Năm 2007, đó là khi nền kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng ở mức 14% mỗi năm. Tại Đại học Nam Kinh ở miền đông Trung Quốc, Chen Yang, một sinh viên chuyên ngành tài chính, chỉ còn một năm nữa là tốt nghiệp. Các bạn cùng lớp của anh hầu hết đều định hướng sẽ vào ngành ngân hàng và môi giới chứng khoán - những công việc có liên quan đến thị trường chứng khoán đang rất "hot" ở thời điểm ấy. Tuy nhiên, tại buổi thuyết trình cho tuyển dụng tại trường, một trader đã truyền cảm hứng cho Chen theo một hướng khác: trái phiếu.
Chen ghi nhận lời khuyên và cứ thế anh tiếp tục chèo thuyền cùng "con sóng nợ" ngày càng lớn hơn so với những gì anh dự đoán. Từ mức tương đương 1,7 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2007, thị trường trái phiếu của Trung Quốc đã tăng vọt lên 13 nghìn tỷ USD vào năm ngoái.
Thị trường trái phiếu "nở rộ"
Hiện tại, khi đã 37 tuổi, Chen đảm nhiệm vị trí đứng đầu mảng đầu tư trái phiếu của Công ty Chứng khoán Thượng Hải (Shanghai Securites). Anh nói: "Trong những năm đầu tiên 'chân ướt chân ráo' vào nghề, tôi cần sự cho phép của sếp để thực hiện một giao dịch hơn 30 triệu NDT. Còn bây giờ, chúng tôi thường xuyên thực hiện các giao dịch với hàng trăm triệu NDT."
Nhu cầu đi vay bùng nổ khắp nơi, bao gồm doanh nghiệp nhà nước, cơ quan chỉnh phủ và các công ty tư nhân. Trong khoảng thời gian đó, số lượng nhà đầu tư nước ngoài cũng ngày một tăng. Từ giữa năm 2015, các nhà hoạch định chính sách đã liên tục giảm bớt những rào khi tiếp cận thị trường Trung Quốc, đây là một nỗ lực nhằm giảm áp lực đối với tỷ giá hối đoái NDT do giới nhà giàu mang tiền ra nước ngoài.
Chen Yang.
Hiện tại, thị trường nước này đã chứng kiến tỷ lệ vỡ nợ cao ở mức kỷ lục, khởi đầu cho việc định hình lại cách thức định giá đối với nợ. Ở những quốc gia đã phát triển, thường thì người đi vay phải trả các mức lãi suất khác nhau dựa trên uy tín tín dụng của họ. Còn ở Trung Quốc, trong nhiều năm trời, chính phủ đã bảo lãnh cho hầu hết các khoản vay, bởi nếu công ty đi vay sụp đổ thì những bất ổn và mối nguy cho xã hội sẽ xuất hiện, ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống.
Do đó, một thập kỷ trước, đặt cược vào trái phiếu đồng nghĩa với việc đặt cược vào nền kinh tế vĩ mô của Trung Quốc. Nếu bạn cho rằng ngân hàng trung ương sẽ tăng lãi suất, bạn sẽ yêu cầu mức lợi suất cao hơn và ngược lại. Còn bây giờ, đề cập đến trái phiếu doanh nghiệp, Chen nói: "Chúng tôi thực sự cần phải khai thác sâu hơn để tiết lộ những rủi ro về tín dụng cá nhân."
Vấn đề của "khuôn mẫu" hồi đó chính là rủi ro đạo đức rất lớn. Sau khi Trung Quốc áp dụng "làn sóng" tín dụng cao kỷ lục vào cuối năm 2008 để đối phó với những ảnh hưởng của sự suy thoái toàn cầu, thì các nhà hoạch định chính sách đã đưa ra cảnh báo về dòng vốn chảy vào các dự án sẽ không đem lại hiệu quả kinh tế.
Động thái của họ thay đổi rõ ràng theo thời gian, với số vụ vỡ nợ khá hạn chế vào đầu năm 2014. Chính quyền đã áp đặt những quy định cực kỳ nghiêm ngặt đối với ngành tín dụng đen. Năm 2018, khoản nợ 119,6 tỷ NDT đã xuất hiện, cao gấp 4 lần so với con số của năm trước.
Công ty đi vay không hiệu quả và "nhiều tuổi" như Dongbei Special Steel Group nằm trong số những "nạn nhân". Dongbei đã phải chật vật trong một ngành công nghiệp bị ảnh hưởng bởi dư nợ và tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm chạp. Công ty bắt đầu đối mặt với thảm hoạ vỡ nợ trên một loạt trái phiếu vào tháng 3/2016, không lâu sau khi chủ tịch qua đời do treo cổ tự tử. Năm sau đó, khi Dongbei đồng ý với kế hoạch giải quyết với các chủ nợ, đó là lần đầu tiên họ thực hiện một thoả thuận để làm giảm bớt phần nào khoản nợ, giao bán các tài sản. Kết quả là, giá trị của Dongbei mất tới 78%.
