Đầu tiên là thị trường chứng khoán. Nếu quan sát kỹ có thể thấy các chỉ số chứng khoán Âu - Mỹ đều tăng trưởng tốt, liên tục lập đỉnh mới. Trong khi tại châu Á, các thị trường lớn lại giao dịch khá lình xình, thậm chí là giảm điểm.
Sự khác biệt nằm ở Mỹ và châu Âu năm qua vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và tiếp tục thực hiện các gói tài khóa kích thích kinh tế. Còn các quốc gia châu Á đã giảm nới lỏng tiền tệ từ rất sớm. Các chính sách tài khóa gần như là không có hoặc không lớn.
Việc thị trường chứng khoán có giảm không và giảm như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ phục hồi và sức mạnh của nền kinh tế. (Ảnh minh họa - Ảnh: New York Stock Exchange)
Giới đầu tư kỳ vọng thị trường chứng khoán năm 2022
Vậy trong thời gian tới, khi hàng loạt các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới thay đổi chính sách tiền tệ, điều này ảnh hưởng ra sao đến thị trường chứng khoán toàn cầu?
Cùng tìm hiểu vấn đề này qua phần bình luận của là PGS. TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại Lincoln - Vương quốc Anh, đồng thời cũng là nhà sáng lập QMV Group.
PV: Giới đầu tư có thể kỳ vọng gì vào thị trường chứng khoán trong năm 2022?
PGS. TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại Lincoln - Vương quốc Anh: "Gần đây các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu đã bắn tín hiệu là họ sẽ giảm nới lỏng và đưa ra lộ trình cho việc tăng lãi suất. Đó là biểu hiện của động thái chuyển từ nới lỏng sang siết chặt tiền tệ. Điều này dự đoán sau quý 1/2022. Ngân hàng Anh đã tăng nhẹ lãi suất. Do đó, thị trường chứng khoán sẽ khó tăng hơn hoặc giảm. Thực tiễn trong quá khứ đều cho thấy như vậy.
Việc thị trường chứng khoán có giảm không và giảm như thế nào còn phụ thuộc vào mức độ phục hồi và sức mạnh của nền kinh tế. Trước đây tiền rẻ và các gói kích thích đóng vai trò là động lực chính thì thời gian tới sẽ là kết quả kinh doanh và mức độ phục hồi của nền kinh tế".
Sức hấp dẫn của các loại tàn sản trú ẩn truyền thống trong năm 2022
Có thể thấy về mặt xu thế tăng trưởng, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng giống các quốc gia châu Á khác, nhưng độ trễ có thể sẽ dao động từ 6 tháng đến 1 năm.
Đó là loại tài sản rủi ro, vậy còn các loại tài sản trú ẩn như vàng và trái phiếu thì sao? Thị trường vàng đi xuống được cho là do lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) ra tín hiệu tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến trong biên bản cuộc họp chính sách vừa được công bố tuần qua.
Mối quan tâm hiện tại là tốc độ tăng lãi suất của FED trong năm nay. Điều này được cho là đang đe dọa sức hấp dẫn của vàng. Hiện lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm lên cao nhất gần 1 năm.
PV: Liệu có phải chúng ta đang chứng kiến một sự dịch chuyển từ tài sản rủi ro là cổ phiếu sang trái phiếu hay không? Sức hấp dẫn của các loại tài sản trú ẩn truyền thống sẽ như thế nào?
PGS. TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại Lincoln - Vương quốc Anh: "Lãi suất tăng, chi phí nợ vay tăng cao sẽ khiến triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp giảm đi, bởi vậy sẽ có sự dịch chuyển từ từ, từ tài sản rủi ro là cổ phiếu sang trái phiếu. Điều này thường xảy ra khi chính sách tiền tệ cùng lúc thắt chặt trở lại.
Kênh thứ 2 là vàng. Theo cách nhìn của tôi, hiện vàng không hẳn là một sự lựa chọn mang tính chất truyền thống như trước đây nữa, bởi vì giới đầu tư có thêm nhiều lựa chọn như tiền số, tài sản ảo, đặc biệt trong điều kiện hiện tại giới trẻ không có nhiều sự lựa chọn về tài sản vật chất, vật lý như đất đai, bất động sản, nhà máy, vì cha ông họ, những người giàu có đã sở hữu gần như hết rồi. Do đó, giới trẻ sẽ đi vào lĩnh vực thực tế ảo, tiền ảo, tài sản mang hơi hướng thực tế ảo".
Dự báo thị trường tài sản số năm 2022
Không chỉ tiến sĩ Quách Mạnh Hào, mà các chuyên gia của ngân hàng Goldman Sachs mới đây cũng đưa ra nhận định Bitcoin sẽ là tài sản lưu giữ giá trị ngang với vàng trong xu hướng chung của sự chấp nhận ngày càng rộng rãi đối với tài sản số.
Tuy nhiên, chính phủ các nước vẫn luôn đưa ra các cảnh báo liên quan đến mức độ rủi ro lớn của loại tài sản này trong năm 2022.
Dù khởi đầu năm 2022 bằng một cú lao dốc trên thị trường tiền số tuần qua do kỳ vọng tăng lãi suất, nhưng những cú "tàu lượn" như vậy là điều "bình thường" trong một thị trường tài chính phi tập trung (DeFi).
Một phần hình ghép từ tác phẩm NFT trị giá 69 triệu USD. (Ảnh: Beeple/Christie's)
Gần một nửa những triệu phú ở thế hệ Millennials (sinh từ năm 1980 - 1995) đang có ít nhất 25% tài sản ở dạng tiền số.
Dự báo thị trường tài sản số NFT trong năm nay sẽ tiếp tục bùng nổ, đặc biệt khi metaverse đang là xu hướng công nghệ lớn. Năm qua, số tiền được rót vào thị trường NFT toàn cầu đã đạt gần 41 tỷ USD, quy mô tương đương thị trường nghệ thuật truyền thống của thế giới.
"Hiện nay đang có một sự chuyển đổi về mặt tài sản giữa các thế hệ, chuyển tiền thừa kế về cho các thế hệ nhỏ hơn, bao gồm thế hệ Millennials và Gen Z. Khi họ nhận được tiền thừa kế, họ đầu tư vào tài sản tiền mã hóa (crypto) nói chung hay Bitcoin nói riêng. Chúng ta thấy những người này nằm trong số thúc đẩy tài sản như NFT, dù chỉ là một bức hình, nhưng đã tăng giá tới cả triệu USD", Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Đại học Bristol, Anh, cho biết.
Cũng theo ông Hồ Quốc Tuấn, thị trường NFT đang bị thống trị bởi một số ít "tay chơi" lớn, hay còn gọi là "cá mập", do vậy cần một khung pháp lý quản lý thị trường tài sản số này.
Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), tổ chức đầu mối về thanh toán và an toàn hệ thống ngân hàng toàn cầu, đang đề xuất cần ban hành một bộ khuôn khổ kiểm soát hoạt động tiền số và sản phẩm tài chính phi tập trung toàn cầu, để tránh sự lệch pha trong các chính sách và sẽ còn nhiều động thái kiểm soát tài sản số hơn nữa đến từ các định chế tài chính trên thế giới.