Những ngày đầu năm mới đang diễn ra hết sức tích cực với TTCK Việt Nam. Tính tới hết phiên giao dịch 20/3, chỉ số VnIndex đã lên sát mốc 1.160 điểm và chỉ còn cách đỉnh lịch sử năm 2007 một chút ít. So với đầu năm, VnIndex hiện đã tăng gần 18% và là chỉ số chứng khoán tăng trưởng mạnh nhất Thế giới.
Sự bứt phá ấn tượng của thị trường thời gian qua đã đem lại niềm vui không nhỏ cho giới đầu tư. Tuy vậy, vẫn có không ít nhà đầu tư nếm phải "trái đắng" trong Uptrend, thua lỗ nặng nề do những doanh nghiệp họ đầu tư đều có biến cố bất ngờ khiến cổ phiếu giảm sàn liên tiếp. Đáng chú ý, không ít doanh nghiệp trong đó được đánh giá khá cơ bản nhưng vẫn mang lại nỗi buồn cho những nhà đầu tư kém may mắn.
Chiếu xạ An Phú (APC) và chuỗi giảm sàn liên tục sau tin phát hành với giá "rẻ như cho"
Năm 2017, APC được coi là hiện tượng trên TTCK Việt Nam khi cổ phiếu tăng giá 4 lần từ 20.000 đồng lên 80.000 đồng. Hoạt động trong lĩnh vực chiếu xạ giàu tiềm năng, là doanh nghiệp có thị phần lớn nhất với tỷ suất lãi gộp top đầu TTCK Việt Nam, không khó hiểu khi giới đầu tư đặt nhiều niêm tin vào doanh nghiệp này.
Dù vậy, những ngày đầu tháng 3, cổ đông APC đã bất ngờ bị "đánh úp" khi doanh nghiệp công bố kế hoạch phát hành tăng vốn gấp rưỡi cho cổ đông chiến lược với giá chỉ bằng ¼ thị giá cổ phiếu khi đó. Đây là điều rất khó hiểu khi mức giá phát hành này "rẻ như cho" và ngoài ra, thông tin về đối tác chiến lược này cũng rất mập mờ khi chỉ mới thành lập được vài tháng tại Singapore.
Bên cạnh đó là những tham vọng xây dựng nhà máy mới, trung tâm nghiên cứu hàng nghìn tỷ đồng đã khiến giới đầu tư lo ngại về tính khả thi của dự án.
Những yếu tố trên đã khiến giới đầu tư tháo chạy khỏi APC và cổ phiếu này có chuỗi 7 phiên giảm sàn liên tiếp. Chỉ sau vài phiên, tài khoản nhiều nhà đầu tư đã "bay hơi" gần 50% giá trị vì APC giảm giá.
APC từng được đánh giá là cổ phiếu có cơ bản tốt
Sau khi nhân phải nhiều ý kiến từ cổ đông, tại ĐHCĐ vừa qua, APC đã thay đổi cách thức tăng vốn. Trong đó, ngoài việc giảm một nửa số lượng phát hành cho cổ đông chiến lược, công ty sẽ dành một nửa còn lại cho cổ đông hiện hữu với mức giá 20.000 đồng. Điều này giúp đà giảm của APC tạm thời được chặn lại và cổ phiếu đã có những phiên hồi phục.
CIA bất ngờ mất mặt bằng bán hàng miễn thuế
CIA là doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ phục vụ hành khách tại cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh như ăn uống, bán hàng hóa, dịch vụ vận tải, bán hàng miễn thuế, phục vụ mặt đất, dịch vụ vệ sinh và dịch vụ taxi…Trong đó, nổi bật hơn cả là hoạt động kinh doanh hàng miễn thuế và đây là nguồn thu chủ lực của công ty những năm qua.
Theo báo cáo của CIA, mảng kinh doanh bán hàng miễn thuế đóng góp 79,67% tổng doanh thu riêng của công ty mẹ (theo BCTC riêng đã được kiểm toán năm 2017) và chiếm 59,45% tổng doanh thu hợp nhất theo BCTC hợp nhất kiểm toán năm 2017.
