Cụ thể, theo thông báo kết quả tổng hợp Đấu thầu bán vàng miếng ngày 8/5, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã có 3 thành viên trúng thầu với tổng khối lượng trúng thầu là 34 lô (3.400 lượng vàng). Giá trúng thầu cao nhất và thấp nhất đều là 86,05 triệu đồng/lượng.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thông báo sẽ tổ chức đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng với giá tham chiếu để tính cọc cao kỷ lục 85,3 triệu đồng/lượng vào sáng nay (8/5). Tuy nhiên, sau 4 lần đấu thầu "ế ẩm", lần này Ngân hàng Nhà nước đã chính thức có động thái mới đó là giảm điều kiện tham gia dự thầu. Với mức giá này và số lượng vàng đặt mua, đơn vị tham gia đấu thầu phải đặt cọc 10%.
Điểm mới nữa trong phiên đấu thầu ngày hôm nay là khối lượng đấu thầu tối thiểu của một thành viên là 700 lượng thay vì 1.400 lượng vàng SJC như 4 phiên trước. Trong khi đó, khối lượng đặt thầu tối đa vẫn là 20 lô, tương đương 2.000 lượng.
Như vậy, sau 4 phiên "ế ẩm", Ngân hàng Nhà nước đã chính thức giảm điều kiện tham gia dự thầu. Với lượng mua tối thiểu 700 lượng vàng khi trúng thầu, số tiền một đơn vị chi ra gần 60 tỷ đồng.
Trong 4 phiên đấu thầu vàng mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến trước đó, có 3 lô đã bị hủy do không đủ số lượng thành viên tham gia dự thầu. Phiên đấu thầu duy nhất thành công ngày 23/4 chỉ có 2 đơn vị trúng thầu 3.400 lượng, chiếm 20% khối lượng lượng vàng đem ra đấu thầu.
Trước đó, năm 2013, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện 76 phiên đấu thầu vàng, chào bán ra thị trường tổng cộng 1.932.000 lượng vàng và bán thành công 1.819.900 lượng, tương đương 69,9 tấn vàng. Trong số này có hơn 30 tấn được các tổ chức tín dụng mua vào để tất toán trạng thái vàng, chỉ có gần 40 tấn vàng còn lại là bán ra thị trường.
Hiện tại, với mức độ "ế ẩm" của các phiên đầu thầu vàng được tổ chức từ tháng 4/2024 đến nay, mục tiêu giảm chênh lệch giá vàng của Ngân hàng Nhà nước được giới phân tích đánh giá là "khó đạt được".
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, đấu thầu vàng không phải là biện pháp để tăng nguồn cung. Quan trọng nhất để tăng nguồn cung là cho phép các doanh nghiệp vàng được nhập khẩu và xuất khẩu vàng. Nhà nước kiểm soát bằng thuế.
"Bằng cách này, ngay lập tức trong vòng 1 tuần giá vàng trong nước và thế giới liên thông ngay. Bởi vì, các doanh nghiệp vàng bạc nhập khẩu vàng từ Singpore, Hồng Kông, Thái lan về đây quá nhanh", ông nói.
Về chính sách thuế, theo ông Nghĩa, muốn không khuyến khích, Nhà nước đánh thuế thật cao, muốn chống buôn lậu, đánh thuế thấp. Khi thuế thấp thì không ai đi buôn lậu, thuế thấp thì chênh lệch giá vàng cũng giảm. Còn nếu để như hiện nay, buôn lậu vàng sẽ tăng.
Cũng theo ông Nghĩa, mặc dù giá vàng tăng "điên đảo" thời gian vừa qua, nhưng không có chuyện "vàng hóa" như nhiều lo ngại.
"Chúng ta không phải lo ngại về tình trạng vàng hóa nền kinh tế ở thời điểm này. Theo định nghĩa của IMF, USD hóa hay vàng hóa với điều kiện hệ thống ngân hàng nhận tiền gửi bằng vàng/bằng đô la và cho vay bằng vàng/bằng đô la. Giai đoạn 2009 - 2011, chúng ta cho phép điều đó. Và một số ngân hàng thương mại lợi dụng quy định này giảm thiểu kinh doanh ngân hàng và chuyển sang kinh doanh vàng, từ đó tạo ra cú sốc về vàng. Sau đó, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, cần ra Nghị định 24 và không cho phép các ngân hàng thương mại cho vay và huy động bằng vàng. Hiện, các hoạt động này vẫn chưa được cho phép thực hiện. Vì vậy, không phải lo chuyện lặp lại như ngày xưa", nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia khẳng định.