Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhờ ngành du lịch không ngừng tăng trưởng cao trong những năm qua (bình quân khoảng 30% mỗi năm). Đến nay lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã cán mốc 15 triệu lượt vào 2018 và dự kiến khoảng 17-18 triệu lượt trong năm nay. Còn nhu cầu du lịch của người dân trong nước cũng tăng cao với khoảng 95 triệu lượt khách du lịch đạt được trong năm 2018.
Điều này khiến các dự án bất động sản du lịch phát triển không ngừng. Mỗi năm số lượng phòng lưu trú cũng gia tăng trung bình khoảng 10-20% kể từ 2015 đến nay, nhất là loại hình buồng phòng 4-5 sao.
Nhờ vào sự gia tăng của du lịch, các sản phẩm bất động sản du lịch cũng rất đa dạng thu hút dòng tiền đầu tư lớn vào loại hình BĐS này trong những năm qua.
Theo một khảo sát của Grant Thornton ngành dịch vụ khách sạn năm 2019 được T.S Đinh Thế Hiển chia sẻ trong bài tham luận tại một hội thảo về đầu tư bất động sản du lịch gần đây, cho thấy đầu tư vào 1 m2 bất động sản du lịch mang lại gia trị gia tăng hơn hẳn các BĐS loại hình khác.
Cũng theo khảo sát của Grant Thornton năm 2019 giá phòng khách sạn bình quân tăng 2,8% (4-5 sao), chỉ số hiệu suất phòng khách sạn (Revpar) tăng trung bình 8,9% và công suất phòng tăng trung bình 8%/năm.
Những chỉ số này cho thấy việc đầu tư vào BĐS du lịch nghỉ dưỡng đang đem lại hiệu quả cao so với các loại hình BĐS khác. Bởi lợi tức đem lại từ loại hình bất động sản này phụ thuộc nhiều vào giá thuê phòng và công suất phòng.
Nghiên cứu chi tiết hơn về loại hình căn hộ nghỉ dưỡng tại Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu – Phước Hải và sử dụng số liệu thống kê từ năm 2017 đến tháng 6/2019, cũng như từ số liệu của các resort được đầu tư đúng mức, có quản lý vận hành tiêu chuẩn giá thuê trung bình của một căn hộ nghỉ dưỡng (có giá khoảng 2 tỷ đồng) đạt 1,4 triệu đồng/ngày, công suất thuê trung bình vào khoảng 60%.
Như vậy, theo tính toán thì căn hộ nghỉ dưỡng này đem lại tổng doanh thu một năm vào khoảng 300 triệu đồng. Sau khi trừ đi khoản chi phí 29%, trong đó có 22% chi phí trực tiếp và 7% chi phí duy tu, bảo trì, vận hành thì lợi nhuận gộp căn hộ này đem lại vào khoảng 215 triệu đồng. Thông thường, tỷ lệ ăn chia lợi nhuận giữa chủ sở hữu và đơn vị khai thác trên thị trường là 85:15 thì số tiền lợi nhuận thực nhận của chủ sở hữu vào khoảng trên 180 triệu đồng mỗi năm.
Khoản lợi nhuận này tương đương khoảng trên 9%/năm trên khoản giá trị đầu tư ban đầu. Mức lợi tức này so với lợi tức trung bình của căn hộ chung cư cao cấp cho thuê tại các thành phố lớn hiện dao động khoảng 4-5,4% là cao gấp đôi.
Tuy nhiên, không phải đầu tư vào dự án căn hộ du lịch nghỉ dưỡng nào cũng đem lại hiệu quả đầu tư tốt như vậy. Thậm chí, nhiều dự án căn hộ du lịch còn đem lại rủi ro lớn cho nhà đầu tư. Đó có thể là những rủi ro pháp lý của dự án, rủi ro về cam kết của chủ đầu tư như trường hợp "vỡ trận" của Cocobay gần đây hay rủi ro thị trường.
Chính vì thế, việc lựa chọn một dự án căn hộ du lịch tốt để đầu tư là một bài toán không hề đơn giản đối với các nhà đầu tư. Nhưng, cũng có thể dựa vào những yếu tố quyết định đến doanh thu và lợi nhuận của việc cho thuê căn hộ như vị trí dự án, chất lượng thiết kế và xây dựng, đơn vị vận hành…
Theo tính toán của những nhà chuyên môn, tỷ suất lợi nhuận của căn hộ du lịch có thể dao động từ 5,4% đến 13,7% tùy theo giá thuê phòng và công suất khai thác.
Do vậy, đầu tư vào căn hộ du lịch đòi hỏi nhà đầu tư phải thông thái, có chuyên môn cao về lĩnh vực khách sạn du lịch. Đồng thời, hiểu biết về dự án tốt để lựa chọn đúng cho mình những dự án hiệu quả.