Chiều 29/9, đoàn công tác của Quốc hội làm việc với Bộ KH&ĐT về tình hình thực hiện Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 và phương hướng nhiệm vụ trong giai đoạn 2021 - 2025.
Năm 2025: Thu nhập 5.000 USD/người
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, năm 2020, GDP ước đạt 269 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trong năm nay ước đạt 2.750 USD/người, gấp 1,3 lần so với năm 2015. Nếu như các năm trước, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức bình quân 6,8% thì năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự báo GDP tăng khoảng 2%, toàn giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%, thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.
Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, song mục tiêu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm tới được đặt ra là khoảng 6,5 - 7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD; tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt trên 25%; kinh tế số đạt 20% GDP…
Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng thừa nhận chất lượng quy hoạch còn thấp, tính dự báo còn hạn chế, thiếu tính liên kết, đồng bộ, gây lãng phí và kém hiệu quả trong đầu tư, đặc biệt là các dự án hạ tầng. Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu kế hoạch đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách và bắt kịp các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, chưa thực sự dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…
Ðầu tư công còn dàn trải
Trước bối cảnh nhiều biến động hiện nay, Bộ KH&ĐT xác định, giai đoạn tới cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế cũng như các dự án quan trọng quốc gia, công trình trọng yếu. Đến năm 2025, cần tập trung xây dựng và hoàn thành ngay một số trục giao thông chính như toàn bộ đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 1 của sân bay Long Thành. Đối với các đô thị lớn, tập trung đầu tư và đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị ở Hà Nội và TP.HCM, đường vành đai, đường xuyên tâm, các công trình đầu mối về cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải...
Theo đánh giá của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải, lĩnh vực đầu tư công vẫn còn bố trí vốn dàn trải, thiếu vốn dẫn đến hiệu quả công trình không cao. Bên cạnh đó, đầu tư vẫn thiếu đồng bộ, cũng có tình trạng có vốn nhưng không giải ngân được do triển khai chậm, vướng mắc thủ tục, GPMB. Đặc biệt, nhu cầu vốn đầu tư của các bộ, ngành địa phương trong giai đoạn 5 năm tới còn gấp 2 - 3 lần giai đoạn trước, vượt xa khả năng cân đối vốn. Tình hình trên đòi hỏi phải triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, chỉ được chi cho đầu tư phát triển chứ không chi cho các việc khác.
Tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiều yếu tố bất định song nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực trong giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trên nhiều mặt vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và thiếu tính bền vững. Tăng trưởng kinh tế thấp hơn mục tiêu đề ra, chưa thu hẹp được khoảng cách với các nước trong khu vực… Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ KH&ĐT đánh giá kỹ hơn những tác động của đại dịch COVID-19 để đưa ra những dự báo hợp lý, sát với thực tế.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, năm 2020, GDP ước đạt 269 tỷ USD, GDP bình quân đầu người trong năm nay ước đạt 2.750 USD/người, gấp 1,3 lần so với năm 2015. Nếu như các năm trước, tốc độ tăng trưởng GDP đạt mức bình quân 6,8% thì năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự báo GDP tăng khoảng 2%, toàn giai đoạn 2016-2020 tăng 5,8%, thuộc nhóm quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới.