Theo đó, 4 dự án bao gồm: Dự án tổ hợp bôxit - alumin - nhôm Đắk Glong; 7 dự án điện gió thuộc H.Tuy Đức, H.Đắk Song và H.Đắk Glong; Kho công nghiệp Nhân Cơ 2; Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng tại TP.Gia Nghĩa.
Công ty cổ phần Tập đoàn Việt Phương tài trợ tỉnh Đắk Nông 1,2 triệu USD thuê tư vấn nước ngoài về tư vấn chiến lược quy hoạch tỉnh - Ảnh: baodaknong.gov.vn.
Dự án tổ hợp bô xít - alumin - nhôm Đắk Glong có tổng diện tích 600 ha nằm trên địa bàn H.Đắk Glong, quy mô 2 triệu tấn alumin/năm; 600.000 tấn nhôm/năm. 7 dự án điện gió nằm trên địa bàn H.Tuy Đức, H.Đắk Song và H.Đắk Glong có tổng công suất là 690 MW. Khu công nghiệp Nhân Cơ 2, diện tích 400 ha tại xã Nhân Cơ, H.Đắk R’lấp. Tổ hợp khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng có quy mô 30 lô biệt thự, trung tâm hội nghị, trung tâm thương mại tọa lạc tại TP.Gia Nghĩa.
Theo tính toán của doanh nghiệp, 4 dự án triển khai trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mang lại giá trị kinh tế và an sinh xã hội rất lớn, giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động. Riêng dự án tổ hợp bôxít - alumin- nhôm Đắk Glong và 7 dự án điện gió khi đi vào hoạt động sẽ mang lại lợi nhuận cho Tập đoàn khoảng 5.100 tỷ đồng/năm, nộp ngân sách địa phương 2.100 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Đắk Nông.
Trước đó, hồi cuối tháng 2 vừa qua, Việt Phương Group cũng muốn đầu tư 3.000 tỷ đồng để làm một loạt dự án tại tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Việt Phương Group muốn khảo sát, lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất vật liệu Cristobalite quy mô 6 ha, tại KCN Tam Thăng 2.
Vì vậy, Việt Phương Group muốn được giới thiệu địa điểm để nghiên cứu, khảo sát, tiến tới thu hồi và tận thu vùng nguyên liệu cát trắng, đá thạch anh với trữ lượng 30 - 40 triệu tấn. Tổng vốn đầu tư dự án dự kiến khoảng 1.500 tỷ đồng; Nhà máy chế biến cát silic, bột oxit silic ít sắt chất lượng cao quy mô 10 ha, tổng vốn đầu tư dự kiến 350 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Việt Phương Group còn đề nghị nghiên cứu, khảo sát, lựa chọn địa điểm xây dựng Bến cảng chuyên dụng và khu hậu cần tại Khu công nghiệp hậu cần Cảng Tam Hiệp diện tích 100 ha, quy mô dự kiến 1 - 2 cầu cảng, đáp ứng tàu tải trọng 20.000-50.000 DWT. Tổng mức đầu tư dự kiến cho dự án trên là 1.200 tỷ đồng.
Tiền thân của Việt Phương Group là Công ty TNHH Thương mại Đầu tư và Du lịch Việt Phương được thành lập vào năm 1996 hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản và vận tải hành khách công cộng, sau đó mở rộng hoạt động sang lĩnh vực khai thác khoáng sản, sản xuất và chế biến gỗ, bia và đồ uống…
Năm 2001, Tập đoàn chính thức thành lập công ty Yedco tại tỉnh Khăm Muộn nước CHDCND Lào, mở đầu cho các dự án đầu tư ở nước ngoài. Các dự án khác của Việt Phương Group trong giai đoạn này tiêu biểu như: dự án khu Sontra Resort & Spa với tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng; dự án Khu tổ hợp du lịch Ngọn Hải Đăng với tổng vốn đầu tư 600 tỷ đồng; dự án thành lập công ty Hòn Ngọc Á Châu với tổng vốn 1.400 tỷ đồng; đầu tư thành lập Công ty sản xuấ & Lắp ráp Ôtô Chu Lai Trường Hải với tổng vốn 1.400 tỷ đồng; đầu tư công ty Bia Á Châu và Habada với tổng vốn 160 tỷ đồng…
Đối với lĩnh vực năng lượng, Việt Phương Group sở hữu một danh mục các dự án thủy điện đáng nể, có thể kể tới như: Thủy điện Nậm Be (Tân Uyên, Lai Châu); Thủy điện Tà Niết (Mộc Châu, Sơn La); Thủy điện Mường Mươn và Thủy điện Huổi Vang (Mường Chà, Điện Biên); Thủy điện Chấn Thịnh (Văn Chấn, Yên Bái), Thủy Điện A Vương 3 và 5 (Đông Giang, Quảng Nam).
