"Tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội, tương đương 11,6% GDP, đã nhường rất nhiều dư địa đầu tư cho các thành phần kinh tế khác", Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đánh giá về đầu tư công 3 năm qua.
Lần đầu tiên, Chính phủ xây dựng được kế hoạch đầu tư công trung hạn cho giai đoạn 2016- 2018 và đây là thời điểm đánh giá giữa kỳ về kế hoạch này. Theo ông Phùng Quốc Hiển, công tác kế hoạch hóa đã được nâng lên và có nhiều đổi mới. Kỷ luật, kỷ cương tài chính về đầu tư công đã đi vào nền nếp, mặc dù giải ngân còn khó khăn nhưng cũng thể hiện sự thận trọng hơn, chặt chẽ hơn trong quản lý đầu tư công.
Khắc phục dần tình trạng cắt khúc
Cũng theo Phó chủ tịch Quốc hội, hiệu quả đầu tư của toàn bộ nền kinh tế nói chung và đầu tư công nói riêng đã được cải thiện một bước, bước đầu khắc phục được tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư chưa phù hợp, thậm chí tùy tiện, không căn cứ vào khả năng cân đối vốn, giảm được nợ đọng xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ vốn ứng trước và khắc phục được tình trạng phân bổ hàng năm.
Cơ cấu chi ngân sách cho đầu tư phát triển có bước chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển từ ngân sách các năm 2016-2018 tăng lên mức 26-27%, vượt mục tiêu đặt ra là 25-26%.
Cơ cấu đầu tư giữa các ngành, lĩnh vực được điều chỉnh phù hợp hơn. Hiệu quả vốn đầu tư toàn xã hội bước đầu tăng lên, hệ số ICOR giảm từ 6,36 của giai đoạn 2011-2014 xuống còn 6,11 trong giai đoạn 2015-2017.
Xét trên tổng thể, việc phân vốn đầu tư công về cơ bản đã tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức và thực hiện theo từng thứ tự ưu tiên trong phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020, góp phần khắc phục dần tình trạng không cân đối được nguồn vốn, bị động, đầu tư cắt khúc như trước đây. Nhưng, bên cạnh những kết quả đạt được cũng còn bộc lộ một số vấn đề.
"Việc cân đối nguồn lực mới chỉ bảo đảm 53% nhu cầu. Việc lựa chọn trật tự ưu tiên, hoàn thiện các thủ tục đầu tư còn nhiều bất cập và cũng còn kéo dài, phân bổ còn chậm và chưa kịp thời. Việc bố trí nguồn vốn chưa hợp lý, như vốn vay ODA dự kiến 300.000 tỷ đồng nhưng nay đã đề nghị lên 360.000 tỷ đồng. Việc điều chỉnh kế hoạch cũng có những mặt chưa kịp thời và cũng còn nhiều vướng mắc", ông Hiển nhận định, "có thể nói, kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực xây dựng cơ bản chưa thực sự nghiêm".
Với tinh thần ghi nhận nỗ lực và chia sẻ với nỗi khó khăn của Chính phủ trong điều hành lĩnh vực này, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với một loạt đề nghị của Chính phủ về việc sẽ trình Quốc hội điều chỉnh nâng "trần" vay ODA từ 300 nghìn tỷ đồng lên 360 nghìn tỷ đồng.
Việc này nhằm đáp ứng yêu cầu giải ngân cũng như những hiệp định đã ký kết, kể cả những hiệp định ODA đã ký kết và nằm trong kế hoạch đầu tư công, cũng như những hiệp định đã ký nhưng chưa nằm trong kế hoạch đầu tư công và những hiệp định dự kiến sẽ ký kết, nhưng đúng thời hạn tốt nghiệp ODA để bảo đảm có lãi suất hợp lý nhất sẽ đưa vào kế hoạch lần này để Quốc hội quyết định.
Trình Quốc hội giảm nguồn vốn cho các công trình trọng điểm quốc gia từ 80 nghìn tỷ đồng xuống 70 nghìn tỷ đồng. Dành 10 nghìn tỷ đồng này bố trí cho công trình biến đổi khí hậu, sạt lở bờ biển và một số dự án quan trọng khác...
Tuyệt đối không để vượt trần
Báo cáo tóm tắt đánh giá giữa kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 lên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra, tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của Nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội.
Cơ cấu vốn đầu tư công dịch chuyển theo hướng phù hợp hơn với các định hướng đầu tư trong giai đoạn 2016-2020, trong đó, cơ cấu đầu tư các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học, công nghệ, y tế, nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, lĩnh vực hạ tầng chiếm tỷ trọng ngày càng cao. Hiệu quả đầu tư toàn nền kinh tế bước đầu tăng lên, việc sử dụng vốn đầu tư xã hội nói chung và đầu tư công nói riêng được cải thiện...
Thẩm tra về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, qua 3 năm thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn các cấp, các ngành đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, giám sát chặt chẽ, công khai và minh bạch hơn, góp phần hạn chế đầu tư dàn trải, tùy tiện.
Việc cân đối tổng thể nguồn lực đầu tư công trong giai đoạn 5 năm 2016-2020 được xác định rõ ràng, tạo chủ động cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương trong cân đối nguồn lực và huy động các nguồn vốn khác cho đầu tư phát triển.
Tuy nhiên, ông Hải lưu ý, do tiến độ phân bổ, giao kế hoạch vốn chậm, áp lực cân đối nguồn vốn trong 2 năm 2019, 2020 là rất lớn, khó có khả năng hoàn thành kế hoạch đặt ra và sẽ phải chuyển một phần vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 sang giai đoạn sau.
Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội đề nghị việc phân bổ phải đảm bảo các nguyên tắc cân đối được nguồn lực toàn giai đoạn, tuyệt đối không để vượt trần 2.000.000 tỷ đồng, giữ vững bội chi, an toàn nợ công.