Đối với bệnh nhân nặng mắc các bệnh hô hấp cấp tính, máy thở có thể phát huy tác dụng vãn hồi sự sống nên trong bối cảnh dịch bệnh Covd-19 đang bùng phát hiện nay, máy thở là thiết bị y tế vô cùng quan trọng.
Nhưng máy thở không thể cứu được tất cả các bệnh nhân, khi cơ thể bệnh nhân không thể cải thiện, nhân viên y tế trên khắp thế giới phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn.
Hãng tin BBC (Anh) mới đây đã kể câu chuyện về Juanita Nittla, y tá trưởng của khu chăm sóc tích cực (ICU) thuộc Bệnh viện Royal Free ở London. Cô Nitra đã làm việc cho Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS) trong ít nhất 16 năm.
Nitra, 42 tuổi, nói với BBC vào một ngày nghỉ: "Thực sự rất đau đớn khi phải tắt máy thở của bệnh nhân. Đôi khi, tôi cảm thấy bản thân cần chịu trách nhiệm về cái chết của người khác".
Phá lệ vì bệnh nhân
Khi bắt đầu ca lầm việc vào tuần thứ hai của tháng Tư, Nitra được yêu cầu ngừng điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 . Bệnh nhân là một y tá cộng đồng ở độ tuổi năm mươi.
Đầu tiên, Nitra đã thảo luận về thủ tục với con gái của bệnh nhân. "Tôi đảm bảo với cô ấy rằng mẹ cô ấy sẽ không cảm thấy đau đớn và trông rất an nhiên. Tôi cũng hỏi về ước nguyện và nhu cầu tôn giáo của mẹ cô ấy".
Trong ICU, các giường bệnh đặt gần nhau. Xung quanh bệnh nhân của cô, có những bệnh nhân khác cũng đang trong tình trạng hôn mê. Nitra nói: "Bệnh nhân ở trong một phòng bệnh có tám giường, tình trạng của tất cả các bệnh nhân đều rất nặng".
Cô Juanita Nittla đã làm việc ít nhất 16 năm cho NHS. Ảnh: Juanita Nittla
Các nhân viên y tế đều trở nên im lặng, rồi Nitra đặt điện thoại sát tai bệnh nhân, giúp bà lắng nghe giọng nói của con gái. "Đối với tôi, đây chỉ là một cuộc gọi điện thoại nhưng đối với gia đình bệnh nhân, nó có ý nghĩa rất lớn. Họ muốn thực hiện một cuộc gọi video nhưng thật không may, trong ICU không được phép sử dụng điện thoại di động".
Nắm tay bệnh nhân nốt đoạn đường còn lại
Theo yêu cầu của gia đình bệnh nhân, Nitra đã phát một video âm nhạc được chỉ định. Sau đó, cô tắt máy thở. "Tôi ngồi cạnh và nắm tay bệnh nhân cho đến khi bệnh nhân trút hơi thở cuối cùng".
Quyết định ngừng tất cả các dụng cụ trợ thở và phác đồ điều trị sẽ chỉ được đưa ra sau khi đội ngũ y tế cân nhắc thận trọng. Họ đã phân tích các yếu tố khác nhau như tuổi của bệnh nhân, tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, phản ứng của bệnh nhân và cơ hội phục hồi.
Năm phút sau khi Nitra tắt máy thở, bệnh nhân đã qua đời. "Tôi thấy đèn nhấp nháy trên màn hình và máy đo nhịp tim hiển thị về số 0 - trở thành một đường ngang trên màn hình". Sau đó, cô rút ống truyền thuốc an thần.
Con gái của bệnh nhân vẫn nói chuyện với mẹ và cầu nguyện ở bên kia điện thoại. Nitra trĩu nặng cầm ống nghe và nói với đối phương rằng, mọi chuyện đã kết thúc.
Chia sẻ về điều này, Nitra nói, là một y tá, sau khi bệnh nhân qua đời, nhiệm vụ của cô vẫn chưa hoàn thành. "Với sự giúp đỡ của một đồng nghiệp, tôi còn lau người và dùng vải trắng quấn bệnh nhân và đặt bệnh nhân vào túi đựng thi thể", cô nói. "Tôi đã làm dấu thánh giá trên trán bệnh nhân trước khi đóng túi lại".
Nitra cho biết, năm ngoái, cô đã phải nghỉ ngơi và ngừng làm việc trong vài tháng vì bệnh lao. Cô biết rằng chức năng phổi của mình đã bị tổn thương.
"Mọi người nói với tôi rằng tôi không nên làm việc nữa. Nhưng đây là đại dịch toàn cầu. Tôi đặt mọi thứ sang một bên và làm việc của mình", Nitra chia sẻ, trong bối cảnh hiện nay, trung bình mỗi ngày trong phòng ICU đều có một người tử vong, cao hơn nhiều so với mức trung bình trước khi đại dịch bùng phát.
Cô tâm sự: "Mỗi khi kết thúc ca làm việc, cô đều sẽ nghĩ về những bệnh nhân của tôi đã tử vong nhưng tôi sẽ thử cố gắng xóa bỏ mọi hình ảnh trong đầu khi ra khỏi bệnh viện".