Thủ tướng giao cho ngành Công Thương mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD trong năm 2020. Nhưng ngay từ đầu năm, dịch corona đã khiến con số này trở thành “nhiệm vụ khó khả thi”.
Lo cho xuất khẩu
Từ khi virus corona xâm nhập vào Việt Nam, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh liên tục triệu tập các cuộc họp với lãnh đạo các đơn vị để lên phương án vừa phòng ngừa dịch bệnh, vừa đảm bảo sản xuất kinh doanh. Cuộc họp chiều 7/2 do Bộ trưởng Công Thương chủ trì cũng không nằm ngoài mục tiêu trên.
Dù một số cửa khẩu ở biên giới phía Bắc đã mở trở lại, song ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, lo ngại: Dù vậy, hàng hóa cũng khó có thể thông thương khi phía Trung Quốc vẫn tránh việc tập trung đông người. Các chợ biên giới vẫn chưa mở cửa. Lực lượng lao động bốc vác thiếu.
Trong khi đó, việc tìm kiếm thị trường mới chưa thể tiến hành ngay được, nhất là với nông sản như dưa hấu, thanh long. Chưa kể, việc đàm phán mở cửa thị trường của hoa quả không diễn ra trong “ngày một ngày hai được”.
Một hướng được ông Chinh nhắc đến là tổ chức vận chuyển nông sản sang Trung Quốc bằng đường biển, nhưng muốn làm được điều này các doanh nghiệp sẽ phải tiến hành xuất khẩu theo đường chính ngạch. “Thời gian đầu Nhà nước có thể xem xét hỗ trợ chi phí vận tải để doanh nghiệp quen dần với hướng này”, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu đề xuất.
“Nếu dịch bệnh diễn ra trong vòng 1-3 tháng, nông sản xuất khẩu qua biên giới chịu tác động giảm 400-600 triệu USD. Nếu dịch kéo dài trên 3 tháng thì sẽ bị tác động đến 800 triệu USD”, ông Chinh chia sẻ.
Nhiều doanh nghiệp lo thiếu nguyên liệu sản xuất |
Trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, khuyến nghị quy hoạch lại việc sản xuất nông nghiệp theo nhu cầu của thị trường. Đồng thời, phải chú ý đến vấn đề chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
“Nếu như nông sản đảm bảo vấn đề trên, khi tìm kiếm thị trường xuất khẩu thay thế cũng dễ dàng hơn nhiều”, ông Đông nói và dẫn chứng việc trong lúc dịch bệnh, người dân tìm đến kênh bán hàng ở siêu thị nhiều hơn là chợ truyền thống. “Lúc dịch bệnh, người dân cũng muốn tiêu dùng các sản phẩm đảm bảo truy xuất nguồn gốc, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, các sản phẩm được nuôi trồng an toàn”.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng cho rằng đây là thời điểm để tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp. Việc sản xuất phải gắn với việc xuất khẩu theo đường chính ngạch, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát dịch bệnh.
“Như thế mới đảm bảo năng lực cạnh tranh, không phụ thuộc vào một thị trường”, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.
Họp gấp với các hiệp hội
Một điều khác khiến lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu lo ngại là nếu dịch bệnh tiếp diễn trong vài ba tháng tới thì doanh nghiệp xuất khẩu trong nước sẽ đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu. Bởi nguyên liệu sản xuất cho Quý I thường được nhập khẩu trước Tết. Song, nếu tình hình này vẫn kéo dài thì nguồn cung nguyên vật liệu là “vấn đề cần quan tâm”.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, thừa nhận việc các ngành dệt may, da giày, điện tử,... phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu, linh kiện từ Trung Quốc là “căn bệnh kinh niên”, kéo dài lâu nay. Công nghiệp hỗ trợ kém phát triển, chỉ tập trung vào hạ nguồn... được cho là lý do dẫn đến tình trạng trên. “Nguồn nguyên liệu nhập khẩu nhiều, một số ngành nguyên liệu cơ bản chỉ đủ dùng trong 1 tháng nữa là hết”, ông Hoài nói.
Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may, cũng lo ngại về nguồn cung nguyên vật liệu.
Ông Cẩm cho biết, nguồn nguyên liệu của ngành dệt may có tỷ lệ đáng kể đến từ Trung Quốc. Dịch nCoV xảy ra khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất nguyên phụ liệu đóng cửa, đặc biệt Vũ Hán có khá nhiều nhà máy lớn nên nguy cơ thiếu nguyên phụ liệu trong thời gian tới là rất cao. Vì vậy, mặc dù thị trường xuất khẩu của ngành may mặc ít bị ảnh hưởng, nhưng đầu vào - khâu cung ứng nguyên liệu - sẽ bị ảnh hưởng.
Để ứng phó với tình huống xấu nhất, một số doanh nghiệp dệt may, da giày đang tính đến phương án nhập nguyên phụ liệu từ các quốc gia khác như Hàn Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Braxin... nhằm bù đắp nguồn thiếu hụt. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là việc chuyển đổi nguồn nguyên liệu qua quốc gia khác không hề đơn giản, đặc biệt so sánh lợi thế về đơn giá, phía bạn hàng Trung Quốc luôn thấp hơn so với các nước khác, nên rất khó cạnh tranh.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, nhận định: Chỉ 1-2 tháng nữa sẽ nhìn thấy rất rõ tác động của dịch bệnh. Nguy cơ dừng sản xuất rất nhiều, việc trả lương cho người lao động, cộng thêm chi phí duy tu bảo dưỡng máy móc cũng là khoản lớn.
Đại diện Samsung tại Việt Nam cho hay cũng vướng thủ tục nhập khẩu thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) và mong muốn chính quyền hai nước tạo điều kiện giảm thiểu thiệt hại của dịch gây ra đối với hoạt động giao nhận tại cửa khẩu.
Do vậy, nếu nguồn cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện đầu vào không được khơi thông, hoạt động giao thương sẽ gặp khó ở cả hai chiều xuất - nhập. Khi đó, mục tiêu xuất khẩu đạt 300 tỷ USD trong năm 2020 cũng sẽ là thách thức không nhỏ.
Lương Bằng