Trải nghiệm phòng thí nghiệm hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long
Đầu tư vào nghiên cứu, đầu tư vào khoa học công nghệ luôn là những khoản đầu tư bền vững. Một ví dụ điển hình, tại khu vực Tây Nam Bộ, trường Đại học Cần Thơ vừa được đầu tư 2 khu phòng thí nghiệm trị giá 400 tỷ đồng. Tại đây có những hệ thống máy móc thiết bị hiện đại nhất Đồng bằng sông Cửu Long và đã chính thức đi vào hoạt động hơn 1 tháng qua.
Các phòng thí nghiệm của Đại học Cần Thơ vừa được trang bị gần 1.800 đầu mục thiết bị hiện đại. Mở ra một trang mới cho khát vọng nghiên cứu khoa học ở đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Ban Giám hiệu Đại học Cần Thơ, hai khu phòng thí nghiệm vừa khánh thành, nằm trong Dự án Nâng cấp Đại học Cần Thơ có tổng vốn 2.250 tỷ. Đây là dự án trọng điểm, điểm nhấn nổi bật của khu vực Tây Nam Bộ nói chung và thành phố Cần thơ nói riêng.
Hàng loạt dự án hạ tầng đánh thức tiềm năng các tỉnh phía Nam
Sau phía Bắc, đến nay các tỉnh phía Nam đang được Đảng và nhà nước tập trung phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Điều này được thể hiện rất rõ trong các nghị quyết của Đảng về phát triển các vùng kinh tế trọng điểm. Và dễ thấy nhất là chỉ trong vài tháng trở lại đây, hàng loạt công trình giao thông có tính liên vùng đã liên tục được triển khai.
Ngày đầu tiên của năm 2023, cao tốc Cần Thơ, Cà Mau chính thức khởi công. Tuyến này dài 109 km. Tổng mức đầu tư hơn 10 nghìn tỷ đồng. Dự án là niềm mong mỏi của người dân miền Tây. Nhiều hộ dân đã tích cực bàn giao mặt bằng, thậm chí cả trước khi nhận tiền đền bù.
Giao thông thủy của Đồng bằng sông Cửu Long cũng đang được tập trung nâng cấp. Toàn vùng hiện có 6.100 km tổng chiều dài mạng lưới đường thủy nội địa. Về hàng hải có 12 cảng biển, 37 bến tàu.
Cách đây 2 tuần, tuyến vận tải biển từ các cảng miền Tây vừa được khởi động tại Cần Thơ. Theo tính toán sẽ rút ngắn thời gian và khoảng 40% chi phí vận chuyển hàng hóa so với đường bộ.
Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã kiến nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho các dự án giao thông trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Nâng tỷ trọng vốn đầu tư theo dân số từ 71% lên 129% so với bình quân chung cả nước.
Riêng giai đoạn 2021 - 2025, vùng này sẽ được bố trí hơn 50 ngàn tỷ đồng nguồn vốn để phát triển hạ tầng giao thông.
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông Vận tải đưa ra mục tiêu đến 2030 sẽ đầu tư thêm 5 đoạn cao tốc Bắc Nam tổng chiều dài 190 km. Đầu tư các tuyến đường bộ liên vùng và đường ven biển có tổng chiều dài hơn 1100 km. Đầu tư tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ dài hơn 174 cây số. Phát triển 4 hành lang vận tải thủy đội địa với 20 tuyến chính, bên cạnh đó là nâng cấp các cảng biển, sân bay.
Thành phố Hồ Chí Minh tăng tốc các công trình trọng điểm
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế của cả nước, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm cũng đang được gấp rút triển khai. Nhiều công trình lâu nay bị vướng giải phóng mặt bằng, gặp khó khăn về vốn hay thủ tục hành chính thì nay cũng đang được tập trung giải quyết và có những bước chuyển lớn.
Thành phố Hồ Chí Minh vừa khởi công một lúc 2 công trình giao thông quan trọng. Thứ nhất là đường nối Cộng Hòa, Trần Quốc Hoàn với tổng vốn hơn 4.800 tỷ đồng nhằm giải quyết ùn ứ cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, kết nối nhà ga T3 và cải thiện giao thông cho cả khu vực. Cùng thời điểm này, dự án nút giao An Phú cũng vừa được khởi công với tổng mức đầu tư hơn 3 ngàn 9 trăm tỷ. Công trình này nhằm gỡ nút thắt cửa ngõ phía Đông, kết nối với hệ thống cao tốc.
Một dự án giao thông cực kỳ quan trọng khác là đường Vành đai 3 cũng vừa có bước chuyển quan trọng về tiến độ: Hoàn thành cắm hơn 1.900 cọc mốc; Mục tiêu bàn giao 100% mặt bằng trong năm nay; thông xe vào 2025. Bên cạnh đó là hàng loạt dự án mở rộng cao tốc thành phố TP Hồ Chí Minh - Long Thành, Dầu Giây, mở rộng quốc lộ 50 và nhiều dự án liên kết vùng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ.
Những dự án mang tính nối kết liên vùng, chiến lược như Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 2 đều được đẩy mạnh tiến độ và sẽ khởi công dự án Vành đai 3 vào tháng 6 năm 2023; trình Chính phủ chủ trương đầu tư dự án Vành đai 4 cũng trong tháng 6, trong kỳ họp Quốc hội giữa năm; dự án cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài thì đã trình Chính phủ để lập hội đồng thẩm định Nhà nước để xem xét vào đầu tháng giêng.
Trong năm 2022, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã có hàng loạt công trình giao thông được hoàn thành đưa vào sử dụng. Có thể kể đến như Cầu Thủ Thiêm 2, mở rộng đường Nguyễn Văn Linh, đường Đặng Thúc Vịnh, nhiều dự án trọng điểm như tuyến Metro số 1 cũng đã hoàn thành giai đoạn thi công và chạy thử thành công.
Hàng loạt công trình trọng điểm đang được đẩy nhanh tiến độ, kết hợp với những công trình lớn vừa hoàn thành đang góp phần thay đổi bộ mặt giao thông Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành lân cận. Đây thực sự là những thông tin tích cực, để người dân, doanh nghiệp có thêm niềm tin vào một giai đoạn nền kinh tế sẽ tăng tốc, sau khi vượt qua được thời điểm khó khăn trước mắt hiện nay.