Việt Phương Group sở hữu một danh mục các dự án thủy điện đáng nể.
Bên cạnh đó, Việt Phương Group còn ghi dấu tại Công ty CP Đầu tư Năng lượng Trường Thịnh (HoSE: TTE), chủ sở hữu nhiều dự án thủy điện nhỏ ở Tây Nguyên như: Tà Vi, Đăk Bla 1, Đăk Ne, Đăk Pia.
Không những thế, hình bóng của Việt Phương Group còn ẩn sau các cổ đông sáng lập của Công ty CP Đầu tư HLP (HLP Invest), chủ đầu tư siêu dự án phong điện Cổ Thạch có tổng mức đầu tư 4,4 tỷ USD từng gây xôn xao dư luận.
Tuy nhiên, tại 2020, UBND tỉnh Bình Thuận cho biết vẫn chưa đồng ý cho HLP Invest nghiên cứu dự án theo đề xuất, do trước đó, có nhiều ý kiến về năng lực yếu kém của chủ đầu tư. Được biết, HLP Invest là công ty được thành lập ngày 27/9/2017, có vốn điều lệ chỉ 3 tỷ đồng, đăng ký hoạt động trong lĩnh vực truyền tải và phân phối điện. Theo cập nhật tại đăng ký kinh doanh đến cuối năm 2019, HLP Invest có 7 cổ đông sáng lập gồm: ông Nguyễn Mạnh Cường (38%), ông Trần Văn Hải (10%), bà Đỗ Thu Trang (7%), ông Nguyễn Như Nam (3%), ông Bùi Xuân Huy (3%), bà Phạm Thị Đông (2%) và bà Nguyễn Thị Ngọc Hoa (2%).
Doanh nghiệp này có công ty con là Công ty Cổ phần điện gió HLP Quảng Trị và 3 công ty liên kết gồm: Công ty Cổ phần Điện mặt trời Hòa Phú I, II, Công ty Cổ phần RE Lâm Đồng. HLP Invest do ông Nguyễn Mạnh Cường làm giám đốc kiêm đại diện pháp luật. Đặc biệt, ông Cường cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty HLP Quảng Trị và Điện mặt trời Hòa Phú I, đồng thời là Giám đốc Điện mặt trời Hòa Phú II. Với năng lực tài chính như vậy trong khi đó cụm dự án nhà máy biển Cổ Thạch, do HLP liên doanh cùng Công ty Cổ phần Xây dựng và Thương mại Đông Sơn - Công ty Cổ phần Năng lượng Mirat Việt Nam, lại "đứt gánh" giữa đường chỉ còn lại HLP, thì việc triển khai dự án 4,4 tỷ USD và sự thận trọng của Bình Thuận được dư luận cho là hợp lý. Cũng từ siêu dự án Cổ Thạch, dư luận cũng đặt câu hỏi về tiềm lực tài chính của Tập đoàn đứng sau chủ đầu tư này.
Đối với lĩnh vực khai khoáng, Việt Phương Group sở hữu mỏ cát trắng 406,36 ha tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, công suất từ 0,5 - 1 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thương vụ mua lại Công ty TNHH Vàng Phước Sơn của nhóm Việt Phương Group có phần nổi bật hơn cả. Khi doanh nghiệp này rơi vào tình trạng khó khăn, nhóm Việt Phương Group và Việt Á đã gom mua dần cổ phần, nâng tỷ lệ sở hữu lên 100%.
Liên quan đến hoạt động khai thác mỏ cát trắng tại huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Hồi tháng 11/2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã chỉ ra những sai phạm của doanh nghiệp này. Cụ thể, doanh nghiệp đã cắm mốc ranh giới mỏ ngoài thực địa nhưng quy cách mốc chưa đảm bảo tiêu chuẩn mốc giới hành chính cấp xã theo quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 20 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ do việc cắm mốc thực hiện trước khi nghị định có hiệu lực.
Chưa lắp đặt trạm cân tại vị trí đưa khoáng sản nguyên khai ra khỏi ranh khu vực khai thác và camera giám sát tại các kho chứa để lưu trữ thông tin, số liệu liên quan theo quy định tại Điều 42 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ do mỏ đang tạm ngừng hoạt động khai thác.
Đã thực hiện lập một số sổ sách, biểu mẫu để theo dõi, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế nhưng chưa đúng, chưa đầy đủ các biểu mẫu theo quy định tại thông tư số 61/2017/TT-BTNMT ngày 22/12/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Do đó Thanh tra Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, các cơ quan chức năng của tỉnh theo dõi, đôn đốc giám sát việc khắc phục những tồn tại, vi phạm trong hoạt động khai thác mỏ cát trắng của của Việt Phương Group.