Trong nhiều tuần qua, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu đã gây thiệt hại nặng nề cho các nền kinh tế trên thế giới, khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, người lao động mất việc làm và triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm mạnh. Theo Bloomberg, nền kinh tế toàn cầu đã chính thức bước vào một cuộc đại suy thoái bắt đầu từ tháng 3.
Để thích ứng với những điều kiện khó khăn này, các chính phủ trên toàn thế giới đã bắt đầu sử dụng các biện pháp kích thích mạnh mẽ, từ các gói hỗ trợ trực tiếp cho người dân đến những thông báo cắt giảm lãi suất khẩn cấp trong nỗ lực làm dịu sự suy thoái và đẩy nhanh quá trình phục hồi.
Cho đến lúc này, rất nhiều người mới đặt ra câu hỏi rằng nếu như nền kinh tế đang sử dụng các loại tiền kỹ thuật số của ngân hàng trung ương (Central Bank Digital Currency - CBDCs) thì nhà hoạch định chính sách có thể đưa ra quyết định sáng suốt hơn hay không?. Bởi lẽ bằng cách khai thác các loại tiền kỹ thuật số này, các quan chức chính phủ có thể có khả năng hiểu rõ hơn về các hoạt động kinh doanh chính của quốc gia, ví dụ như nơi các giao dịch đang diễn ra và ngành nào đang thu hút đầu tư. Thông tin này có thể giúp họ xác định chính xác các ngành công nghiệp cần hỗ trợ nhất và cũng giúp đánh giá dễ dàng hơn kết quả của bất kỳ chính sách kích thích nào.
Tiềm năng "không thể phủ nhận" của CBDC
John Iadeluca, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của quỹ đa chiến lược Banz Capital, nhấn mạnh các lợi ích mà CBDC mang lại, mô tả tiềm năng của nó là "không thể phủ nhận", nhất là trong bối cảnh nền kinh tế sụp đổ do virus Covid-19.
"Các nhà hoạch định chính sách và công dân Mỹ cũng nhìn thấy những gói kích thích đang phải đối mặt với những rào cản lớn, và điều này có thể được giải quyết thông qua CBDC. Sở thuế vụ Hoa Kỳ (IRS) gần đây đã bắt đầu gửi những tấm séc hỗ trợ này cho công dân Mỹ, nhưng theo lịch trình của Ủy ban lập pháp, việc phân phát chúng có thể mất tới 20 tuần. Sự chậm trễ này có thể sẽ được loại bỏ nếu sử dụng đồng CBDC", Iadeluca nhận định.
Lợi thế mà CBDC đem lại là do loại tiền kỹ thuật số này có thể cung cấp cho người dùng quyền truy cập nhanh chóng vào tài khoản thanh toán thông qua hệ thống tiền tệ bảo mật mà người dân và doanh nghiệp được mở trực tiếp tại ngân hàng trung ương.
Theo Matthew, đồng sáng lập và là giám đốc điều hành của nền tảng quản lý tài sản kỹ thuật số Stack, ngoài việc giảm bớt việc phân phối những gói hỗ trợ do được truyền tải trực tiếp tới mỗi người dân, việc ban hành CBDC cũng sẽ mở ra cơ hội cho các sáng kiến chính sách tiền tệ mới như những "gói tiếp tế" cho người dân để kích thích chi tiêu.
Kích thích theo ngành cụ thể
Xa hơn nữa, việc sử dụng CBDC có khả năng thực hiện các hành động chính sách nhằm kích thích các ngành cụ thể đạt hiệu quả hơn.
"Gần đây, một lượng vốn lớn đã chảy ra khỏi ngành du lịch Mỹ, nhanh hơn những gì mà nền kinh tế này có thể theo dõi, dẫn đến một khoản cứu trợ trị giá 25 tỷ USD. Tuy nhiên, với CBDC, hầu như tất cả các giao dịch đều được mã hoá bằng ‘zero-knowledge encryption’ (kiểu mã hoá mà các nhà cung cấp dịch vụ không biết những dữ liệu người dùng lưu trữ trên máy chủ của họ), cho phép sự riêng tư và chính xác đến mức có thể phân loại và tính toán hiệu ứng domino từ những sự kiện chẳng hạn như sự sụp đổ của ngành hàng không", ông Iadeluca lưu ý.
