu phải thực hiện trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Cho đến nay tổng số gói thầu đấu thầu qua mạng là khoảng 23.000 gói thầu. Riêng 7 tháng đầu năm 2018 đã có gần 9.000 gói thầu đã được áp dụng đấu thầu qua mạng, chiếm 18% tổng số gói thầu đã triển khai trên cả nước trong 7 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ này đạt cao so với năm 2017 là khoảng 11% và năm 2016 là khoảng 5% cho cả năm.
Cho rằng số gói thầu đấu thầu qua mạng đạt được là ấn tượng nhưng chưa đạt được như kỳ vọng, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy ví dụ: Số gói thầu qua mạng của 7 tháng đầu năm 2018 mới đạt 18%, chưa đạt được lộ trình theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Về hệ thống cơ sở pháp lý về đấu thầu qua mạng cơ bản đã được hoàn thiện, tuy nhiên vẫn còn tồn tại hai vấn đề khó khăn đó là hệ thống và con người. Giai đoạn đầu chưa triển khai hứng thú vì tính minh bạch, không còn góc khuất.
Theo báo cáo về công tác đấu thầu năm 2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sau 3 năm thực hiện đấu thầu qua mạng trong số 119 cơ quan thực hiện công tác đấu thầu, có 41 cơ quan đơn vị chưa thực hiện một gói thầu nào qua mạng, do vậy phải gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hiện đấu thầu qua mạng, góp phần làm thay đổi nhận thức về đấu thầu qua mạng.
Ông Nguyễn Đăng Trương, Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu, cho rằng xây dựng hệ sinh thái cho đấu thầu qua mạng dựa trên 3 trụ cột: Thứ nhất là môi trường, khuôn khổ pháp lý, tạo ra "cuộc chơi". Thứ hai là xây dựng công cụ để "chơi"; Thứ ba là mọi người trong môi trường đó nhận thức đầy đủ về cuộc chơi, công cụ "chơi". Tuy nhiên, trở ngại cho vấn đề này là cần thay đổi nhận thức.
Trên thế giới các quốc gia phát triển đấu thầu qua mạng thường trải qua 3 giai đoạn: khởi đầu, phát triển và chín muồi. Hiện chúng ta đang có những gói thầu ở giai đoạn chín muồi nhưng cũng có những gói thầu đang ở giai đoạn khởi đầu.
Về kế hoạch thực hiện chỉ tiêu 100% gói thầu đăng thông tin qua mạng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đăng Trương cho rằng, điều này sẽ đạt được nhưng không chỉ dừng tại đó mà cần các thông tin sâu hơn về các gói thầu.
Do vậy, các nhà thầu liệt kê hết các gói thầu, các hợp đồng thực hiện gói thầu trên hệ thống, còn Chủ đầu tư sẽ vào hệ thống để biết năng lực nhà thầu mà không phải yêu cầu một bộ hộ sơ năng lực. Điều này giúp tiết kiệm chi phí rất lớn và tránh hiện tượng khai man năng lực.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp với World Bank và Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) hoàn thiện Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, xây dựng thêm một số tiện ích để tạo thuận lợi cho người dùng.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu sẽ nghiên cứu phương án để thông tin với các nhà thầu về nhóm các gói thầu mà họ quan tâm, thay vì họ phải truy cập để tìm đơn lẻ từng gói thầu được đăng tải trên Hệ thống.