Như Báo Người Lao Ðộng đã thông tin, tại kỳ họp thứ 17 HÐND TP HCM khóa IX, trong tờ trình về vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên, nhằm bảo đảm mức dư nợ giai đoạn 2024-2025 của TP trong hạn mức cho phép cũng như đủ điều kiện triển khai dự án đầu tư, UBND TP đã đề xuất 3 phương án. Trong đó, có phương án kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách TP HCM được hưởng theo phân cấp giai đoạn 2021-2025 là 24%, đến giai đoạn 2026-2030 tăng lên 33%. Đề xuất này nhận được sự đồng tình cao của nhiều chuyên gia kinh tế, đại biểu Quốc hội.
TP HCM cần tăng ngân sách giữ lại để bảo đảm triển khai các dự án đầu tư, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông, giải quyết nạn kẹt xe. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Chuyên gia kinh tế, TS LÊ ĐĂNG DOANH:
18% là quá thấp, không tương xứng
Cần thiết phải tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP HCM, bởi tỉ lệ để lại 18% như hiện nay là quá thấp, không tương xứng với nhu cầu đầu tư hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực cho một TP đầu tàu.
Tôi ủng hộ nhu cầu tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Tôi cũng rất hiểu TP đã cẩn trọng đề xuất mức tăng dần theo lộ trình để phù hợp với mục tiêu từng thời kỳ. Tuy nhiên, con số tăng bao nhiêu là hợp lý thì cần tham khảo thêm ý kiến của Bộ Tài chính, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội để bảo đảm hợp lý theo hướng ủng hộ nhu cầu phát triển của TP nhưng không dẫn đến hụt hẫng ngân sách. Đồng thời, cần giải trình được ngân sách trung ương sẽ xử lý thế nào đối với nhu cầu của các địa phương.
Ông CAO THANH BÌNH, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM:
Khó khăn cân đối nguồn vốn
Với tỉ lệ ngân sách được giữ lại 18% như hiện nay, TP HCM gặp nhiều khó khăn. Mặc dù TP HCM đã nỗ lực rất nhiều nhưng cân đối nguồn vốn vẫn không bảo đảm. Nhu cầu vốn của TP giai đoạn 2016-2020 là 330.000 tỉ đồng nhưng chỉ cân đối được 150.000 tỉ đồng, rất khó cho TP để đầu tư, phát triển. Việc đề xuất tăng tỉ lệ để lại tổng ngân sách cho TP từ 18% lên 33% theo lộ trình cụ thể trong vòng 10 năm là phù hợp, giúp TP có đủ khả năng cân đối ngân sách để phát triển hạ tầng giao thông, công trình trọng điểm, bảo đảm an sinh xã hội và các hoạt động khác, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước.
Tôi rất mong các vị đại biểu Quốc hội, cơ quan bộ, ngành trung ương hỗ trợ, đồng thuận, ủng hộ kiến nghị của TP HCM, để TP có nguồn vốn hơn nữa để đầu tư, phát triển.
Ông HOÀNG VĂN CƯỜNG, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội:
Xem xét trong chiến lược tổng thể
Việc TP HCM kiến nghị điều chỉnh tỉ lệ điều tiết ngân sách từ 18% lên 33% theo lộ tình cần phải xem xét trong chiến lược tổng thể của quốc gia theo từng giai đoạn, thời kỳ để ổn định ngân sách. Theo đó, nếu như chiến lược chung tới đây mà chúng ta thấy rằng những công trình trọng điểm quốc gia, những công trình có tính chất vùng, liên vùng không phải tập trung đầu tư thì sẽ tăng phần đầu tư chi tiết cho địa phương, sẽ thực hiện tăng phần giữ lại cho địa phương.
Việc đầu tư cho cơ sở hạ tầng tốt hơn không chỉ nằm trong nội bộ TP HCM, mà phải nằm trong tổng thể cả vùng kinh tế trọng điểm Nam Bộ. Trong việc phân bổ ngân sách, cần tính toán đầu tư hạ tầng đó cho riêng TP HCM hay để phát triển cả vùng kinh tế. Nếu cần thiết phải đầu tư hạ tầng cho cả vùng, trong đó bao gồm cả TP HCM thì phải điều tiết nguồn đầu tư tập trung. Còn trong trường hợp hạ tầng của vùng đã đồng bộ, đã đủ điều kiện kết nối rồi thì tăng nguồn phân cấp cho TP HCM để đầu tư cho địa phương này.
