Được biết, lô trái phiếu gồm 6 triệu trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, có kỳ hạn 7 năm và đáo hạn vào ngày 09/09/2029. Lô trái phiếu được phát hành theo hình thức ghi sổ, là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, được bảo đảm qua hình thức bảo lãnh thanh toán của ngân hàng.
Cổ phiếu SBT rơi sâu về vùng giá 16.900 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 22/9
Thông tin về lãi suất, mục đích huy động vốn của lô trái phiếu này chưa được doanh nghiệp công bố. Trước đó vào ngày 22/08, Đầu tư Thành Thành Công cũng đã phát hành 75.000 trái phiếu tại thị trường trong nước với mệnh giá 1 triệu đồng, kỳ hạn 48 tháng, đáo hạn ngày 25/05/2026. Qua đó, Công ty thu được 75 tỷ đồng.
Theo Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội- HNX ,Thành Thành Công trong năm 2020-2021 đã có nhiều đợt phát hành trái phiếu. Cụ thể, các đợt trong năm 2021 gồm 120 tỷ đồng (hoàn tất phát hành vào ngày 24/03/2022, kỳ hạn tính từ ngày 28/12/2021 - 28/12/2025); 300 tỷ đồng (hoàn tất vào ngày 26/11/2021, kỳ hạn từ ngày 08/10/2021 - 08/10/2024, lãi suất 10,5%/năm). Đợt công bố năm 2020 là 70 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ cho Asam Vietnam Bond Hedge Fund 1, lãi suất 11,25%/năm, kỳ hạn 2 năm (tính từ 24/07/2020 - 24/07/2022). Được biết tài sản đảm bảo cho đợt phát hành này là 10 triệu cổ phần Công ty Cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa, mã chứng khoán SBT.
Vậy SBT làm ăn ra sao?
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán Mirae Asset, SBT vừa công bố báo cáo tài chính năm tài chính từ 01/07/2021-30/06/2022, doanh thu thuần SBT đạt 18.325 tỷ đồng (+22,8%) và lợi nhuận sau thuế đạt 818 tỷ đồng (+25,8%). Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ mức 14,8% xuống còn 12,5%; Thu nhập tài chính tăng mạnh, đạt 1.116 tỷ đồng so với mức 499 tỷ cùng kỳ do khoản lợi nhuận từ đầu tư hợp đồng tương lai và khoản tiền lãi gửi ngân hàng, cho vay, lãi ứng trước cho nhà cung cấp và các khoản đặt cọc. SBT giữ vị thế đầu ngành với hơn 46% thị phần đường nội địa.
Theo thống kê từ VSSA, số lượng nhà máy hoạt động hiện tại của toàn ngành ở mức 26 trên tổng số 40 nhà máy. Trong đó, SBT sở hữu 9 nhà máy đang hoạt động với tổng công suất đạt 4,180 tấn đường/ngày. Bên cạnh đó, chiến lược liên tục mở rộng và phát triển vùng nguyên liệu của mình so với các đối thủ khác trong ngành, giúp cho SBT nâng tổng vùng nguyên liệu lên gần 66.000 ha nằm ở 3 quốc gia Việt Nam, Lào và Campuchia. Trong đó, tổng diện tích vùng nguyên liệu nông trường đạt 33.556 ha.
Trong năm 2022, SBT dự kiến đầu tư 100 triệu USD để mở rộng vùng nguyên liệu tại Úc lên đến 20.000 ha, nâng tổng diện tích vùng nguyên liệu toàn cầu đạt gần 90.000 ha. Hiện nay, Úc là quốc gia có năng suất mía đường cao nhất thế giới. Tháng 6/2021, Bộ Công Thương (BCT) đã chính thức ban hành và áp dụng mức thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp lên sản phẩm đường từ Thái Lan với tổng mức thuế đạt 47,64% trong vòng 5 năm.
Thế nhưng, tháng 9/2021 Bộ Công Thương có quyết định điều tra và đánh giá ảnh hưởng của việc đường Thái Lan tránh thuế khi nhập thông qua 4 nước ASEAN. Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) đã có dự thảo kết luận vụ việc điều tra áp dụng biện pháp chống lẩn tránh áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm đường mía, và đang trình lên Bộ Chính trị xem xét, chờ quyết định trong thời gian tới.
Với triển vọng lạc quan của ngành đường , Mirae Asset ước tính doanh thu thuần niên độ 2022-2023 đạt 20.341 tỷ đồng (+11% ) và lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 1.235 tỷ đồng (+50,8%) . Bên cạnh đó, giá đường thế giới kỳ vọng sẽ tăng 12% so với cùng kỳ, giúp biên lợi nhuận gộp của SBT được cải thiện…
Tuy nhiên, theo báo cáo đã kiểm toán tổng nợ của SBT đến quí 4/2021 là 17.827 tỷ đồng, nợ ngắn hạn 15.123 tỷ đồng gần gấp đôi vốn chủ sở hữu. Đặc biệt, theo các chuyên gia và việc thế chấp cổ phần của SBT để huy động trái phiếu cho thấy tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán biến động và giá các cổ phiếu suy giảm.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 22/9 SBT chỉ còn 16.900 đồng/cổ phiếu. Như vậy, nếu tính từ đầu năm thì cổ phiếu này mất gần 40% so với thị giá ban đầu.