Năm 2021, nhiều nhà đầu tư từng trải qua giai đoạn khó chịu khi các chỉ số tăng trong khi danh mục của mình đi ngang – thậm chí giảm. Các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cứ tăng vượt xa giá trị thực theo các mô hình định giá cơ bản. Những nhà đầu tạm coi là phe "đầu tư giá trị" la ó khi CEO tăng từ 12 lên 100 và CII từ 2.x lên 5x chỉ sau phiên đấu giá đất Thủ Thiêm. Và khi các cổ phiếu này đi xuống, họ hả hê không kém cách mà phe đầu cơ nói về những nhà đầu tư "kẹp" HPG ở giá 58.000 đồng/cp.
Trong Táo Quân vừa qua, chứng khoán lên sóng vẫn với thông điệp "muôn năm cũ": lùa gà cho cáo nó xơi. Có vẻ đây là cách giải thích kiểu F0 là gà Fn là cáo, nhưng thật ra cái kiểu đơn giản hóa này chẳng có giá trị gia tăng nào cho một người nào đó đang chuẩn bị bước vào thị trường chứng khoán. Nhìn gà hóa cáo, cáo đó mà lại là gà, gà gà cáo cáo… không phải là câu chuyện đơn giản mà ai đó có thể có cái nhìn rõ trắng đen. Có thật là đầu cơ thì cần gì vĩ mô, hay là cứ cơ bản là tích sản. Nhân dịp đầu xuân xin được góp vui đôi điều tản mạn về đầu tư, đầu cơ, vốn là tranh luận kéo dài hàng trăm năm. Nhưng thôi năm Nhâm Dần cứ dần dần tìm hiểu.
Người đọc có thể dễ dàng tìm kiếm hàng vạn bài báo về chủ để này, nên tôi chỉ bắt đầu bằng các định nghĩa đơn giản. Đầu tư là giống như việc bỏ tiền góp vốn vào một doanh nghiệp nhằm thu lại lợi nhuận và có chấp nhận rủi ro hợp lý với thời gian nắm giữ tài sản dài (thường là trên 1 năm). Trong khi đó đầu cơ là hoạt động tìm kiếm lợi nhuận trong một khoảng thời gian ngắn, chấp nhận rủi ro cao hơn và mối quan tâm chính là biến động của giá cổ phiếu. Nói một cách hình ảnh, nếu đầu tư trông giống như bàn thắng của Tiến Linh vào lưới Trung Quốc thì đầu cơ sẽ là cú sút xa của Phan Văn Đức (tình cờ làm sao trang ESPN cũng gọi cú sút này là "speculative long-range").
Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa đầu tư và đầu cơ: Đó là liều lượng rủi ro. Rủi ro của đầu cơ cao hơn rất nhiều so với đầu tư. Vì vậy nên cần lưu ý là đầu tư có thể DỄ DÀNG trở thành đầu cơ, khi bạn tăng liều lượng rủi ro lên như "all in full margin" (đầu tư tất cả tiền và dùng cả đòn bẩy từ vay) thì lập tức khoản đầu tư của bạn sẽ thành đầu cơ luôn. Trong thực tế thì ranh giới giữa đầu cơ và đầu tư là rất mong manh, và thường thì một giao dịch cụ thể rất dễ là sự pha trộn của cả hai yếu tố.
Các giao dịch đầu cơ để đời đa phần là bán không và bán khống thì rủi ro là vô hạn vì giá có thể giảm về tối đa là 0 nhưng tăng tối đa tới vô cùng. Ví dụ thì chắc các bạn còn nhớ câu chuyện đầu năm 2021 về GameStop với khái niệm "short squeeze" (tức là khi nhà đầu tư bán không nhưng giá cổ phiếu không giảm để mua lại mà còn tiếp tục tăng giá, khiến thua lỗ nặng và phải chấp nhận mua mức giá cao dù biết trong dài hạn giá cổ phiếu sẽ giảm).
