Tiêu thụ điện liên tục tăng
Theo báo cáo của PC Thanh Hóa, năm 2020, điện thương phẩm đạt 5,7 tỷ kWh (tương ứng tăng 945,72 triệu kWh), vượt chỉ tiêu kế hoạch thương phẩm kế hoạch 5 năm 2016-2020, với tốc độ bình quân là 13,99%/năm, mức tăng bình quân hàng năm là 621 tr.kWh/năm.
Năm 2021, sản lượng điện thương phẩm của PC Thanh Hóa đạt 6,53 tỷ kWh, tăng 13,54% so với năm 2020, đạt 106,7% kế hoạch EVNNPC giao đầu năm và bằng 98,66% so với kế hoạch giao điều chỉnh.
Trong đó, thành phần sử dụng điện cho công nghiệp xây dựng chiếm 60,75%, tăng trưởng 18,39%; Quản lý tiêu dùng chiếm 33,94%, tăng trưởng 7,17% so với cùng kỳ.
Trong 9 tháng năm 2022, tổng sản lượng điện thương phẩm của công ty đạt 5,1 tỷ kWh, tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2021. Theo lãnh đạo Công ty Điện lực (PC) Thanh Hóa: Hiện nay, lưới điện do đơn vị quản lý có 21 trạm biến áp 110 kV, 8772 trạm biến áp phân phối với tổng dung lượng 2.899MVA, cùng với 7275 km đường dây trung thế và 11.645 km đường dây hạ thế… đảm bảo cấp điện cho hơn 827 nghìn khách hàng sử dụng điện trên địa bàn.
Hệ thống điện được đầu tư đồng bộ, hiện đại và thường xuyên được nâng cấp, đội ngũ cán bộ công nhân viên, lao động được đào tạo bài bản, liên tục bổ sung cập nhật các kiến thức mới để thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao từ trong nội tại đến ra ngoài xã hội. Từ đó, đã cơ bản đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu về điện phục vụ phát triển sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong tỉnh.
Đường dây và trạm biến áp 110kV Bãi Trành được khánh thành vào tháng 1/2022, sau đó, đến tháng 9/2022, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định thành lập CCN Bãi Trành (thuộc huyên Như Xuân).
Đối với công tác đầu tư xây dựng, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, đơn vị đang nỗ lực đóng điện các dự án lưới điện quan trọng để tăng cường nguồn cấp, tránh quá tải các thiết bị trên lưới đặc biệt vào cao điểm hè.
Trọng tâm trong năm nay là đẩy nhanh tiến độ đóng điện các dự án 220kV Khu kinh tế Nghi Sơn và TP Sầm Sơn trong năm 2022. Trong 9 tháng đầu năm 2022, công ty đã thực hiện 51 dự án lưới trung, hạ áp có trong đó xây dựng mới và cải tạo 152,42 km đường dây trung thế với 98,42 km lưới điện 35kV, 54 km lưới điện 22kV và xây dựng mới và cải tạo 142,82 km đường dây hạ thế; xây dựng mới và cải tạo 107TBA phân phối có tổng dung lượng 28.710kVA.
Trong tháng 9/2022 Điện lực miền Bắc tiếp tục triển khai bổ sung mới 5 dự án 110kV trên địa bàn tỉnh gồm: Đường dây và trạm biến áp 110kV Sầm Sơn 2; đường dây 110kV Quảng Xương - Sầm Sơn; xuất tuyến 110 kV sau trạm biến áp 220 kV Khu Kinh tế Nghi Sơn; đường dây và trạm biến áp 110kV Vĩnh Lộc; đường dây và trạm biến áp 110kV Hoằng Hóa 2. Tổng chiều dài đường dây 110kV dự kiến là 68,21 km và tổng công suất dự kiến 120 MVA.
Theo lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Bắc chia sẻ: Theo dự báo, nhu cầu sử dụng điện tại tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng khoảng 15%/năm trong giai đoạn 2021 - 2025. Với tốc độ tăng trưởng và nhu cầu sử dụng điện như hiện nay, Tổng công ty đã cố gắng triển khai xây dựng them nhiều dự án truyền tải điện để đáp ứng được yêu cầu của các dự án đang triển khai đầu tư và nhất là khi đi vào vận hành trên địa bàn.
Phát triển công nghiệp phải đi liền với hạ tầng điện
Theo số liệu của Sở Công Thương Thanh Hóa, trong 9 tháng năm 2022, hoạt động sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh này tăng trưởng tốt. Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá ước đạt trên 137.600 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ và bằng 78,6% kế hoạch năm 2022.
Dự án Xuất tuyến 110Kv sau TBA 220Kv khu kinh tế Nghi Sơn được kỳ vọng sẽ góp phần phát triển phụ tải điện công nghiệp tại vùng hạt nhân kinh tế của xứ Thanh.
Một số sản phẩm công nghiệp có thị trường tiêu thụ, tăng trưởng tốt so với cùng kỳ năm 2021 như: Quần áo may sẵn tăng 140 %, giày thể thao tăng 37 %, thuốc lá bao tăng 31%. Có một số sản phẩm giảm so với cùng kỳ, gồm: Đường kết tinh, ô tô các loại, sáp parafin, dầu ăn, bia các loại.
Về thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thu hút được 45 dự án đầu tư trực tiếp (có 4 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký 10.732,6 tỷ đồng và 41 triệu USD; trong đó: Lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 12 dự án (2 dự án FDI), tổng vốn đầu tư 538,7 tỷ đồng và 36 triệu USD; lĩnh vực thương mại dịch vụ 20 dự án, tổng vốn đầu tư 490,6 tỷ đồng và 5 triệu USDlĩnh vực nông nghiệp 7 dự án, tổng vốn đầu tư 479,4 tỷ đồng, chiếm 4,1%...
Đến cuối tháng 10/2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 39 cụm công nghiệp được thành lập, với tổng diện tích gần 1.500 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 10.125,4 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Nhà máy xi măng Long Sơn (thuộc KCN Bỉm Sơn) cho biết, để sản xuất có hiệu quả, hoạt động dịch vụ của ngành điện lực là nhiệm vụ có tầm chiến lược mang lại hiệu quả hiệu quả kinh tế cho doanh nghiệp.
Cụ thể, Nhà máy xi măng Long Sơn với 4 dây chuyền đồng bộ tổng công suất hơn 10 triệu tấn/năm. Để có được thành công này, phải kể đến là yếu tố đảm bảo cung ứng nguồn điện, một điều kiện tiên quyết cần phải có để vận hành nhà máy, cùng với đó là các các dịch vụ chất lượng từ ngành điện cung cấp đã góp phần không nhỏ giúp Công ty hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Ông Mai Xuân Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, trong những năm qua, ngành Điện đóng vai trò rất lớn và quan trọng trong việc đầu tư hệ thống lưới điện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm ghi nhận những đóng góp của ngành điện đã giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư, thúc đẩy các ngành sản xuất, dịch vụ của tỉnh phát triển phát triển;… đồng thời, góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và bảo đảm an sinh, xã hội cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh.