Với việc thay đổi hình ảnh và thương hiệu du lịch từ "bình dân cho mọi người" sang "những điểm nhấn cao cấp"; chuyển từ "du lịch biển" sang "biển và trải nghiệm cuộc sống" Thanh Hoá đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư như: Tập đoàn Sungroup, Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn FLC, Tập đoàn ORG, Tập đoàn Flamingo, Tập đoàn T&T… Chỉ tính riêng 2 dự án của Tập đoàn Sun Group là Dự án quảng trường biển và tổ hợp đô thị du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp Sầm Sơn và Dự án quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí cao cấp Bến En đã thu hút khoảng 35.000 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hoá-Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, con số 63.000 tỷ thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch hơn 80% là nguồn xã hội hoá, từ các nhà đầu tư, để từng bước chuyển dịch đầu tư theo hướng chuyên sâu, chất lượng, đẳng cấp.
"Trong thời gian tới, du lịch Thanh Hoá sẽ phát triển theo hướng chú trọng phát triển chiều sâu hơn là chiều rộng, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm và trải nghiệm văn hoá du lịch. Tập trung phát triển các dòng sản phẩm du lịch cao cấp thay đổi hình ảnh và thương hiệu, từ bình dân sang điểm nhấn cao cấp, trọng tâm là phát triển mạng lưới du lịch trải nghiệm du lịch, phát triển các sản phẩm nghỉ dưỡng núi - văn hoá cộng đồng, từng bước hình thành hệ thống các khu du lịch, với các dịch vụ cao cấp, tổng hộp, thể theo, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, biển…", ông Phạm Nguyên Hồng cho biết.
Trước đó, giai đoạn 2016 - 2020, Thanh Hóa đã thu hút được 25 dự án đầu tư kinh doanh du lịch với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 29.000 tỷ đồng. Và là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trải nghiệm du lịch biển (biển Sầm Sơn, biển Hải Tiến, biển Hải Hoà…) cùng hàng loạt danh lam, thắng cảnh, văn hoá lịch sử nổi tiếng như, Thành Nhà Hồ, Lam Kinh, Đền Bà Triệu, Lam Kinh, Phủ Trịnh, Am Tiên, Phủ Na…/.