Hiện, TP.HCM đã tạm dừng xem xét đề xuất đầu tư dự án này theo hình thức PPP (hình thức đối tác công - tư, Nhà nước và Nhà đầu tư cùng phối hợp thực hiện dự án). Hồ sơ đề xuất dự án và thỏa thuận liên danh cũng đã hết hiệu lực.
Phía UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề xuất được triển khai thực hiện dự án để giải quyết kết nối giao thông giữa tỉnh này với TP.HCM, đồng thời giúp phát triển đô thị mới Nhơn Trạch.
TP.HCM thống nhất với đề nghị giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án cầu thay phà Cát Lái. Phía tỉnh Đồng Nai báo cáo Thủ tướng và sớm triển khai thực hiện, hoàn thiện kết nối giao thông theo quy hoạch.
Cầu Cát Lái nối Quận 2 (TP.HCM) với huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) sẽ được xây dựng thay thế phà Cát Lái hiện tại. Cầu Cát Lái có thiết kế dạng dây văng với chiều dài khoảng 4 km, mặt cắt ngang 60 mét. Sau khi hoàn thành sẽ có 4 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp. Tổng kinh phí đầu tư tạm tính hơn 5.700 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay và lợi nhuận đầu tư). Trong đó, chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng khoảng 1.225 tỷ đồng.
Theo thiết kế, điểm đầu của cầu Cát Lái kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2, TP.HCM) và điểm cuối của cầu sẽ cách bến phà hiện hữu khoảng 1,2 km thuộc khu vực xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẽ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ - thuộc khu đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Được biết, trước đó, tháng 5/2017, sau khi được Thủ tướng đồng ý về chủ trương, TP.HCM khẩn trương bắt tay nghiên cứu thực hiện dự án xây cầu Cát Lái, đồng thời triển khai nhiều công trình cải tạo, nâng cấp đường, xây dựng nút giao Mỹ Thủy…, để giảm tải tình trạng ùn tắc, tai nạn quanh khu vực này. Tuy nhiên, do tốc độ phát triển đô thị, nhu cầu đi lại tăng nhanh, dẫn đến áp lực giao thông trên các tuyến đường xung quanh cảng Cát Lái ngày càng lớn.
Theo Khu Quản lý giao thông đô thị số 2 - Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, lưu lượng xe ra vào cảng Cát Lái trung bình vào khoảng 16.000 lượt xe/ngày đêm, cao điểm lên tới 19.000 lượt, vượt gần gấp đôi năng lực của các tuyến đường xung quanh. Căng thẳng nhất xảy ra trên đường Nguyễn Thị Định, khi toàn bộ lượng xe ra vào khu cảng nêu trên cùng phà Cát Lái đều phải qua tuyến đường này.
Phà Cát Lái hiện tại
Tại khu vực Cát Lái hiện có cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nối TP.HCM với Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu…,tuy nhiên tuyến cao tốc này đang chịu áp lực giao thông rất lớn và lại chỉ dành cho ô tô lưu thông. Vì vậy, nhu cầu đi lại, kết nối giữa Quận 2, TP.HCM với Đồng Nai cùng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, phụ thuộc nhiều vào phà Cát Lái. Do đó, việc cây cầu Cát Lái trong tương lai sẽ là sự kết nối về giao thông giữa TP.HCM với Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, giúp đường từ Sài Gòn về Vũng Tàu giảm được hơn chục cây số mà không phải mất thời gian chờ phà như trước đây.
Ngoài ra, song song với các trục giao thông đối ngoại như cao tốc TP.HCM - Long Thành – Dầu Giây, đường Vành Đai 2, Cát Lái còn sở hữu hệ thống giao thông đối nội hoàn chỉnh, chẳng hạn như đại lộ Võ Văn Kiệt, cầu Phú Mỹ, cầu Mỹ Thủy mới, cầu Sài Gòn 2, cầu Thủ Thiêm 1, 2 và hầm vượt sông Sài Gòn. Đó là chưa kể công trình cầu Cát Lái (nối Quận 2 với Đồng Nai).
Huyện Nhơn Trạch đã được qui hoạch là khu đô thị mới từ năm 2000 và kế hoạch xây dựng cầu Cát Lái năm 2007. Tuy nhiên đến nay đã gần 20 năm hai bên (tỉnh Đồng Nai và TP.HCM) vẫn chưa thống nhất phương án xây cầu, nên các dự án đón đầu đô thị mới Nhơn Trạch đành đắp chiếu chờ cầu. Nếu theo dự kiến cầu Cát Lái được khởi công vào 2020, thì chắc chắn các dự án lâu nay nằm chờ và các dự án mới sẽ hưởng lợi từ dự án xây cầu Cát Lái, điển hình như: dự án Swan Bay của chủ đầu tư Swan City, dự án King Bay của chủ đầu tư Freeland...và nhiều dự án đơn lẻ khác…