Trong động thái mới đây, Shark Hưng vừa chính thức đầu tư cá nhân vào nhà máy SADO – chuyên sản xuất vật liệu nhôm kính – với giá trị thương vụ lên đến 12 triệu USD. Tuy nhiên, đây chỉ là con số ban đầu, dự kiến tổng vốn cần cho giai đoạn 1 lên đến 20 triệu USD, và chính Shark Hưng sẽ đứng ra lo liệu số vốn trên.
Thị trường nhôm kính thực sự còn rất nhiều tiềm năng
Chia sẻ với chúng tôi, Shark Hưng cho biết đây là thương vụ đầu tiên của bản thân về mảng vật liệu, bên cạnh hoạt động cốt lõi là đầu tư dự án cũng như môi giới bất động sản. Lý do đưa ra, xuất phát từ nhu cầu nhôm kính ở Việt Nam khá cao nhưng nguồn cung phụ thuộc khá nhiều vào nhập khẩu, do đó nếu nhà máy đúng với kỳ vọng sẽ là một điểm nhấn cực kỳ tốt cho thị trường.
"Có thể hình dung những năm 90 nhà cửa, kiến trúc Việt Nam chúng ta còn rất là cổ xưa, nhà chủ yếu là bằng gỗ. Có nhà gỗ là thích rồi, nhất là tôi ở Miền Bắc, mùa đông miền Bắc rất lạnh", Shark Hưng nói.
Đặc biệt, kể về lần ở khách sạn tại Tp.HCM mới đây – khách sạn có lịch sử 140 năm, cửa sổ kính khung gỗ, trúng vào đêm U22 Việt Nam đã giành huy chương vàng SeaGames, vì cửa kính không đủ cách âm nên tiếng ăn mừng, còi xe dội lên khủng khiếp, Shark Hưng cho hay.
Đó cũng là lý do nhôm kính trở thành xu hướng tiêu dùng đang được ưa chuộng tại Việt Nam, dù thực tế đã có thương hiệu về sản phẩm này nhưng thực sự thị trường còn rất nhiều tiềm năng.
"Việt Nam là đất nước có tài nguyên liên quan đến nhôm kính rất lớn. Nhưng cho đến lúc này chúng ta chưa sản xuất được sản phẩm xứng xứng tầm với tiềm năng của chúng ta, nên ý tưởng anh Chính muốn mở rộng quy mô sản xuất từ sản xuất lâu nay sang lĩnh vực xa hơn là sản xuất, trước mắt sản xuất ra nguyên liệu, phụ kiện dành cho ngành nhôm kính như bản lề nhôm khóa. Chúng ta có thể thấy như bản lề ở nhà có thể rất tuyệt vời nhưng cái hay hư nhất không phải kính mà là phụ kiện của kính: bản lề, chốt, khóa, tay cầm… chỉ một phụ kiện rất bé thôi nhưng làm cho cửa của chúng ta bị hỏng. Tiếng đóng không êm, không nhẹ cũng làm cho trải nghiệm dùng sản phẩm bị ảnh hưởng".
Với những luận điểm trên, Shark Hưng hoàn toàn tin tưởng dự án SADO sẽ đạt được kỳ vọng: Từ việc sử dụng nguyên liệu từ Việt Nam để sản xuất nên các phụ kiện, thành phẩm về khung nhôm là ước ao của ông Nguyễn Công Chính - Tổng Giám đốc và cả SADO.
Kỳ vọng đạt 20.000 USD doanh thu chỉ sau 2 năm
Thành lập từ năm 2010, SADO Group đã đầu tư 2.000 tỷ để xây dựng hai nhà máy kính và nhôm. Toàn bộ các sản phẩm được gia công sản xuất trên dây chuyền máy móc thiết bị được nhập từ CHLB Đức và các nước EU. Hầu hết các bước sản xuất ở đây đều được tự động hóa, thông qua hệ thống phần mềm quản lý nhà máy chuyên nghiệp, áp dụng công nghiệp 4.0 theo tiêu chuẩn sản xuất của EU nhằm đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật chính xác và sự nhất quán của chất lượng.
Trong đó, SADO Germany Window (thành viên SADO Group) là thương hiệu sản phẩm nhôm kính với nhà máy hiện đại, công suất lớn, sản xuất các loại cửa đi, cửa sổ, mặt dựng nhôm kính, tường kính, phụ kiện châu Âu và nhiều loại kính như: kính cường lực, kính in màu bột sứ, kính trang trí nội ngoại thất, kính in laser, kính hộp 2 hoặc 3 lớp, kính dán an toàn 2 hoặc nhiều lớp…
Riêng nhà máy mới, giai đoạn 1 SADO quyết định đầu tư với vốn dự kiến khoảng 20 triệu USD, trước mắt công bố giá trị 12 triệu USD - tương đương khoảng 60%. Nhà máy đặt mục tiêu đạt 4.000 USD doanh thu trong vòng 2 năm tới, sòn Shark Hưng cho rằng còn quá khiêm tốn, bản thân ‘cá mập’ mong muốn con số thu về gấp 5 lần – tức đạt 20.000 USD đến năm 2021 (tương đương 500 tỷ đồng).
Sau phụ kiện có thể là đồ nhôm, thanh profile đủ tiêu chuẩn để sản xuất nhôm kính xây dựng nhà cao tầng. Kế hoạch tiếp theo nhà máy sẽ sản xuất phôi kính, theo đó SADO có thể trở thành tập đoàn cung cấp các nguyên liệu, giải pháp gia công và sản phẩm hoàn chỉnh về nhôm kính Việt Nam.