Trên trang cá nhân, mới đây, Chủ tịch chuỗi cầm đồ F88 - ông Phùng Anh Tuấn đã gây chú ý khi chia sẻ quan điểm về blockchain, tiền ảo... đang trở thành xu thế trong thời gian qua.
Đáng chú ý, dù nổi tiếng trong lĩnh vực tài chính và công nghệ, ''ông trùm'' F88 tiết lộ ông không có tài khoản chứng khoán cũng như chưa từng tham gia đầu tư vào thị trường.
"Mình mang tiếng dân làm công nghệ và tài chính bao năm nay. Nhưng thú thật là mình mù tịt về Blockchain, Coin, GameFi, NFT, Web3, Metaverse cũng như chưa từng có tài khoản và chơi chứng khoán bao giờ" - ông Tuấn viết trên trang cá nhân.
Nguyên văn đoạn chia sẻ gây chú ý của Chủ tịch F88. Ảnh: FBNV
Ông cho rằng đó là các hot trend thời gian vừa rồi trên thị trường. Ngoài ra, vị Chủ tịch F88 cũng bày tỏ sự lo lắng rằng bản thân đang ''tụt hậu, cần được bổ túc''.
"Toàn những cái hot trend thời gian vừa rồi, liệu mình có đang bị bỏ lỡ cái gì không nhỉ? Hay nhận thức của mình kiểu nông dân làm thật ăn thật quen rồi. Đang suy tư thấy mình khá tụt hậu, cần được bổ túc" - ông nói.
Bên dưới bài đăng, có người để lại bình luận ngỏ ý mời nhà sáng lập F88 tham gia vào thị trường chứng khoán, ông phản hồi: ''Để lúc nào tôi IPO thì bạn mở cho tôi, chỉ mua 1 mã duy nhất của công ty mình thôi''. Được biết, lãnh đạo công ty này từng đặt mục tiêu IPO khi số lượng phòng giao dịch đạt 1.000 phòng trên toàn quốc.
Doanh nhân Phùng Anh Tuấn hay Tuấn Pat từng là hacker chuyên nghiệp trước khi trở thành ông chủ của một công ty an ninh mạng. Năm 2013, ông khởi nghiệp ở lĩnh vực cầm đồ với chuỗi hỗ trợ tài chính F88, là một hệ thống nổi tiếng hiện phủ sóng tại 63 tỉnh, thành trên toàn quốc với 600 phòng giao dịch.
Về việc Chủ tịch F88 lo ngại ''bỏ lỡ'' xu thế, đó là tâm lý có cơ sở bởi theo số liệu của Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD), số lượng nhà đầu tư cá nhân mới tham gia chứng khoán trong tháng 3/2022 tiếp tục lập kỷ lục mới với 270.000 tài khoản. Quý I/2022, có 675.000 nhà đầu tư cá nhân mới tham gia thị trường chứng khoán, xấp xỉ phân nửa số lượng tài khoản mở mới của năm trước.
Với diễn biến ngày càng ''nóng'' của thị trường, các chuyên gia dự đoán, số lượng tài khoản chứng khoán trong nước sẽ còn tiếp tục gia tăng trong giai đoạn tiếp theo.
Hiện cả nước có hơn 4,9 triệu, xấp xỉ 5% dân số tham gia vào thị trường chứng khoán, đạt mục tiêu tỉ lệ sớm hơn trước 3 năm với mục tiêu đạt 5% dân số đầu tư vào chứng khoán vào năm 2025 do Chính phủ đặt ra, trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ lệ áp đảo với 98,9%, còn lại là của nhà đầu tư tổ chức trong nước, tổ chức và cá nhân nước ngoài.