Một số ý kiến cho rằng, Bitcoin sẽ phòng ngừa rủi ro lạm phát tốt hơn vàng. Vậy thực hư vấn đề này như thế nào?
Tính đến cuối năm 2020, các quốc gia trên toàn cầu đã bơm vào nền kinh tế khoảng hơn 20.000 tỷ USD. Đó là chưa kể nhiều Ngân hàng Trung ương đã và đang ồ ạt bơm tiền vào thị trường tài chính thông qua chương trình nới lỏng định lượng (QE), trong đó FED đang bơm khoảng 120 tỷ USD/tháng thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và trái phiếu đảm bảo bằng thế chấp của các doanh nghiệp…
Do kinh tế thế giới đang suy thoái, nên áp lực lạm phát vẫn chưa đáng ngại. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng thời kỳ lạm phát cao sẽ xảy ra khi nền kinh tế thế giới bình thường trở lại sau khi đại dịch COVID-19 được đẩy lùi. Điều này có thể diễn ra vào cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022.
Đầu tư trú ẩn vào vàng hay Bitcoin tốt hơn đang là câu hỏi mà nhiều nhà đầu tư tài chính đang trăn trở. |
Trong bối cảnh áp lực lạm phát có xu hướng gia tăng mạnh trong trung và dài hạn, tài sản nào sẽ thực sự trở thành hầm trú ẩn an toàn đối với các nhà đầu tư?
Từ nhiều năm nay, vàng đã và đang được sử dụng như một tài sản trú ẩn an toàn để phòng ngừa rủi ro lạm phát. Vì nguồn cung hạn chế và là hàng hóa hữu hình, nên vàng có xu hướng giữ giá trị trong thời kỳ lạm phát cao.
Tuy nhiên ngày nay, giới trẻ lại có xu hướng thích tiền kỹ thuật số nói chung và Bitcoin nói riêng hơn vàng. Sở dĩ như vậy do việc nắm giữ tiền kỹ thuật số có nhiều tiện ích hơn trong kỷ nguyên số. Chẳng hạn, người ta không thể mua hàng qua mạng bằng vàng, nhưng có thể làm như vậy bằng tiền kỹ thuật số. Mặc dù các cửa hàng chấp nhận thanh toán bằng tiền kỹ thuật số còn hạn chế, nhưng sẽ ngày càng gia tăng trong bối cảnh đồng tiền này ngày càng được sử dụng rộng rãi.
Trên thực tế, cả Bitcoin và vàng đều có nguồn cung hạn chế. Nguồn cung Bitcoin chỉ giới hạn ở mức 21 triệu đơn vị, trong khi nguồn cung vàng ngày càng giảm do trữ lượng vàng có giới hạn. Hơn nữa, các chính phủ cũng không thể tạo ra Bitcoin và vàng như in tiền. Đây là lý do tại sao người ta tin rằng Bitcoin và vàng không bị ảnh hưởng bởi lạm phát.
Sự khác biệt lớn nhất giữa vàng và Bitcoin là hình thức của chúng. Vàng là một tài sản hữu hình, nhưng cũng được bán dưới dạng kỹ thuật số (vàng tài khoản). Trong khi Bitcoin chỉ là tài sản số. Do đó, vàng linh hoạt hơn một chút về mặt này. Điều này có nghĩa, nếu thế giới phải hứng chịu một thảm họa khiến chúng ta không thể sử dụng Internet, thì Bitcoin sẽ trở nên vô dụng. Tuy nhiên, điều này gần như khó xảy ra trên thực tế. Ngoài ra, vàng có nhiều giá trị thực tế hơn, còn Bitcoin không được hỗ trợ bởi bất cứ thứ gì ngoài năng lượng đã được sử dụng để sản xuất chúng. Vàng được sử dụng nhiều trong các ngành công nghiệp, như trang sức, nha khoa, điện tử… nên sẽ luôn có giá trị thực tế cao hơn Bitcoin.
Có lẽ “kẻ thù lớn nhất” của Bitcoin cho đến nay là các chính phủ trên toàn thế giới. Các chính phủ chỉ đơn giản không muốn một loại tiền tệ mà họ không thể kiểm soát. Do đó, tiền kỹ thuật số đã bị đặt ngoài vòng pháp luật ở nhiều quốc gia.
Mặt khác, vàng có thể được sở hữu theo cách này hay cách khác. Ngoài quyền sở hữu vật chất, người ta cũng có thể mua hợp đồng tương lai hoặc thậm chí là cổ phiếu khai thác vàng có phần nào tương quan với vàng. Hơn nữa, nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro biến động giá vàng thông qua các công cụ phái sinh, như options, swap, futures… Trong khi Bitcoin mang nặng tính đầu cơ, nên có mức biến động rất lớn về giá. Sau khi đạt đỉnh 40.000USD/BTC, giá Bitcoin đã lao dốc mạnh xuống khoảng 30.000USD/BTC, rồi lại tăng vọt lên 47.000USD/BTC, trong khi giá vàng gần như vẫn ổn định quanh mức 1.800USD/oz trong thời gian qua. Bởi vậy, vàng thường có sự an toàn hơn rất nhiều so với Bitcoin.
Giá Bitcoin đang có xu hướng tiến sát vùng 50.000USD/BTC |
Đặc biệt, vàng có tính thanh khoản cao hơn nhiều so với Bitcoin. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), tổng khối lượng giao dịch vàng trung bình năm 2020 đạt 180 tỷ USD/ngày thông qua thị trường OTC, thị trường vàng tương lai và các quỹ ETFs. Trong khi khối lượng giao dịch Bitcoin trung bình năm 2020 chỉ khoảng từ 2- 4 tỷ USD, tập trung vào một số đối tượng nhất định (chỉ 2% số người sở hữu Bitcoin đang quản lý 95% tổng số lượng Bitcoin hiện có). Điều này tiềm ẩn rủi ro rất lớn khi nắm giữ Bitcoin.
Ngoài ra, kể từ khi Bitcoin “nổi sóng” tăng mạnh, phần lớn các nước phát triển trên thế giới đã không thấy lạm phát cao. Do đó, có rất ít bằng chứng thực tế chứng minh giả thuyết rằng Bitcoin sẽ tăng khi lạm phát tăng.
Bởi vậy, đầu tư vào vàng vẫn an toàn và hiệu quả hơn Bitcoin, dù mức độ sinh lời của vàng không lớn bằng Bitcoin vì giá vàng biến động ít hơn giá Bitcoin.
Ông Baruch Silvermann, chuyên gia tài chính, nhà sáng lập The Smart Investor, cho rằng, dựa trên dữ liệu và lịch sử trong quá khứ, vàng vẫn là lựa chọn tốt nhất, thậm chí tốt hơn nhiều so với Bitcoin trong việc phòng ngừa rủi ro lạm phát. “Điều này không có nghĩa là bạn không nên sở hữu tiền kỹ thuật số. Công nghệ Blockchain là nền tảng của tiền kỹ thuật số, sẽ đóng vai trò quan trọng trong kỷ nguyên số. Do đó, tiền kỹ thuật số chắc chắn sẽ có một vị trí quan trọng trong tương lai của ngành tài chính số. Bởi vậy, sở hữu một lượng Bitcoin và altcoin nhất định trong danh mục đầu tư của mình luôn là một ý tưởng hay”, ông Baruch Silvermann khuyến nghị.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)