Suốt hơn một năm kể từ khi các quốc gia áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để ngăn chặn Covid-19 lây lan, thói quen chi tiêu của người tiêu dùng luôn là được nghiên cứu kỹ lưỡng. Tuy nhiên, một lĩnh vực bị "bỏ qua" là hành vi với thẻ ngân hàng và tín dụng của người tiêu dùng.
Công ty tài chính FIS Global đã điều tra xem đại dịch ảnh hưởng thế nào đến lĩnh vực này. Kết quả, họ phát hiện ra những thay đổi. Cụ thể, việc chuyển sang các dịch vụ ngân hàng số được đẩy nhanh hơn do hậu quả của đại dịch.
Theo đó, 37% số người được hỏi cho biết họ "bắt đầu mối quan hệ với một ngân hàng mới", những công ty có hoạt động trực tuyến tốt hơn. 18% vẫn chỉ trung thành với một tài khoản ngân hàng duy nhất.
Bên cạnh đó, việc sử dụng thẻ tín dụng đã giảm mạnh. Trong năm ngoái, số người không có thẻ tín dụng là 14% nhưng đã tăng lên 21% trong năm nay. Thế hệ Z được cho là những người tạo ra tác động bước ngoặt đối với ngành ngân hàng truyền thống và các công ty tài chính được khuyên nên thích ứng với những thay đổi hành vi của nhóm này.
"Mua ngay, trả sau" là một chiến lược mà FIS Global đưa ra như lời khuyên để các nhà phát hành thẻ tín dụng có thể thu hẹp khoảng cách với các dịch vụ ngân hàng số. Công ty này dự đoán các dịch vụ "mua ngay, trả sau" sẽ chiếm 4% tổng số giao dịch thương mại điện tử toàn cầu vào năm 2024. Riêng ở Mỹ, FIS Global ước tính số giao dịch "mua ngay, trả sau" sẽ tăng lên 5% so với con số 2% ở thời điểm hiện tại.