Dongbei chỉ là một trong hàng chục công ty ở trong tình trạng vỡ nợ khi Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc quyết tâm giảm nợ trong toàn bộ nền kinh tế. Khi các cơ quan quản lý của Trung Quốc đưa ra một tuyên bố chung vào tháng 12 để kêu gọi giải quyết nhanh chóng "đống" nợ của các công ty "xác sống", thì rõ ràng rằng chiến dịch trên chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Dẫu vậy, có một điều bất ngờ xảy ra vào tháng 2, Qinghai Provincial Investment Group - một tập đoàn luyện nhôm, đã không thể thanh toán trái tức cho các nhà đầu tư, giá trị tổng số trái phiếu mà tập đoàn này đã đi vay là 300 triệu USD. Đây chính là "báo động đỏ" cho năm nay, một năm với nhiều căng thẳng hơn.
Cánh cửa mới mở ra cho các công ty xếp hạng tín dụng nước ngoài
Sau khi tốt nghiệp đại học, Chen nghĩ rằng việc gia nhập một công ty địa phương sẽ cho anh nhiều cơ hội phát triển hơn là làm việc tại một ngân hàng nước ngoài. Anh bắt đầu công việc của mình tại Bank of Communication, là 1 trong 4 nhân viên giao dịch trái phiếu - đây là một trong những nhà cho vay lớn thuộc sở hữu nhà nước ở Trung Quốc.
Đó là những ngày việc chính phủ bảo lãnh cho các khoản nợ gần như rất phổ biến. Sự thay đổi dần dần đến. Thậm chí ở hiện tại, các quan chức chính quyền địa phương và trung ương đôi lúc cũng tìm mọi cách để giúp những người đi vay tránh tính trạng vỡ nợ, nhưng các nhà đầu tư ngày càng gặp nhiều khó khăn. Chen nói: "Điều này là sự thật. Đó không chỉ là việc bạn cắt lỗ và có thể trở lại đầu tư, mà đó là khoản đầu tư gốc của bạn bị cắt giảm."
Chen và cả công ty đều phải "sống chung" với một thực tế mới của lĩnh vực kinh doanh trái phiếu. Anh phải dành một khoảng thời gian để đánh giá rủi ro, dù trước đây là thực hiện giao dịch. Anh chia sẻ: "Tôi cũng cần phải đi công tác để thăm một số công ty, để tự mình thẩm tra về doanh nghiệp."
Ở những thị trường có ngành công nghiệp xếp hạng tín dụng hoạt động hiệu quả thì những hoạt động đánh giá rủi ro như nhóm của Chen có thể sẽ được hỗ trợ. Nhưng, các mức xếp hạng được những công ty lớn trong nước đưa ra có chút tương đồng với các công ty ở thị trường phát triển. Theo Bloomberg, hơn 40% trái phiếu doanh nghiệp Trung quốc được xếp hạng AAA bởi 4 công ty địa phương, tuy nhiên theo xếp hạng của Mỹ, chỉ có 2% lọt vào danh sách này.
Chen Yang tại văn phòng ở Thượng Hải.
Vì vậy, không có gì bất ngờ khi nhiều nhà đầu tư tự phân tích, cũng như các nhà quản lý quỹ quốc tế làm việc riêng lẻ để hỗ trợ cho nghiên cứu của 3 công ty xếp hạng lớn nhất thế giới. Công ty của Chen đã tuyển dụng một nhà phân tích tín dụng đầu tiên vào năm 2017, 1 người vào năm ngoái và 2 người mới hồi tháng 1. Anh cho biết mục tiêu của công ty là tuyển dụng người thứ 5 vào cuối năm nay. Ngoài ra, Shanghai Securities gần đây cũng ra một mắt hệ thống đánh giá rủi ro mới. Thống đốc POBC, Pan Gongsheng, nhận định: "Những điều này rất tốt đối với sự phát triển lâu dài và lành mạnh của thị trường trái phiếu Trung Quốc."
Ý tưởng về việc trở thành một nhà đầu tư trái phiếu, một người có thể áp đặt kỷ luật đối với những người đi vay, đã "hối thúc" Chen. Anh nói: "Tình trạng vỡ nợ gia tăng đối với các doanh nghiệp tư nhân là hình ảnh phản chiếu của các uỷ viên trật tự công trái."
Theo tinh thần đó, năm 2017 chính phủ Trung Quốc cho biết họ sẽ cho phép các công ty xếp hạng tín dụng nước ngoài thành lập các chi nhánh trên đại lục. S&P Global Ratings đã nắm bắt cơ hội và nhanh chóng tuyển dụng 30 nhà phân tích cho văn phòng Bắc Kinh hồi cuối tháng 1.
Tuy nhiên, khi kỷ luật thị trường bắt đầu áp dụng đối với thị trường trái phiếu Trung Quốc, Chen phải cố gắng cân bằng giữa nhu cầu doanh nghiệp và những sở thích của mình. Anh chia sẻ, anh thích đọc sách về lịch sử thế giới và triết học. Thành công trong thị trường trái phiếu giúp anh có những chuyến đi nước ngoài, anh đã đặt chân đến hơn 40 quốc gia từ năm 2008.
Nếu đầu tư chứng khoán, thì tôi sẽ có nhiều tiền hơn, Chen chia sẻ. Nhưng sau đó anh cho biết mình "đắm chìm" vào nơi đã đặt trọn trái tim: "Khi đứng ở ngã ba đường, tôi không thể biết được ngã rẽ nào sẽ đưa mình đến nơi tốt hơn. Dù sao thì tôi cũng tự hào về công việc của mình."