Tuy nhiên, mới đây, CIA đã bất ngờ ra thông báo không thuê được mặt bằng kinh doanh bán hàng miễn thuế tại nhà ga hành khách quốc tế mới T2 tại Cảng hàng không Quốc tế Cam Ranh khi nhà ga này chính thức đi vào hoạt động.
Nguyên nhân, do chủ đầu tư CRTC đã có thỏa thuận hợp tác kinh doanh với một đơn vị khác, do vậy CRTC không bố trí được mặt bằng kinh doanh theo đề nghị của CIA.
Ngay sau thông tin này, cổ phiếu CIA đã có 3 phiên giảm sàn liên tiếp khiến không ít nhà đầu tư thiệt hại nặng nề.
CIA bất ngờ ra thông báo không thuê được mặt bằng
Hùng Vương (HVG) và nỗi lo áp thuế kỷ lục
Những khó khăn của Hùng Vương đã được nói đến trong nhiều năm qua. Từ câu chuyện đầu tư giàn trải, hoạt động kinh doanh chính là cá tra thì gặp khó về vùng nguyên liệu, giá bán, chịu thuế cao cho đến những vấn đề về dòng tiền, nợ vay. Mới đây, Hùng Vương đã phải thoái vốn khỏi công ty hoạt động hiệu quả nhất là Sao Ta (FMC) để giảm nợ vay cho tập đoàn.
Tính đến ngày 31/12/2017, tổng lỗ lũy kế Hùng Vương đã vượt mức 450,5 tỷ, chiếm gần 20% tổng vốn góp chủ sở hữu. Tổng tài sản đạt 11.877 tỷ; trong đó tài sản ngắn hạn chiếm đến 70% với 8.230 tỷ đồng, song lại bị "giam" tại khoản phải thu ngắn hạn và hàng tồn kho, lần lượt ghi nhận hơn 5.303 tỷ và 2.493 tỷ đồng.
Những ngày gần đây, thông tin Bộ Thương mại Mỹ (DOC) ra quyết định cuối cùng của kỳ xem xét hành chính lần thứ 13 (POR 13) thuế chống bán phá giá cá tra phi lê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam với mức thuế tăng cao nhất từ trước đến nay tiếp tục là đòn giáng nặng nề vào Hùng Vương khi doanh nghiệp này vẫn đang chìm trong khó khăn.
Sau thông tin này, cổ phiếu HVG đã giảm sàn 2 phiên liên tiếp trong tình trạng "trắng bên mua" xuống dưới 5.000 đồng, dù rằng trước đó cổ phiếu này cũng đã giảm rất mạnh.
HVG tiếp tục "đau đầu" vì thuế
Mía đường Sơn La (SLS) giảm sàn sau khi chia cổ tức
SLS là một trong những cổ phiếu tăng trưởng tốt nhất TTCK Việt Nam trong nhiều năm qua. Hoạt động kinh doanh tăng trưởng ổn định là yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của cổ phiếu. Riêng trong giai đoạn 1/10 – 31/12/2017, SLS đạt doanh thu 106 tỷ đồng – gấp 2,7 lần; Lợi nhuận sau thuế 27,5 tỷ đồng – gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, trong 2 phiên giao dịch gần nhất, SLS đều giảm sàn "trắn bên mua" khiến giới đầu tư không kịp trở tay. Đáng chú ý, việc SLS giảm sàn chỉ ngay sau khi doanh nghiệp tiến hành chia cổ tức 20% bằng cổ phiếu.
Bên cạnh đó, lo ngại của ngành đường Việt Nam nói chung còn đến từ hiệp định ATIGA có hiệu lực từ đầu năm 2018. Đường Thái Lan hiện đang rẻ hơn đường Việt Nam từ 8 – 10%. Khi hiệp định này xóa bỏ toàn bộ hạn ngạch và đưa mức thuế nhập khẩu đường trong khu vực của Việt Nam từ 30% về 5%, đường Việt Nam sẽ gặp khó khăn.
SLS liên tiếp giảm sàn "trắng bên mua"