Ông PHẠM PHÚ QUỐC, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM):
Mục tiêu "vì cả nước"
Một trong những cơ sở thực tiễn tờ trình của UBND TP HCM về đề xuất nâng tỉ lệ điều tiết ngân sách của TP theo lộ trình lên mức 33% vào năm 2030 (hiện nay là 18%) là do mỗi năm, TP tăng 1 triệu dân cơ học, kéo theo các nhu cầu liên quan về y tế, giáo dục, giao thông, hạ tầng, an sinh xã hội, công ăn việc làm. Ngoài ra, khi đề xuất, TP cũng căn cứ vào những quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội nói chung và hạ tầng nói riêng, nhất là những vấn đề lớn như ngập nước, kẹt xe và gần đây nhất là vấn đề môi trường như khói, bụi, sụt lún...
Để hoàn thiện được những quy hoạch, chiến lược nêu trên, đòi hỏi phải có một nguồn lực tài chính. Thường trực Thành ủy, Thường vụ Thành ủy, UBND TP và HĐND đã có những cơ sở thẩm định để đưa ra con số đề xuất tỉ lệ điều tiết 33% cho TP. Theo tôi, đây là đề xuất phù hợp với các nghị quyết của Bộ Chính trị trước đây liên quan tới TP HCM theo hướng tăng chứ không giảm ngân sách.
Chúng ta nên thống nhất quan điểm: Địa phương nào có thể tạo được động lực kinh tế, tạo được ngân sách mới nhờ hiệu quả trên đồng vốn đầu tư cao thì nên được quan tâm. TP HCM có ICOR (hệ số sử dụng vốn) thấp, tức hiệu quả đầu tư cao, so với mức bình quân cả nước. Tôi xin ví von như trong một gia đình có nhiều người con, người nào giỏi kinh doanh thì nên giao tiền cho họ, người giỏi sản xuất thì giao nhà xưởng, giỏi về nông nghiệp thì giao đất đai. TP HCM chính là "người con giỏi kinh doanh", có thể đầu tư để tiền tạo ra tiền, là động lực để phát triển, tái tạo ngân sách. Do vậy, việc tăng điều tiết ngân sách cho TP còn được coi là động thái điều hành mang tầm vĩ mô bởi đầu tư cho TP chính là tạo được nguồn thu lớn cho quốc gia sau này.
Mặt khác, nhiều tập đoàn kinh tế, tổ chức tài chính, định chế tài chính đều muốn đầu tư vào TP HCM vì TP đã định hình nền kinh tế thị trường, tạo được môi trường kinh doanh và chi phí đầu tư thấp. Cũng từ những yếu tố khách quan nội tại nên TP rất cần nguồn lực để bảo đảm được chuyện an sinh xã hội, đầu tư, hạ tầng cơ sở.
TP HCM từ rất nhiều năm qua đã làm, đã chứng minh được mục tiêu "vì cả nước". Xin tăng điều tiết ngân sách không phải chỉ lo cho dân TP, dù bản chất ngân sách nhà nước phục vụ cho người dân là ý nghĩa cao nhất. Đề xuất từng bước tăng tỉ lệ ngân sách giữ lại theo từng giai đoạn thể hiện TP chia sẻ với ngân sách nhà nước, tính toán nguồn lực phù hợp, tương ứng với kế hoạch đầu tư công trung hạn. Sau này, những mục tiêu lớn hơn, đô thị trong đô thị sẽ cần tỉ lệ điều tiết lớn hơn.
Giao dự toán thu quá cao
Theo báo cáo của UBND TP HCM, trong năm 2019, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 412.474 tỉ đồng, đạt 103,34% dự toán và tăng 9,01% so với năm trước. Nếu không tính số Bộ Tài chính ghi thu cho ngân sách TP thì ước thực hiện thu nội địa đạt 91,53% dự toán. Đặc biệt, đối với số thu từ khu vực kinh tế, mặc dù ngay từ đầu năm, TP đã triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp để hỗ trợ, phát triển kinh tế nhằm nuôi dưỡng, huy động nguồn thu, kết quả thu tăng 8,93% so với cùng kỳ song vẫn không đạt dự toán được giao, chỉ đạt hơn 90% dự toán. Nguyên nhân của thực trạng này được cho là do trung ương giao dự toán thu từ khu vực kinh tế tăng quá cao so với thực hiện năm 2018 (tăng 20,97%), vượt quá khả năng huy động nguồn thu trên địa bàn.