Cân nhắc về quyền riêng tư
Mặc dù đem lại khá nhiều những lợi ích tiềm năng nói trên, một số chuyên gia về tiền kỹ thuật số đã đưa ra những cảnh báo nghiêm trọng về tác động tiêu cực mà CBDC có thể gây ra đối với quyền riêng tư của doanh nghiệp và người tiêu dùng.
"Vì các đồng CBDC nhất thiết phải có mạng lưới kiểm soát tập trung, điều này sẽ cung cấp cho các ngân hàng trung ương quyền truy cập vào một lượng dữ liệu chưa từng có đối với các giao dịch của cá nhân và doanh nghiệp", theo Jake Yocom-Piatt, người sáng lập và kiêm giám đốc điều hành của dự án đồng tiền điện tử Decred.
"Trong khi có những khía cạnh tích cực về vấn đề này, ví dụ như việc tính toán và đo lường chính xác hơn lượng tín dụng đưa ra nền kinh tế khi cần thiết, thì cũng kéo theo vô số những điều tiêu cực về quyền riêng tư", ông Jake nói.
Jesse Proudman, Giám đốc điều hành của quỹ phòng hộ tiền điện tử Strix Leviathan, cũng cân nhắc rằng trong khi các đồng CBDC có lợi thế về tốc độ giao dịch và tính minh bạch, những lợi ích đó đi kèm với chi phí của quyền riêng tư.
"Việc sử dụng CBDC trên diện rộng để kích thích tài khóa sẽ chuyển dữ liệu chi tiêu của người tiêu dùng ra khỏi tay các công ty tư nhân, đưa lên các sổ cái công khai và sẽ được chính quyền trung ương theo dõi chặt chẽ".
Proudman cho rằng ở thời điểm hiện tại quyền riêng tư vẫn còn chưa được đảm bảo, thì tình hình sẽ còn tồi tệ hơn rất nhiều nếu các ngân hàng trung ương bắt đầu phát hành tiền pháp định của riêng họ. Có một sự khác biệt rất lớn đối với nguồn dữ liệu giao dịch mà các công ty tư nhân nắm giữ so với dữ liệu giao dịch nằm trong sổ cái do chính phủ giám sát, trong đó mỗi tài khoản đều có thể nhận dạng rõ ràng đối với một công dân, ông Proudman lưu ý.
Hiện tại, một số quốc gia đã bắt đầu tiến hành các thử nghiệm đồng CBDC trong một số ngành cụ thể. Tiên phong trong vấn đề này là Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC), trong tháng 5 này, các nhân viên làm việc trong hệ thống nhà nước tại 4 địa phương ở Trung Quốc sẽ bắt đầu thí điểm nhận lương bằng đồng Nhân dân tệ điện tử. Bước đi quan trọng này sẽ là tiền đề để Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên trên thế giới có ngân hàng trung ương chính thức phát hành tiền điện tử có chủ quyền trong tương lai, hoàn toàn khác với đồng Bitcoin "không biên giới".
Các ngân hàng trung ương khác như Riksbank của Thụy Điển cũng đang nghiên cứu phát hành đồng tiền kỹ thuật số mang tên e-krona; Uruguay đã thực hiện một chương trình thí điểm có tên là e-Peso; Ngân hàng Dự trữ Nam Phi đang nghiên cứu tính khả thi của tiền kỹ thuật số; Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ đang hợp tác với sàn giao dịch chứng khoán SIX để phát triển một đồng tiền kỹ thuật số phục vụ cho việc giao dịch và thanh toán giữa các thành viên của thị trường tài chính.
Tham khảo: Forbes