Đầu tư thì tất nhiên là giàu hơn đầu cơ. Số tỷ phú thuộc trường phái đầu tư LUÔN LUÔN lớn hơn rất nhiều lần so với những người thuộc trường phái đầu cơ. Và họ còn giàu hơn. Ví dụ như Warren Buffet thì giàu phải gấp 3 lần George Soros. Thế là, giới đầu tư cũng giống như mây gió tầng trên.
Phe đầu cơ, trái lại, oai hơn rất nhiều. Lý do là rủi ro nhiều hơn thì "lên voi xuống chó nhiều hơn", dễ tạo ra "drama" cho bà con hít. Chứ cụ Buffet mà kể chuyện đầu tư thì nó nhạt nhẽo kiểu "Tôi mua Apple vào năm 2016 vì thấy đây là cổ phiếu rẻ, rồi mua thêm vào năm 2018. Giá vốn đâu đó 36 tỷ đô và đến cuối năm 2021 đã là 158 tỷ đô, kiếm đâu đó 122 tỷ đô còn chưa kể cổ tức. Còn nếu tính hết tháng 1/2022, khéo còn hơn nhiều". Câu chuyện đó, có lẽ chẳng đủ nội dung cho một video Tik Tok.
Tôi chẳng thấy ai làm phim gì hay ho về nhà hiền triết xứ Omaha, nhưng ai rồi cũng xem bộ phim The Big Short khi thị trường đỏ lửa, với thần tượng Michael Burry kiếm được đâu đó gần 1 tỷ đô với cú bán khống được coi là thần thánh. Michael Burry hiện có tài sản chỉ bằng 0,3% cụ Buffet.
Nhân đây cũng phải nói lại là Michael Burry cũng chẳng phải là người kiếm được nhiều nhất từ khủng hoảng nhà đất dưới chuẩn 2007-2008 tại Mỹ, mà đó phải là John Paulson với đâu đó 20 tỷ đô la. Đến đây các bạn có lẽ muốn tôi nhắc tới cụ George Soros với cú bán khống bảng Anh vào năm 1992, nhưng dường như quỹ của cụ giờ cũng dần theo trường phái đầu tư.
Thông thường sẽ luôn là đầu tư kiếm tiền tốt hơn trong dài hạn, còn ngắn hạn thì đầu cơ có vẻ tốt hơn. Kiểm chứng truyền thuyết này là khó, vì những bằng chứng thường chỉ mang tính đơn lẻ. Chẳng hạn gần đây có sự nhầm lẫn giữa cụ Warren Buffet là đầu tư và chị Cathie Wood là đầu cơ. Nhưng theo tôi đó chỉ là các trường phái đầu tư khác nhau, đơn giản là vì tuy chị Cathie có vẻ trông liều lĩnh hơn và chấp nhận nhiều rủi ro nhưng chị ấy luôn là một nhà đầu tư chính hiệu theo cách của chị ấy, và hiểu rõ việc chị ấy đang làm và đầu tư với tầm nhìn dài hạn. Cụ Buffet tin tưởng vào "giá trị" – là thứ mang về cho nhà đầu tư. Còn chị Cathie tin vào "sự tăng trưởng" của doanh nghiệp – là thứ sẽ mang lại điều gì đó mang tính cách mạng nhảy vọt về lợi nhuận trong tương lai – dù hiện tại khá là mơ mộng, như kiểu kiểu đầu tư vào một hãng du lịch lên sao Hỏa mà giờ còn chưa biết lên bằng gì. Lại lan man là chị Cathie có giá trị của chị Cathie, thế giới mà không có những người dám đầu tư vào các ngành và lĩnh vực mới, "đổi mới và sáng tạo" theo cách nói bây giờ, thì làm sao mà phát triển được? Không lẽ chúng ta chỉ trông vào những thứ như iPhone hay Coca Cola?
