Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công sẽ là chìa khóa cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2021. Tuy nhiên theo phân tích trên tờ Nhịp cầu đầu tư, động lực tăng trưởng lớn nhất này đang đứng trước rủi ro dịch bệnh và "cơn bão" giá vật liệu xây dựng.
Thực tế, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm nay, vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước giải ngân đạt gần 99.000 tỷ đồng, bằng 21,5% kế hoạch năm và tăng 16,3% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng này được đánh giá là cao nhất giai đoạn 2017 - 2021, nhưng so với kế hoạch năm còn khá thấp.
Động lực tăng trưởng lớn nhất là đầu tư công đang đứng trước rủi ro dịch bệnh và "cơn bão" giá vật liệu xây dựng. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Đặc biệt, đầu tư công có nguy cơ đình trệ trước đà tăng phi mã tới hơn 40% của giá thép và các vật liệu xây dựng khác khiến nhiều dự án đầu tư công phải dừng thi công do đội vốn xây dựng.
Trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do COVID-19. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, kịp thời tháo gỡ vướng mắc của từng dự án, khả năng giải ngân vốn nước ngoài nguồn ngân sách trung ương năm 2021 sẽ không có chuyển biến, thậm chí có thể thấp hơn năm 2020.
Đề xuất Quỹ bình ổn thép là phi thị trường
Trong buổi làm việc mới đây với các doanh nghiệp ngành thép, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất cân nhắc việc hình thành Quỹ bình ổn giá thép trong tương lai, tạo cơ sở để giữ được ổn định thị trường thép. Tuy nhiên, tờ Diễn đàn Doanh nghiệp dẫn lời các chuyên gia kinh tế lại cho rằng, việc này đi ngược với quy luật thị trường và không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép gần đây.
Như đại diện một doanh nghiệp thép đặt ra băn khoăn về nguồn hình thành quỹ này và đặc biệt khi các doanh nghiệp có mức giá riêng thì sẽ lấy giá nào để tham chiếu.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng đề xuất lập Quỹ bình ổn giá thép là đi ngược với quy luật thị trường và không phù hợp với bản chất nguyên nhân làm biến động giá thép gần đây. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, biến động giá thép do nhiều nguyên nhân, cả trong và ngoài nước, trong đó có vấn đề về phôi thép, nhu cầu và đột biến về chi phí vận tải. Quỹ bình ổn không phù hợp với các nguyên nhân gây ra bất ổn về giá thép.
Còn theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, hiện với ngành thép, việc cạnh tranh đã đầy đủ và không có đơn vị nào chiếm thế độc quyền. Nếu lập Quỹ bình ổn giá sẽ vi phạm các cam kết quốc tế chưa kể trái Luật Ngân sách và thể chế định giá trong nền kinh tế thị trường.
Lãi suất tăng - giảm trái chiều, ngân hàng nhỏ "căng" thanh khoản
Lãi suất liên ngân hàng và lãi suất tiền gửi ở một số ngân hàng bắt đầu tăng nhẹ, nhưng chủ yếu xuất phát từ nhu cầu thanh khoản của một số ngân hàng nhỏ. Tờ Đầu Tư dẫn lời đại diện Agribank cho rằng, mức tăng này là hợp lý vì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng trước đây quá thấp.
Còn theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần, tín dụng tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2020 đến nay khiến một số ngân hàng nhỏ rơi vào tình trạng cho vay chạm trần về chỉ số cho vay/huy động (LDR) khiến một số ngân hàng nhỏ có tình trạng "căng" thanh khoản.
Đồng tình với quan điểm này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất tăng nhẹ là do thanh khoản của hệ thống không còn quá dư thừa như năm 2020, tín dụng tăng mạnh so với cùng kỳ, trong khi huy động vốn không tăng cùng tốc độ.
Bên cạnh đó, hiện tượng tăng lãi suất không phải là xu hướng, mà chỉ là động thái cục bộ ở một số ngân hàng. Mặt bằng lãi suất vẫn ổn định trong vài quý tới và chỉ có khả năng tăng nhẹ vào cuối năm, nếu tín dụng tăng mạnh.