Có lợi thế chạy dọc theo chiều dài đất nước, nhưng nhiều năm qua, xếp hạng năng lực vận tải của ngành đường sắt luôn đứng sau cùng, nguyên nhân là do hệ thống hạ tầng quá cũ, không đồng bộ và mất an toàn.
7.000 tỷ đồng sẽ được phân thành 4 dự án, trong đó tập trung vào công tác nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh và gia cố các cầu yếu trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, các dự án sẽ hoàn thành trong năm nay.
Việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại sẽ giúp có thêm dư địa phát triển cho ngành. (Ảnh: NLĐ)
"Trong năm 2021, hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu. Đến nay, công tác triển khai thi công đã hoàn thành được 30%", ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.
Sau khi hoàn thành, các đoạn được nâng cấp sẽ cho phép tầu chạy 70km/h đối với vận tải hành khách và 50km/h với vận tải hàng hóa, đồng thời tăng công suất khai thác chạy tàu trên toàn tuyến
Hiện toàn tuyến đường sắt tồn tại hang trăm vị trí có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt có nhiều đoạn phải chuyển tải hàng hóa, làm giảm hiệu quả khai thác của ngành.
Nhiều năm qua, xếp hạng năng lực vận tải của ngành đường sắt luôn đứng sau cùng. (Ảnh: NLĐ)
"Trong kế hoạch trung hạn 2020 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải vẫn tiếp tục đề nghị nâng cấp cải tạo cho các điểm thiết yếu còn lại của tuyến đường sắt Bắc - Nam và làm các tuyến đường sắt kết nối với các cảng ở khu vực phía Bắc, phía Nam", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Trong khi chờ một dự án đường sắt tốc độ cao, việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại sẽ giúp có thêm dư địa phát triển cho ngành, nhất là về thời gian chuyên chở, tính an toàn, thuận tiện, bởi hơn 100 năm qua, hệ thống đường sắt Việt Nam chưa có những thay đổi lớn để đáp ứng xu thế phát triển chung.