Trong số Shark Tank mới đây, ông chủ Sunhouse một lần nữa ra điều kiện ràng buộc với startup gọi vốn. Thay vì đòi hỏi founder làm công ăn lương (nếu không đảm bảo lợi nhuận) như những tập trước, ông Nguyễn Xuân Phú lần này yêu cầu founder Nano Curcumin thế chấp nhà và đảm bảo lợi nhuận 30%/năm cho khoản đầu tư của ông.
[Xem nội dung số Shark Tank này tại đây ]
“Tôi đồng ý đầu tư 5 tỷ đồng, đổi lấy 15% (cổ phần), với điều kiện anh phải sinh lời cho tôi ít nhất 30%/năm. Nếu dưới số đó anh phải có gì đó đảm bảo, bằng nhà anh đang ở hoặc cái gì đó, nếu trong trường hợp lời hứa đấy không được thực hiện”, Shark Nguyễn Xuân Phú – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, ra điều kiện với anh Lưu Hải Minh – Founder của Nano Curcumin.
Công ty của anh Minh sở hữu bằng sáng chế về công nghệ Nano Curcumin dạng dung dịch, hiện đang sản xuất và kinh doanh sản phẩm chuyên trị dành cho người đau dạ dày.
Trước đề xuất của shark Phú, anh Minh muốn thế chấp bằng hàng hóa, thay vì bằng nhà. Nhưng đề nghị này của anh Minh bị bác đi.
“Anh là người làm, nếu không làm được có thể vợ con anh phải ra đường khi nhà đấy mất đi. Anh bỏ điều kiện đấy thì tôi không đầu tư”, ông Phú nhấn mạnh.
Anh Lưu Hải Minh – Founder của Nano Curcumin. Ảnh: Shark Tank Việt Nam.
Shark Phạm Thanh Hưng - Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Tập Đoàn Thế Kỷ CEN Group – cho rằng việc Shark Phú bắt cam kết tỷ lệ lợi nhuận 30%/năm trên vốn bỏ ra thì không còn gì là đầu tư mạo hiểm nữa.
“Chắc quá! Tôi đưa ra phương án mạo hiểm hơn. 3 tỷ cho 15%, lợi nhuận cam kết tối thiểu 18%/năm, và cũng có điều kiện tài sản bảo đảm”, Shark Hưng đề nghị.
Cho dù founder Nano Curcumin Lưu Hải Minh chấp nhận điều kiện của Shark Phú để nhận vốn 5 tỷ đồng, thương vụ này vẫn gây ra nhiều tranh cãi.
CEO An vui và Dobody: Startup cần một nhà đầu tư đồng hành để chia sẻ chứ không phải cần một chủ nợ gây sức ép!
"Nếu cá nhân tôi có nhà thì sẽ mang nhà đi thế chấp ngân hàng để lấy tiền vay để làm, vừa không mất cổ phần, mà lãi suất lại thấp hơn.
Điều quan trọng nhất ở founder là phải hiểu rõ mình muốn gì: Tiền, Kinh nghiệm, hay Lợi thế cạnh tranh nào khác mà nhà đầu tư có được.
Trong trường hợp vừa rồi, tôi không thấy founder được lợi ích gì ngoài lợi ích tạo sóng truyền thông. Những người hiểu về kinh doanh thậm chí còn đánh giá phẩm chất của founder không đủ để lãnh đạo một công ty đi tới thành công.
Tất cả các hỗ trợ đều phải được thực hiện bằng cam kết chứ không phải là các lời hứa! Nếu anh Minh phải đặt cọc cái gì (căn nhà) cho Shark Phú thì những cam kết của Shark Phú với anh Minh là gì ? Tiền hay là lời nói!... Nếu nói mà không thực hiện được thì Shark có trả nhà cho anh Minh không?
Quan hệ đầu tư là quan hệ 2 chiều cùng chia sẻ rủi ro và cơ hội chứ không phải là quan hệ cho vay. Nếu là mối quan hệ cho vay thì sẽ tìm đến ngân hàng chứ không gọi vốn đầu tư từ các shark.
Còn nếu là quan hệ đầu tư thì mọi cam kết phải được tôn trọng và bình đẳng. Tôi thấy shark Phú đang biến hoạt động đầu tư thành hoạt động cho vay. Một người làm startup đã sẵn sàng chấp nhận mọi rủi ro, vì vậy họ cần một nhà đầu tư đồng hành để chia sẻ chứ không phải cần một chủ nợ gây sức ép!
Còn nếu gây sức ép thì tôi sẽ chọn ngân hàng, không bao giờ chọn shark Phú".
CEO Novaon: Startup huy động vốn từ nhà đầu tư chứ đâu phải đi vay tiền, sao lại đòi thế chấp?
Theo quan điểm của tôi, thứ nhất, startup huy động vốn từ nhà đầu tư chứ không đi vay tiền, nên việc thế chấp là vô lý.
Thứ hai, startup là một mô hình kinh doanh mới, có thể tạo ra sự đột phá, có rủi ro cao, nhưng tỷ suất lợi nhuận sẽ rất cao nếu đầu tư thành công. Đầu tư trong giai đoạn ban đầu (seeding) cũng chỉ nhằm giúp cho việc hoàn thiện sản phẩm, hoặc đưa sản phẩm ra thị trường bước đầu thành công, không nhằm mục tiêu là có lợi nhuận, trừ khi dự án quá nhỏ bé.
Như vậy, việc đặt câu hỏi lợi nhuận 30%/năm đó để nhắm vào mục tiêu có lợi nhuận của startup là không hợp lý.
Có điều, nếu đó là cách hỏi để nhằm thử thách tính cam kết và độ tự tin của startup thì được. Vì nhiều startup nói rất hay nhưng chỉ nói để đi thi, không nói để làm, không lên dự án để làm và để sống chết với dự án startup của mình.
Cho nên, câu hỏi đó nếu để nhằm xác minh tính cam kết thì hoàn toàn ổn. Còn nếu các sharks đòi để dồn người ta vào chuyện thế chấp thực sự, thì tôi cho rằng không hợp lý. Angel investor (nhà đầu tư thiên thần) khi đầu tư cho Google, Facebook, ký séc vài trăm ngàn USD trong 15 phút và quên luôn số tiền đó, coi như là một khoản đầu tư cho tương lai, không bao giờ hỏi lợi nhuận ngay. Đó mới là Angel investor chuẩn của startup thực thụ.
Nếu so sánh khoản rót vốn của Shark như một khoản vay, thì founer Nano Curcumin đang thế chấp nhà và vay với lãi suất cao hơn nhiều lần lãi vay ngân hàng.
Một đại diện từ Vietcombank cho biết nếu một doanh nghiệp có tài sản 15 tỷ đồng, với 2 tỷ đồng tiền mặt, lại sở hữu nhà như vậy thì dư điều kiện nếu muốn vay vốn 5 tỷ đồng.
Với khoản vay này, nếu vay tại Vietcombank, lãi suất ngắn hạn chỉ ở mức 8,5%/năm. Lãi suất trung và dài hạn ở mức 10,5%/năm.