Vậy, có dễ để thành một nhà đầu tư giá trị như cụ Buffet? Thực sự không đơn giản. Khác với chúng ta, trong một số trường hợp cụ lại mua luôn cả công ty nếu nó đang giao dịch dưới giá trị thật. Một nhà đầu tư thông thường, dù có thuộc nằm lòng các bài học của cụ, cũng rất khó làm được điều này. Đó không chỉ là kỹ năng lựa chọn cổ phiếu, mà còn cần cả kỹ năng làm ăn kinh doanh. Thật ra mô hình Berkshire có phải là một quỹ đầu tư, hay trông giống như một công ty bảo hiểm? Hiểu được điều đó, có lẽ giới đầu tư cũng bớt ảo tưởng đi ít nhiều, vì những kỹ năng kinh doanh thần thánh đó, chẳng có gì dễ dàng mà có được.
Có một điểm mà nhà đầu tư thường băn khoăn là giữ cổ phiếu dài hạn là có lời mà sao khó thế? Nhìn xung quanh hàng đầu cơ lên ầm ầm còn hàng đầu tư thì chẳng thấy lên thậm chí còn xuống. Không khó để thống nhất với nhau về triển vọng của doanh nghiệp, nhưng tâm lý sốt ruột muốn bán vì đủ mọi lý do là điều mà một nhà đầu tư thường cảm thấy khó khăn trong quá trình đầu tư của mình. Vậy khi nào nên bán cổ phiếu? Về việc này, cụ Charlie Munger -chiến hữu thân cận của cụ Buffet - lý do để bán cổ phiếu luôn là một là triển vọng của doanh nghiệp kém đi nhiều so với dự tính ban đầu của chúng ta, hoặc là, chúng ta có cơ hội đầu tư tốt hơn
Quay lại câu chuyện đầu cơ. Chúng ta cũng đồng ý rằng đầu cơ không hoàn toàn xấu. Đầu cơ tạo ra thanh khoản cho thị trường, mà thanh khoản chính là ô xy của thị trường chứng khoán. Một thị trường chỉ toàn các nhà đầu tư giá trị, sẽ không có được thanh khoản cần thiết để hoạt động. Tuy nhiên khi mà đầu cơ trở thành động lực chính, chi phối thị trường, thì nó sẽ là xấu và thậm chí còn cản trở hoạt động đầu tư.
Đến đây chắc độc giả sẽ cần có câu trả lời cho việc lựa chọn giữa đầu tư dài hạn và đầu cơ ngắn hạn?
Câu trả lời của tôi sẽ là, tùy vào tính cách của bạn. Với một người bình thường thì đầu tư sẽ là một lựa chọn dễ dàng, dù tẻ nhạt nhưng lại mang lại rất nhiều thời gian để tham gia vào các hoạt động mình yêu thích. Trong khi đó, những người có khả năng tìm kiếm thông tin tốt, tích lũy được nhiều kinh nghiệm qua thời gian, xây dựng được những hệ thống giao dịch có tính tin cậy, ưa thích thể thao mạo hiểm, tâm lý vững, có thể chọn đầu cơ. Công cụ, chiến lược đầu tư/đầu cơ thì rất nhiều, nhưng nó phải phù hợp với tính cách của bạn, thì mới có hiệu quả lâu dài. Cung tên trong tay Quách Tỉnh mà đưa cho Trương Vô Kỵ thì cũng vô dụng mà thôi. Hoặc nói như John Bogle - 1 trong 4 cây đại thụ của làng đầu tư thế giới trong thế kỷ 20 - thì lợi nhuận từ đầu tư và đầu cơ sẽ giống như chiếc bánh Bagel và Donut, bề ngoài nhìn na ná nhau. Nhưng Bagel sẽ tốt cho sức khỏe, giàu dinh dưỡng còn Donut thì ngọt ngào và nhìn hấp dẫn hơn nhưng dễ làm tăng cân. Tôi chọn Bagel, nhưng mà thỉnh thoảng ăn Donut cũng vui.