F0 chấp nhận cắt lỗ, bỏ cọc
Trước ngày Hà Nội chính thức thực hiện giãn cách xã hội, chị N. đành phải chấp nhận bỏ số cọc 100 triệu đồng cho một dự án tại Vĩnh Phúc. 2 tuần trước, chị và một người bạn "chân ướt chân ráo" trong lĩnh vực địa ốc, rủ nhau mua cọc, lướt sóng với tâm lý "thử làm giàu từ bất động sản".
Nhìn xung quanh bạn bè ai cũng giàu từ bất động sản, dù nhiều lần tự nhủ sẽ không tham gia vào cuộc chơi này bởi không có kinh nghiệm cũng như vốn mỏng, thế nhưng, 3 tuần trước, chị N chấp nhận mạo hiểm, vay 100 triệu đồng từ người thân với dự tính lướt cọc.
Nghe môi giới tư vấn, giá lô đất tại dự án đang tăng vù vù. Hôm trước, hôm sau, có chủ đất hưởng chênh hàng trăm triệu đồng nhờ giá đất lên. Tư vấn môi giới còn kể thêm nhiều về những người lời cả trăm triệu đồng trong ít ngày khiến chị N. cũng muốn thử một lần.
"Tôi xác định nếu không lướt được cọc, sẽ mất 100 triệu đồng vì tôi không muốn vào tiền tiếp. Nhưng lúc môi giới tư vấn, tôi thấy thị trường rất sốt và tin sẽ lướt thành công" – chị N.P chia sẻ.
Tuy nhiên, đến ngày Hà Nội thực hiện yêu cầu người dân hạn chế đi lại, chị N. cho biết, gần như mọi hoạt động giao dịch tại dự án bỗng trầm lắng lạ thường. Lúc này, tìm hiểu thêm từ bạn bè, môi giới khác, chị P. mới biết lô đất mình xuống tiền đắt hơn so với giá trung bình thị trường.
"Tôi chấp nhận mất 100 triệu và coi như là bài học cho mình. Vì tôi mua cọc của cọc nên đến chủ đất tôi cũng không biết là ai" – chị N. nói.
(Ảnh minh hoạ)
Ở hoàn cảnh tương tự như chị N., chị Vũ Ngọc (Gia Lâm, Hà Nội) cũng vừa cắt lỗ tới 150 triệu mảnh đất mới mua cách đây 3 tháng.
Kể về lý do mua mảnh đất này, chị Ngọc tâm sự, tháng 3, chị theo một người bạn đến xem chương trình mở bán đất phân lô. "Khi nghe môi giới tư vấn rất hấp dẫn, lại thấy cam kết chắc chắn về tỷ suất sinh lời, tôi cảm thấy khá thích thú dù ban đầu bản thân chưa có ý định đầu tư bất động sản. Đặc biệt, môi giới giới thiệu 2 nhân vật đã kiếm chênh 150 triệu trong 1 tuần. Có nhân chứng thế này, tôi tin thực sự".
Chị Ngọc cũng kể thêm: "Trong chương trình mở bán, tôi thấy nhiều người là phụ nữ như tôi cũng sẵn sàng mua vào. Tôi đơn giản chỉ nghĩ, vì sao đông người mua đến vậy? Chắc chắn phải thực sự sốt thật nên mới có nhiều người mua? Lại có chính sách cam kết tỷ suất lợi nhuận từ môi giới, nên tôi cũng quyết định cọc 30 triệu cho một lô đất 850 triệu đồng".
Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng xuống tiền vào mảnh đất này, chị Ngọc mới phát hiện ra, lô đất mình mua đúng vào thời điểm "sốt ảo", giá cao hơn so với thị trường đến 100 triệu đồng/lô. Chưa kể, mảnh đất chị mua nằm ở con ngõ nhỏ, khu vực dân cư thưa thớt, khả năng thanh khoản tốt.
Đến tháng 6, chị Ngọc đành phải cắt lỗ thấp hơn giá thị trường để đẩy hàng vì nghĩ đến việc phải ôm đống nợ ngân hàng mua đất kéo dài.
Cơn sốt bất động sản những năm trở lại đây đã kéo theo lượng lớn những nhà đầu tư F0 xuất hiện. Khảo sát thực tế cho thấy, ở các thị trường nóng, lượng nhà đầu tư F0 chiếm tới 30-40% lượng giao dịch. Đến thời điểm hiện tại, rất nhiều nhà đầu tư F0 đã phải rời khỏi cuộc chơi, cắt lỗ.
Nhà đầu tư F0 "tiến thoái lưỡng nan"
Theo ông Phạm Anh Dũng, Giám đốc công ty bất động sản Golden Star, tình trạng cắt lỗ chủ yếu diễn ra trong nhóm nhà đầu tư F0. Ông Dũng khẳng định, với những nhà đầu tư chuyên nghiệp, họ sẽ không bán giá thấp hơn giá mua, trừ khi rơi vào tình cảnh áp lực tài chính vay ngân hàng quá lớn hoặc có động thái chiến lược mới.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, trường hợp nhà đầu tư chuyên nghiệp bán cắt lỗ rất hiếm khi xảy ra. Ông Dũng cho rằng, những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ đầu tư theo kế hoạch, có sự tính toán kỹ lưỡng về vị trí, tiềm năng sinh lời của lô đất. Họ cũng lường trước một phần được tình hình dịch bệnh kéo dài và phương án đầu tư an toàn trong thời điểm khủng hoảng. Thế nên, khi đầu tư, họ xác định kinh doanh lâu dài.
Trong khi đó, về đặc tính của nhóm F0, ông Dũng phân tích, những người mới bước chân vào lĩnh vực bất động sản đều "tham làm giàu", non kinh nghiệm. Họ đầu tư theo cảm xúc. Họ bị dẫn dắt bởi những câu chuyện của môi giới nên đầu tư mà không tìm hiểu giá cả thị trường xung quanh. Họ không so sánh cùng vị trí như vậy, giá đất thế nào? Họ cũng bỏ qua cả việc xem lô đất nằm ở đâu, ra sao? Họ thường mua đất ở thời điểm giá đất đã lên cao.
Vì mua đắt hơn so với thị trường nên họ buộc phải cắt lỗ, vì nếu không, sẽ phải gánh khoản chi phí chồng lãi kéo dài.
Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Nguyễn Văn Đính cũng nhận xét, những nhà đầu tư F0 thường bỏ vốn theo tâm lý đám đông, thiếu kiến thức thị trường. "Có thể ai cũng biết cơn sốt rồi sẽ qua, sẽ đến lúc thị trường chững lại nhưng các nhà đầu tư luôn tin tưởng mình sẽ thoát kịp, kết quả là mắc cạn rất nhiều", ông Đính nói.
Vì mắc cạn lại cộng thêm dịch bệnh kéo dài, áp lực tài chính, tâm lý hoang mang, phân tâm khiến nhà đầu tư F0 buộc phải xả hàng, cắt lỗ, chọn phương án giữ tiền an toàn.
Các chuyên gia cho rằng, làn sóng F0 cắt lỗ còn gia tăng vì thời điểm sốt đất, rất nhiều nhà đầu tư non kinh nghiệm tham gia. Trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay, họ rơi vào tình trạng "tiến thoái lưỡng nan", đang thăm dò tình hình để xả hàng. Nếu dịch bệnh kéo dài, rất nhiều nhà đầu tư F0 sẽ xả hàng.