Đây là lần đầu tiên Bộ Tài chính Việt Nam tổ chức hội nghị xúc tiến thu hút đầu tư tại một trong những trung tâm tài chính lớn nhất của châu Âu. Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trả lời phỏng vấn TBTCVN đánh giá về quan hệ hợp tác song phương nói chung và hợp tác tài chính nói riêng giữa hai nước; về cơ hội thu hút dòng vốn từ châu Âu trong thời gian tới.
* TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết một vài nhận xét, đánh giá về quan hệ hợp tác nói chung và hợp tác tài chính nói riêng giữa Việt Nam và Vương Quốc Anh trong thời gian qua?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việt Nam và Vương Quốc Anh đã thiết lập quan hệ ngoại giao trong 45 năm qua. Về đầu tư, Vương Quốc Anh hiện đứng trong tốp 15 nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất vào Việt Nam với khoảng gần 5 tỷ USD, lũy kế đến hết năm 2018, trong đó dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) đạt gần 4 tỷ USD và dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) đạt gần 1 tỷ USD (tính đến tháng 6/2019). Đây là cơ hội và tiền đề tốt cho việc thúc đẩy đầu tư gián tiếp giữa hai thị trường, mở ra cơ hội cho việc thúc đẩy sự phát triển của thị trường tài chính Việt Nam và Vương Quốc Anh.
Vương Quốc Anh cũng là nhà tài trợ ODA song phương đầu tiên và đến nay cũng là duy nhất ký Thỏa thuận hợp tác phát triển dài hạn trong 10 năm với Việt Nam. Từ năm 1992 - 1998, Chính phủ Anh đã viện trợ không hoàn lại (ODA) cho Việt Nam khoảng 24 triệu Euro với 20 dự án hỗ trợ kỹ thuật trong các lĩnh vực giao thông, vận tải, năng lượng, dầu khí, xây dựng, giáo dục... Giai đoạn 2006 - 2015, Chính phủ Anh đã viện trợ cho Việt Nam hàng trăm triệu Bảng Anh cho các chương trình liên quan đến giảm nghèo, y tế, nước sạch, môi trường... đến nay các dự án đã được thực hiện góp phần thiết thực và quan trọng cho phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam.
Trong các quốc gia Châu Âu, Vương Quốc Anh hiện là nhà đầu tư FDI lớn thứ hai (sau Hà Lan) với 267 dự án có tổng vốn đăng ký 3,75 tỷ USD và là đối tác thương mại lớn thứ ba (sau Đức và Hà Lan) của Việt Nam. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2018 đạt 6,77 tỷ USD tăng 10% so với năm 2017.
Thời gian qua, hai quốc gia đã có sự phối hợp chặt chẽ trong hợp tác tài chính. Hai nước đã tiếp tục ký biên bản ghi nhớ về hợp tác tài chính trong giai đoạn 2018 - 2021. Hai bên thống nhất tăng cường, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm trong các lĩnh vực quản lý tài chính, phát triển thị trường tài chính và các chuẩn mực báo cáo tài chính. Các lĩnh vực hợp tác bao gồm quản lý và phát triển thị trường trái phiếu; phát triển chính sách hỗ trợ tài trợ vốn xanh; phát triển và tái cơ cấu thị trường tài chính, phát triển cơ sở nhà đầu tư, tăng cường sự tham gia của các nhà đầu tư có tổ chức và nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường tài chính Việt Nam; phát triển và áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế…
Cùng với đó, quan hệ hợp tác song phương về thuế, hải quan giữa hai quốc gia tiếp tục được đẩy mạnh. Việt Nam và Vương Quốc Anh đã ký kết hầu hết các hiệp định khung như Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Hải quan Việt Nam và hải quan Vương Quốc Anh đã ký kết hợp tác, đề xuất các nội dung hợp tác cụ thể trong lĩnh vực chống buôn lậu và nhu cầu hỗ trợ đào tạo, xây dựng năng lực cho cơ quan hải quan.
Với những kết quả nêu trên, có thể thấy rằng giai đoạn hiện nay, theo như lời ngài Gareth Ward - Đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam nhận định, “quan hệ giữa hai nước đang ở thời kỳ tốt đẹp nhất”, các lĩnh vực hợp tác cụ thể đều đạt nhiều kết quả tích cực.
* TBTCVN: Được biết, một trong những sự kiện quan trọng trong chương trình làm việc tại Anh là Bộ trưởng sẽ chủ trì hội nghị xúc tiến đầu tư tài chính tại London, nhằm tạo cầu nối giữa các nhà đầu tư, doanh nghiệp hai nước. Bộ trưởng có thể cho biết mục tiêu trọng tâm của hội nghị xúc tiến đầu tư lần này?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa nền kinh tế cao và Chính phủ Việt Nam luôn kiên định chính sách chủ động hội nhập quốc tế. Việt Nam đang dần hiện thực hóa duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 GDP bình quân 6,5 - 7%/năm (kế hoạch năm 2019 là 6,6 - 6,8%), phát triển bền vững, ổn định, xanh và sạch. Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, duy trì tốc độ cao và bền vững.
Kinh tế Việt Nam đã thực sự khởi sắc trong năm 2018 với tăng trưởng kinh tế đạt mức 7,08% - cao nhất trong 11 năm. GDP 6 tháng đần năm 2019 tăng 6,76%. Cùng với sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát, nợ công được kiểm soát,... theo đúng mục tiêu Quốc hội đề ra. Bình quân 6 tháng đầu năm 2019, CPI tăng 2,64% so với cùng kỳ năm 2018.
Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Đồng thời, tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại các DN, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; tái cơ cấu thị trường chứng khoán, bảo hiểm. Việt Nam đã xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, tiếp tục tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài có chọn lọc...
Với tiềm năng đó, tôi cho rằng, Việt Nam đã, đang và sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và nhà đầu tư đến từ Vương Quốc Anh nói riêng.
Hội nghị Xúc tiến đầu tư gián tiếp này là hội nghị đầu tiên được tổ chức tại London - một trong những trung tâm tài chính lớn của châu Âu. Hội nghị này nhằm mục tiêu quảng bá về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường vốn Việt Nam nói riêng, với những kỳ vọng đầu tư và tiềm năng phát triển mạnh trong những năm tới.
Một trong những điểm nhấn của các hội nghị xúc tiến đầu tư, bao gồm cả sự kiện tại London lần này, đó là đối thoại chính sách trực tiếp giữa nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan quản lý tài chính của Việt Nam. “Từ chính sách đến thực tiễn” là cách tiếp cận đối thoại chính sách và đối thoại doanh nghiệp với nhà đầu tư nước ngoài của hội nghị xúc tiến đầu tư tại Anh, được tổ chức tại trái tim của Khu tài chính London.
Tại hội nghị, chúng tôi sẽ giới thiệu toàn cảnh về thực trạng, tiềm năng và triển vọng của thị trường chứng khoán và bảo hiểm Việt Nam. Thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài, bao gồm cả nhà đầu tư Anh. Tôi tin tưởng rằng, với tiềm năng của mình, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút mạnh mẽ hơn nữa dòng vốn từ các nhà đầu tư khu vực châu Âu và Vương Quốc Anh.
Với lĩnh vực bảo hiểm, thời gian qua thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có sự tăng trưởng ấn tượng về cả quy mô và chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Với tiềm năng của nền kinh tế, cũng như nhu cầu về bảo hiểm tại Việt Nam, dự báo thị trường này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Cũng trong dịp này, chúng tôi sẽ giới thiệu đến các nhà đầu tư nước ngoài về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam. Trong thời gian qua, công tác này đã thu được nhiều kết quả tích cực và trong thời gian tới thì đây vẫn là lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên đẩy mạnh. Chính phủ Việt Nam đánh giá cao vai trò của các nhà đầu tư nước ngoài và rất hoan nghênh các nhà đầu tư châu Âu, nhà đầu tư Anh tham gia tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp Việt Nam.
* TBTCVN: Thưa Bộ trưởng, các cuộc xúc tiến đầu tư nước ngoài do Bộ Tài chính tổ chức thời gian qua đã tạo cơ hội, thu hút các nhà đầu tư tiềm năng đến với Việt Nam, Bộ trưởng có kỳ vọng gì vào kết quả của hội nghị?
- Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng: Mặc dù giữa hai nước đã có bước tiến dài trong quan hệ hợp tác, tuy nhiên, giá trị đầu tư trực tiếp gần 4 tỷ USD của nhà đầu tư Anh vào Việt Nam chưa phản ánh đúng tiềm năng khi Anh là một trong 5 nước đầu tư ra nước ngoài lớn nhất thế giới (khoảng 300 tỷ USD), đồng thời cũng là nước thu hút đầu tư từ bên ngoài lớn nhất thế giới. Đầu tư gián tiếp của Anh vào Việt Nam hiện nay mới đạt xấp xỉ 1 tỷ USD - còn khá khiêm tốn so với khả năng hấp thụ vốn đầu tư của thị trường Việt Nam.
Nền kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, bình quân khoảng 6%/năm trong 30 năm qua và được đánh giá còn nhiều tiềm năng để phát triển bền vững. Như vậy, có thể thấy, mảng thị trường tài chính vẫn còn nhiều dư địa mới cho hợp tác giữa hai nước và còn nhiều cơ hội cho các nhà đầu tư Anh.
Trong chuyến công tác lần này, Đoàn công tác của Bộ Tài chính sẽ tiếp xúc, trao đổi trực tiếp với một số nhóm các nhà đầu tư tài chính quốc tế tại London. Đây là các quỹ đầu tư lớn, quản lý tổng tài sản cộng dồn lên tới hơn 2.000 tỷ USD. Hội nghị lần này nhằm tạo một kênh đối thoại thực chất giúp cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư Anh quốc hiểu rõ hơn tình hình Việt Nam, hiểu rõ hơn chủ trương và quyết tâm đổi mới của Chính phủ Việt Nam và quan trọng nhất là củng cố lòng tin của nhà đầu tư Anh quốc đối với tiềm năng phát triển của thị trường Việt Nam.
Dịp này, hai bên cũng sẽ tiếp xúc và chứng kiến các lễ ký kết biên bản ghi nhớ của các cơ quan, tổ chức Việt Nam với đối tác tại Vương Quốc Anh như Cơ quan Quản lý Thực thi tài chính (FCA), Cơ quan bảo vệ biên giới (UKBF).
Tôi tin tưởng rằng, sau các chuỗi hoạt động nêu trên, các doanh nghiệp hai nước trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới, để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Vương Quốc Anh. Mong rằng. các cơ quan, tổ chức liên quan của Vương Quốc Anh tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Việt Nam đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác xúc tiến đầu tư và hỗ trợ các doanh nghiệp Anh quốc đầu tư tại Việt Nam. Về phía Bộ Tài chính Việt Nam cam kết sẽ đồng hành và tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước trong quá trình hợp tác, đầu tư.
* TBTCVN: Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!